Phát biểu tại tọa đàm, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nguyễn Thị Thu Hoan cho biết: Ngày nay, giáo dục gắn với sự tham gia của cộng đồng được coi là nhiệm vụ quan trọng của một bảo tàng hiện đại: Sưu tập hiện vật, trưng bày và các chương trình giáo dục được coi là cốt lõi của một bảo tàng, thậm chí giáo dục là một trong những chức năng quan trọng của bảo tàng và là lý do để bảo tàng tồn tại. Bảo tàng phải cùng với các thiết chế giáo dục khác tạo ra cơ hội học tập suốt đời cho mọi cá nhân, nơi nuôi dưỡng tri thức và khuyến khích sáng tạo.
Trong những năm gần đây, nhiều bảo tàng, di tích, trong đó có Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã không ngừng nỗ lực, nghiên cứu, tìm tòi, áp dụng các quan điểm, phương pháp giáo dục, trải nghiệm mới vào trong các chương trình, hoạt động giáo dục truyền thống thông qua di sản văn hóa nhằm đem đến và cung cấp các cơ hội học tập, khám phá, trải nghiệm cho công chúng; đưa bảo tàng, di tích đến gần hơn với công chúng và thu hút công chúng đến với bảo tàng.
Để nâng cao hiệu quả, chất lượng các chương trình/hoạt động giáo dục của bảo tàng, di tích hơn nữa, chúng tôi tổ chức tọa đàm này với mong muốn chia sẻ những phương pháp, kinh nghiệm hay, bài học quý về công tác giáo dục di sản đã và đang được thực hiện ở các bảo tàng, di tích trong nước và quốc tế. Trên cơ sở đó, góp phần định hướng và hỗ trợ các bảo tàng xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển hoạt động giáo dục di sản phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động bảo tàng, di tích và thu hút công chúng.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và làm rõ một số vấn đề chính như: Các quan điểm mới và cách tiếp cận, phương pháp giáo dục di sản; Hoạt động giáo dục di sản tại bảo tàng, di tích Việt Nam; Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục di sản ở bảo tàng, di tích.