Một thời không thể nào quên!

Về việc "Giấy phép xuất bản báo của Ngành Thể dục thể thao" bắt đầu từ giữa tháng 11/1956 đến mãi ngày 29/4/1957 được cấp Giấy phép số 14/GP của Thủ tướng phủ, chỉ trong hơn 1 tháng tập hợp lực lượng: Ban biên tập, nhân viên hành chính, cán bộ phát hành, họa sĩ trình bày báo..., ông Vương Bích Vượng là Ủy viên Thường trực Ban Thể dục thể thao Trung ương được phân công làm ‘’Chủ bút’’. Và buổi đầu, tờ báo mới chỉ có 6 người gồm: Ông Đàm Vệ Chính làm Thư ký tòa soạn, cùng các ông Trầm Khải Quang, Trần Văn Quý, Lê Bách, Phan Quân và Phạm Thêm. Rồi thời gian ngắn sau có thêm các ông Nguyễn Trung Hiếu (phóng viên ảnh), Nguyễn Duy Chính (trình bày báo)...

Thứ Sáu, ngày 16/6/1957, Báo Thể dục thể thao số 1 ra mắt bạn đọc. Báo được giao cho cơ quan Phát hành báo chí Trung ương phát hành tới bạn đọc. Báo từng được in ở Nhà in Lê Văn Tân phố Lý Quốc Sư, nhà in Nhân dân ở phố Tràng Tiền, thời chiến tranh phá hoại thì được in ở nhà in Tân Việt Hoa phố Quán Thánh rồi chạy tản cư lên Thạch Thất khi Mỹ đánh phá Thủ đô khốc liệt.

Đầu năm 1960, để đáp ứng tình hình và nhiệm vụ mới, Tòa soạn được tăng cường: Nguyễn Thế Hào, Lê Đại Lịch, Phạm Danh Dương, Phù Thăng từ Quân đội sang cùng 8 người nữa: Hà Pha, Nguyên Đào, Ngô Thị Sáu, Mai Văn Tỵ, Nguyễn Thanh Tùng... Năm 1961 có thêm Phan Sang về báo làm phóng viên ảnh.

Sức lan tỏa và tầm ảnh hưởng của tờ báo lúc ấy đã rất lớn, được nhiều cấp lãnh đạo đánh giá cao, quần chúng nhân dân đón nhận. Còn những người tạo nên vinh quang đó trong hơn 50 năm gian nan ấy thì nhiều người đã khuất. Các cây bút sắc sảo, thông minh, xông xáo bám sát cơ sở, đạp xe đạp lên tận Điện Biên, Phong Thổ, Trạm Tấu, Mù Cang Chải; ra tận vùng mỏ hoặc đạp xe đạp vào tới Vĩnh Linh, Quảng Bình, qua Đồng Lộc, Hà Tĩnh, cùng ngồi thuyền của đội dân quân bơi giỏi Hồ Tiến Quốc xã Nhân Trạch hay ra đảo Cồn Cỏ viết về Thái Văn A, lên xã Vĩnh Thủy viết về anh hùng Trương Thị Khuê, vào Cầu Dài Đồng Hới biểu dương anh hùng Trần Thị Lý, ra Nam Ngạn viết về Ngô Thị Tuyển, Nguyễn Thị Hằng... hàng loạt bài viết, ghi chép của các cây bút: Hà Pha, Phùng Bảo Kim, Hữu Ái...

Lớp phóng viên về báo năm 1967 như Nguyễn Quốc Hùng, Nguyễn Hùng, Lê Ngọc Phúc cũng tiếp nối lên đường đi cơ sở. Rồi đến Lê Vinh, Nguyễn Văn Duy, Lưu Tuấn Hiệp, Đỗ Hóa, Lữ Duy Hanh; Quốc tế có Nguyễn Hồng Thanh về báo, đều viết hay, viết khỏe, có trình độ nhận biết vấn đề sâu sắc, nhập vào làng báo chí khá nhanh.

Không chỉ viết về các tấm gương, điển hình tiên tiến, báo cũng đề cập đến những vấn đề tồn tại ở cơ sở lúc đó. Các bài viết: “Nghệ An có gì lạ?” hay ‘’Chúng tôi thấy gì ở Hà Đông’’ cùng hàng trăm bài viết khác đã tác động đến các cấp lãnh đạo và được hoan nghênh.

Trong thời gian 30 năm, từ năm 1965 giặc Mỹ bắn phá miền Bắc, phóng viên báo đi thường trú ở các trọng điểm: Tuyến lửa Khu 4, Vùng mỏ Quảng Ninh, Khu tự trị Tây Bắc, Đồng bằng Sông Hồng và... sau ngày 30/4/1975 thì phóng viên báo lại có mặt ở: Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ.... Thời đó, có 14 phóng viên, cùng khoảng 10 cán bộ, Ban Biên tập, nhân viên đánh máy, kế toán, phát hành... đã tạo nên sức mạnh tiềm năng và thành tích vẻ vang của tờ báo ngành Thể dục thể thao.

Tấm Huân chương Độc lập hạng Ba, cùng nhiều Bằng khen các cấp đủ nói lên sức làm việc của tập thể tờ báo. Là 1 trong 7 tờ báo ngành có uy tín, có vị trí xứng đáng trong làng Báo chí Cách mạng sau hòa bình năm 1954, từ khi tái thành lập Ngành Thể dục thể thao phụng sự cho sự nghiệp cao cả do Chủtịch Hồ Chí Minh khai sinh. Sinh thời Người hằng mong ước “DÂN CƯỜNGTHÌ QUỐC THỊNH”.

img-20230701-104339-1688183061.jpg

Năm 1990, tờ Thể dục thể thao được mang tên mới THỂ THAO VIỆT NAM - cơ quan ngôn luận của Ngành Thể dục thể thao quốc gia. Tờ báo từng bước nâng cao vị thế, hòa nhập vào dòng chảy của thời kỳ đổi mới và được đông đảo bạn đọc cả nước đón nhận. Sự phát triển của Ngành Thể dục thể thao có phần đóng góp không nhỏ của tờ báo từ vai trò cổ vũ, động viên các phong trào thể dục thể thao trong quần chúng nhân dân đến thúc đẩy thành tích thể thao Việt Nam trên các đấu trường quốc tế.

Trong thời kỳ hội nhập và phát triển chung của đất nước, đáp ứng nhu cầu thông tin của độc giả, bên cạnh ấn phẩm chính là tờ Thể thao Việt Nam, báo còn xuất bản các ấn phẩm đặc biệt bám sát các sự kiện thể thao lớn trong nước và quốc tế. Trong đó, ấn phẩm Tin nhanh Thể thao hàng ngày từng là “hiện tượng” về báo chí khi một tờ báo chuyên về Thể thao xuất bản ấn phẩm như nhật báo và được độc giả cả nước đón nhận nồng nhiệt. Có những thời điểm, số lượng cán bộ, phóng viên, biên tập viên và người lao động của tòa soạn lên đến gần trăm người để đáp ứng việc sản xuất tới 3 ấn phẩm trong ngày. Là một trong số những đơn vị báo chí tiên phong trong việc tự chủ về kinh phí hoạt động, tờ báo không chỉ tạo ra diện mạo mới về ấn phẩm, nội dung mà còn gây dựng được nhiều cơ sở vật chất bằng công sức đóng góp, lao động của cán bộ, phóng viên, biên tập viên và người lao động các thế hệ.

Trước những khó khăn, thách thức của xu thế chuyển đổi số, tờ báo cũng đã từng bước chuyển đổi mô hình báo điện tử trong bối cảnh báo in hoạt động khó khăn do chi phí và nhu cầu của người đọc. Giữa những khó khăn ấy, Quy hoạch báo chí đã đặt dấu chấm hết cho một tờ báo có bề dày lịch sử 63 năm trưởng thành và phát triển. Từ ngày 1/1/2021, Báo Thể thao Việt Nam dừng xuất bản và sáp nhập vào Tạp chí Thể Thao giữa những bộn bề lo toan, sự hụt hẫng và cả nỗi buồn bởi sự ly tán của nhiều thế hệ đã và đang cống hiến, gắn bó với tờ báo. Dẫu vậy, cuộc sáp nhập diễn ra với những mong mỏi duy trì được tiếng nói, là cơ quan ngôn luận của nền thể thao nước nhà trong sứ mệnh “DÂN CƯỜNG THÌ QUỐC THỊNH”.

Ai đó nói rằng, khi cánh của này đóng lại thì sẽ mở ra một cánh cửa khác. Nhưng điều đó dường như không phải là quy luật bất biến. Trong những ngày tháng 6 này, Ngành Thể dục thể thao đang ở thời điểm phát triển mạnh mẽ, gây tiếng vang trên các đấu trường quốc tế và có tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội từ cơ cấu bộ máy cấp Tổng cục “hạ cấp” thành Cục và chiểu theo các định chế về bộ máy, thì một lần nữa Tạp chí Thể thao lại đối diện với dấu hỏi tồn tại hay không tồn tại trên phương diện một cơ quan ngôn luận của ngành khi lại sáp nhập vào một đơn vị mới.

Thứ Sáu, ngày 16/6/2023 kỷ niệm 66 năm thành lập tờ báo đầu tiên của Ngành Thể dục thể thao dẫu tính chính danh của tờ báo không còn nữa, biết bao nỗi buồn, sự tiếc nuối song cũng rất đỗi tự hào vì đội ngũ cán bộ, biên tập viên, phóng viên tạo ra phong cách, nội dung, bản lĩnh của một tờ báo trong Làng Báo chí Cách mạng với đội ngũ những người làm báo thể thao rất có trách nhiệm, có bản lĩnh cho BÚT SẮC, LÒNG TRONG được đông đảo bạn đọc cả nước yêu mến.

Trương Xuân Hùng