Nâng cao nhận thức bình đẳng giới trong thể thao

Sáng 10/1, Hội thảo ASEAN - Nhật Bản về Bình đẳng giới đã diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của hơn 50 đại biểu, trong đó có 32 đại diện nước ngoài đến từ 10 quốc gia khu vực Đông Nam Á. Ông Đặng Hà Việt - Cục trưởng Cục Thể dục thể thao tới dự và phát biểu khai mạc Hội thảo.

Việt Nam đảm nhận vai trò chủ trì ASEAN về thể thao giai đoạn 2024-2025, vì vậy, hoạt động phối hợp tổ chức Hội thảo về bình đẳng giới trong thể thao lần này là hoạt động mở màn cho chuỗi các sự kiện về thể thao của khu vực ASEAN trong năm 2024. 

Hội thảo được tổ chức nhằm làm rõ khái niệm lồng ghép giới trong thể thao trên toàn cầu, ASEAN và tại mỗi nước. Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái trong thể thao trong khu vực ASEAN, bao gồm cả vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong thể thao, khả năng tiếp cận thể thao và sự an toàn của phụ nữ trong môi trường thể thao.

z5057414887341-eacaccd50fd8975b89865063e0551cf6-1704862527.jpg
Toàn cảnh Hội thảo

Bình đẳng giới là một trong những mục tiêu phấn đấu của các quốc gia trên thế giới nhằm hướng đến một xã hội tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững, nam giới và nữ giới cùng có vị thế bình đẳng và được tôn trọng như nhau; Cùng có cơ hội để tham gia, đóng góp và thụ hưởng từ các nguồn lực của xã hội và quá trình phát triển trên tất cả các lĩnh vực trong đó có cả lĩnh vực thể dục thể thao. Tuy nhiên, định kiến giới và tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại trong một số gia đình và một bộ phận dân cư trong xã hội. Phụ nữ do vậy đã phải chịu thiệt thòi do đảm nhận thiên chức làm vợ, làm mẹ. 

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Đặng Hà Việt - Cục trưởng Cục Thể dục thể thao - nhấn mạnh: "Hội thảo lần này được tổ chức theo hình thức trực tiếp sẽ là cơ hội giúp người tham dự có thể trao đổi và lãm rõ các vấn đề về bình đẳng giới trong thể thao, hiểu được tình hình lồng ghép trong các chính sách về thể thao, đưa ra những ý tưởng về các lĩnh vực ưu tiên của chiến lược thúc đẩy lồng ghép giới trong thể thao về các công cụ cũng như những có vị trí để hỗ trợ thực hiện".

z5057414924223-e5e307febc195d136f6d9329713e7324-1704862595.jpg
Ông Đặng Hà Việt - Cục trưởng Cục Thể dục thể thao - phát biểu khai mạc Hội thảo

Thấy rõ tầm quan trọng và tính cấp thiết đối với vấn đề bình đẳng giới, tại Hội nghị Bộ trưởng Thể thao ASEAN và Nhật Bản lần đầu tiên năm 2017, lãnh đạo Bộ Thể thao các nước đã tuyên bố tăng cường sự tham gia thể thao của nữ giới. Theo đó, Kế hoạch hành động ASEAN về thể thao giai đoạn 2020-2021 đã đề cập đến nội dung hoạt động thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái đối với các hoạt động thể dục thể thao liên quan đến các mục tiêu phát triển bền vững.

Cục trưởng Đặng Hà Việt đánh giá cao Nhật Bản trong vai trò đối tác của ASEAN, là quốc gia đã rất tích cực trong việc thúc đẩy bình đẳng giới trong thể thao thông qua các chương trình, dự án hợp tác giữa ASEAN - Nhật Bản và được thực hiện bởi Quỹ Hội nhập ASEAN - Nhật Bản do Chính phủ Nhật Bản tài trợ. Đồng thời, gửi lời cảm ơn Hội đồng Thể thao Nhật Bản và Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về thể thao và bình đẳng giới, trường Đại học Seijo (Nhật Bản) đã lựa chọn tổ chức Hội thảo này tại Việt Nam.

z5057414904854-a0a296f2713d8e3d6baf5421f666dcb1-1704862449.jpg
Bà Larasati Indrawagita - Ban Thư ký ASEAN, Cán bộ cấp cao Phòng Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Ban Thư ký ASEAN - chia sẻ kế hoạch hành động ASEAN trong lĩnh vực thể thao giai đoạn 2021-2025

Trong buổi sáng nay, Hội thảo đã nghe chia sẻ kế hoạch hành động ASEAN trong lĩnh vực thể thao giai đoạn 2021-2025 do bà Larasati Indrawagita - Cán bộ cấp cao Phòng Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Ban Thư ký ASEAN trình bày. Trong đó, chiến dịch ASEAN#WESCORE - nhằm giải quyết các vấn đề về giới ở ASEAN qua lăng kính thể thao với các thông điệp như: Thể thao là nền tảng mạnh mẽ để thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền ho phụ nữ và trẻ em gái; Xóa bỏ bạo lực và quấy rối trong các môn thể thao; Vai trò quan trọng của vận động viên nữ trong việc hỗ trợ ngoại giao thể thao; Các chương trình giáo dục và đào tạo sau khi kết thúc sự nghiệp; Áp dụng khoa học công nghệ cho thể thao và vận động viên nữ. 

Cũng tại Hội thảo, bà Aya Noguchi - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Quốc tế vể thể thao và bình đẳng giới, Đại học Seijo (Nhật Bản) - giới thiệu về lồng ghép giới và các vấn đề về giới trong thể thao; Khái niệm và Khung lồng ghép giới trong Thể thao…

z5057414889233-fbc1d134b958e78c5f0036931cd8722f-1704862404.jpg
Bà Aya Noguchi -  Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Quốc tế vể thể thao và bình đẳng giới, Đại học Seijo (Nhật Bản) - giới thiệu về chương trình lồng ghép giới và các vấn đề về giới trong thể thao

Diễn ra trong 2 ngày (10 và 11/1), Hội thảo sẽ nghe mỗi nước tham dự sẽ trình bày tóm tắt các ý tưởng về việc làm thế nào để tiếp cận phát triển chính sách thể thao đáp ứng về giới và thực hiện tại mỗi nước. Đồng thời, Hội thảo sẽ tập trung thảo luận về các vấn đề như Khái niệm và Khung lồng ghép giới trong thể thao; Hiện trạng về giới trong và thông qua thể thao ở mỗi quốc gia; Hiện trạng về giới trong thể thao và thông qua thể thao ở mỗi quốc gia; Truyền thông trong thể thao; Bạo lực trên cơ sở giới; Các vấn đề ưu tiên của mỗi quốc gia và ASEAN; Lập kế hoạch chiến lược lồng ghép giới trong chính sách thể thao ở mỗi quốc gia; Khuyến nghị về hướng đi trong bối cảnh hợp tác thể thao ASEAN - Nhật Bản.

z5057414889897-0d0714dffef68e45b22ad9cbda6457d8-1704862490.jpg
Các đại biểu tham dự Hội thảo về bình đẳng giới trong thể thao diễn ra tại Hà Nội
Bùi Lượng