Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa

Việc sửa đổi Luật Di sản văn hóa nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. 

Nghiên cứu, xây dựng các chính sách có trọng tâm, trọng điểm và bền vững

Trình bày Báo cáo thẩm tra tại Phiên họp cho ý kiến về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) diễn ra sáng nay (17/4) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và mục đích, quan điểm xây dựng dự án Luật tại Tờ trình số 119/TTr-CP ngày 29/3/2024 của Chính phủ.

Việc sửa đổi Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Thường trực Ủy ban nhận thấy, hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được chuẩn bị công phu, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét. Các quy định của dự thảo Luật cơ bản thống nhất với 03 nhóm chính sách được Chính phủ trình Quốc hội thông qua. Trong quá trình tiếp thu, giải trình các nội dung, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các dự thảo văn bản quy định chi tiết để các văn bản hướng dẫn có hiệu lực đồng thời với Luật, bảo đảm chất lượng...

anh-nguyen-dac-vinh-1713339170.jpg
Ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - phát biểu tại Phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật. Đồng thời, nhận thấy, dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, cơ bản thống nhất với các quy định của hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu, bám sát, nội luật hóa các nguyên tắc, quy định, hướng dẫn của UNESCO về đối tượng, loại hình, tên gọi các loại hình di sản văn hóa; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cộng đồng, cá nhân đối với di sản văn hóa...

Về sở hữu di sản văn hóa, Thường trực Ủy ban đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình nội dung này; đồng thời quy định cụ thể thẩm quyền, tiêu chí xác định các hình thức sở hữu đối với di sản văn hóa; nguyên tắc quản lý, bảo vệ, phát huy di sản văn hóa; giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu đối với di sản văn hóa (nếu có).

Liên quan đến chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, Thường trực Ủy ban đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chính sách có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng và sự tham gia của cộng đồng, người dân; phù hợp với yêu cầu thực tế và tính đặc thù trong bảo vệ, phát huy giá trị từng loại hình di sản văn hóa. Đồng thời, tập trung rà soát các chính sách, nhất là chính sách về đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước; chính sách xã hội hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực… để bảo đảm cụ thể, minh bạch, hiệu quả và khả thi, thống nhất trong hệ thống pháp luật…

Đối với nội dung về hợp tác công tư trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, Thường trực Ủy ban nhận thấy, quy định về hợp tác công tư trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa là cần thiết nhưng cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, bảo đảm phù hợp, đầy đủ, thống nhất và khả thi.

Về Quỹ bảo tồn di sản văn hóa, một số ý kiến cho rằng, Nghị quyết số 792/NQ-UBTVQH14 ngày 22/10/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “một số nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách Nhà nước” yêu cầu Chính phủ rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ tài chính của một số luật.

Trong thực tế, khi thông qua một số luật, Quốc hội đã bãi bỏ một số quỹ được lập theo các luật chuyên ngành, như: Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV, Quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh, Quỹ phòng, chống tác hại rượu bia. Do vậy, đề nghị tiếp tục cân nhắc về việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa.

Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban nhận thấy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Phụ lục IV về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư (Điều 100) là phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa sửa đổi, bổ sung ngành, nghề kinh doanh có điều kiện đối với “lập thiết kế bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích” vào mục 194 của Phụ lục IV của Luật Đầu tư để thống nhất với quy định tại điểm c khoản 2 Điều 75 dự thảo Luật; chưa sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư để thống nhất với quy định tại Điều 89 dự thảo Luật. Do vậy, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung.

phien-hop-sang-nay-1713339385.jpg
Quang cảnh Phiên họp

Rà soát thêm tính thống nhất của dự án Luật trong hệ thống pháp luật

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhất trí cao việc sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa hiện hành. Đồng thời nhận thấy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã rất cố gắng xây dựng dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và Hồ sơ dự án Luật đảm bảo quy định theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cho rằng dự án Luật được chuẩn bị tương đối công phu, tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị cần rà soát thêm về tính thống nhất của dự án Luật trong hệ thống pháp luật, đồng thời cần rà soát để khắc phục những vấn đề chồng chéo giữa Luật Di sản văn hóa và các luật khác. Cùng với đó, cần tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư kinh doanh, một số vấn đề bổ sung cũng chưa được đánh giá tác động.

Liên quan đến tính thống nhất của dự án Luật này với các luật khác cũng như Luật hiện hành, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) sẽ được cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới. Do đó, cần xem xét giữa di sản tư liệu và bảo vật quốc gia được quy định trong dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) với tài liệu lưu trữ, tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt được quy định trong Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, trong quá trình làm việc, Ủy ban Pháp luật đã chủ động phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ, tổ chức nhiều cuộc họp trao đổi để tiếp thu vấn đề này. Đồng thời, đề nghị cần rà soát tính thống nhất với Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công, nhất là liên quan đến phê duyệt triển khai và có ý kiến đồng ý bằng văn bản của cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa là không thống nhất với Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công.

Cần tiếp tục rà soát và mở rộng phạm vi các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (Điều 100 của dự thảo Luật), bổ sung ít nhất 4 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, tuy nhiên qua rà soát, dự thảo Luật vẫn còn thiếu các ngành nghề khác mà chưa quy định. Do đó, cần nghiên cứu, đánh giá sự cần thiết bổ sung các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Việc bổ sung cần đảm bảo chủ trương là không làm tăng chi phí tuân thủ một cách bất hợp lý và đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Di sản văn hóa, hồ sơ dự thảo luật đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, tương đối đầy đủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, trong hồ sơ dự thảo luật, các chính sách mới đã được xem xét, đánh giá tương đối kỹ, dự thảo có nhiều quy định mới về phân công, phân cấp ảnh hưởng. Các quy định này có ảnh hưởng đến việc phân bổ nguồn lực, kinh phí thực hiện, cần xem xét kỹ tính khả thi để đảm bảo phù hợp với thực tiễn.

chu-tich-hue-phat-bieu-sang-nay-1713339270.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận dự án Luật được soạn thảo công phu, nghiêm túc

Di sản văn hóa cần được coi là nguồn lực cho phát triển cần được bảo tồn và phát huy

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng việc sửa đổi căn bản Luật Di sản văn hóa là phù hợp. Ghi nhận dự án Luật được soạn thảo công phu, nghiêm túc, nội dung cơ bản thể chế hóa chủ trương của Đảng về văn hóa và di sản văn hóa nói riêng nhất là sau khi tổng kết 80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam và Hội nghị văn hóa, Diễn đàn văn hóa được tổ chức công phu. Một số luật như Luật Đất đai, Luật Lưu trữ… tạo điều kiện để sửa đổi luật đồng bộ. Chủ tịch Quốc hội cho rằng đến nay, dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 tới; bày tỏ kỳ vọng sẽ tạo bước thay đổi căn bản trong quản lý phát huy giá trị di sản văn hóa.

Cơ bản tán thành các nội dung thẩm tra và các ý kiến tại phiên họp, góp ý về chính sách Nhà nước về di sản văn hóa tại Điều 7 dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội cho rằng di sản văn hóa cần được coi là nguồn lực cho phát triển cần được bảo tồn và phát huy, mối quan hệ bảo tồn và phát huy cần được rà soát trong tổng thể văn bản luật, với tinh thần kiến tạo phát triển. Đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu xem xét bổ sung chủ trương, chiến lược về công nghiệp văn hóa, thị trường văn hóa, chuyển đổi số văn hóa, số hóa di sản văn hóa, hợp tác công tư, kinh tế văn hóa…

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu bổ sung một số chủ trương, chính sách đặc thù bảo tồn phát huy di sản văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, di sản văn hóa quý hiếm có nguy cơ thất truyền…

Về bố cục và nội dung, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề có cần thiết tách chương riêng (chương 4 dự thảo Luật) về bảo vệ phát huy giá trị tư liệu hay không? Bởi di sản tư liệu chính là di sản văn hóa vật thể như di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia… hiện được bảo quản lưu trữ tại các viện bảo tàng, thư viện, trung tâm lưu trữ và lưu trữ tại nơi gắn với di tích như đền, chùa, đình làng… đều có quy định, quy trình quản lý, nếu có chương riêng quy định liệu có chồng lấn với các quy định khác.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội gợi ý xem xét để quy định trong chương 3 dự thảo Luật; đồng thời nên bổ sung trong giải thích từ ngữ khái niệm hiện vật có giá trị đặc biệt.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát bảo đảm tính tương thích, đồng bộ dự thảo Luật này với các luật trong hệ thống pháp luật như: Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đất đai, Luật Tín ngưỡng tôn giáo, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư,…

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với chủ trương sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Tuy nhiên, đây là dự thảo luật rất quan trọng, liên quan tới nhiều lĩnh vực, nhiều luật vì vậy cơ quan chủ trì soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra lưu ý các nội dung đại biểu có ý kiến tại Phiên họp về: chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa, thị trường văn hóa; bổ sung một số chính sách đa dạng hóa nguồn lực phát triển văn hóa, xã hội hóa lĩnh vực văn hóa, cải tạo nâng cấp các di sản văn hóa để phát triển văn hóa; định mức đơn giá trong các công trình văn hóa phải đảm bảo tuổi thọ lâu dài; vấn đề bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số; bố cục dự thảo luật và tính thống nhất của các luật khác, trong đó lưu ý thống nhất với Luật Lưu trữ sắp được Quốc hội thông qua; vấn đề thủ tục hành chính và đầu tư kinh doanh; nguồn lực đảm bảo kinh phí trong phân công, phân cấp, trách nhiệm thực hiện.

T.H