Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được tổ chức rộng khắp vùng xứ Đoài Ba Vì, trong đó tập trung tại cụm di tích đền Thượng - đền Trung - đền Hạ thuộc địa phân hai xã Minh Quang và xã Ba Vì. Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh năm nay được tổ chức với nhiều nội dung đặc sắc. Trong đó, lễ rước nước từ sông Đà về làm lễ mộc dục tại đền Hạ, từ 0 giờ ngày 13 tháng Giêng đến 4 ngày 14 tháng Giêng (tức ngày 3-4/2). Lễ rước kiệu dâng Thánh Mẫu và phụ thân Thánh Tản (từ đền Hạ sang đền Lăng Sương) và rước kiệu lễ, hạ lộc từ đền Lăng Sương về đền Hạ từ 5 giờ 30 phút đến 8 giờ 30 phút ngày 15 tháng Giêng (tức ngày 5/2). Sau khi làm lễ tại đền Lăng Sương, kiệu được rước trở về đền Hạ, xã Minh Quang và thực hiện các nghi thức dâng lễ vào đền Hạ. Phần lễ chính khai hội diễn ra với chương trình nghệ thuật trình diễn trống hội, Trường ca Sử Việt, dâng hương tại đền Hạ.
Phần hội diễn ra với rất nhiều các trò chơi và các hoạt động thể thao, văn hóa diễn ra mang đậm nét văn hóa dân tộc của đồng bào Mường, Dao như: bắn nỏ, cờ tướng, bóng chuyền nam, ném còn…
Theo truyền thuyết, vùng núi Ba Vì và tâm thức dân gian Xứ Đoài xưa, Đức Thánh Tản Viên Sơn sống vào thời Hùng Duệ vương thứ 18. Ngài là hiện diện của Tam vị sơn thần: Tuấn Công, Sùng Công và Hiển Công đã được lưu truyền hàng ngàn đời trường tồn cùng lịch sử văn hóa dân tộc. Núi Ba Vì, ngọn núi từ lâu được nhân dân coi là "Núi Tổ của nước Nam ta", là ngọn núi thiêng, ở đó có hồn cốt văn hóa là hình tượng Tam vị Đức Thánh Tản Viên Sơn và cụm di tích đền Thượng - đền Trung - đền Hạ phụng thờ Ngài.
Việc thờ cúng, tế lễ để tưởng nhớ Đức Thánh Tản Viên Sơn đã ăn sâu vào đời sống nhân dân. Hằng năm dân dân và chính quyền địa phương tổ chức Lễ hội Tản Viên Sơn vào dịp rằm tháng Giêng, bởi theo tương truyền trong dân gian, Đức Thánh Tản sinh đúng ngày Rằm tháng Giêng. Từ xa xưa, vào những ngày này, nhân dân các dân tộc khu vực núi Ba Vì thường tổ chức lễ hội, lễ dâng hương, dâng các nông sản do chính người dân làm ra lên Đức Thánh để tri ân công đức của Ngài và cầu cho mưa thuận, gió hòa, nhân cường, vật thịnh, dân sinh ấm no, hạnh phúc.
Tại lễ khai hội, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết: Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Trong những năm qua, huyện Ba Vì quan tâm khôi phục và bảo tồn các lễ hội truyền thống, nhất là đối với lễ hội Tản Viên Sơn Thánh tại cụm di tích đền Thượng - đền Trung - đền Hạ. Năm nay là năm thứ 14 huyện Ba Vì khôi phục và tổ chức lễ hội Tản Viên Sơn tại cụm di tích này với mong muốn rằng, những giá trị văn hóa của lễ hội Tản Viên Sơn Thánh, những phong tục tập quán của Ba Vì được bảo tồn và lan tỏa rộng rãi, đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được tổ chức hằng năm đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần đối với người dân địa phương. Qua đó góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của cha ông để lại, từng bước phục dựng có chọn lọc các nghi thức lễ hội truyền thống, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân địa phương và phát triển kinh tế - xã hội của huyện Ba Vì.