Lễ cầu mùa và Lễ cúng Bàn Vương trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

Bà Triệu Thị Tình - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang - cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa công bố 2 Di sản Văn hóa phi vật thể của tỉnh được ghi danh vào danh mục "Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia".

Đó là Lễ cầu mùa của dân tộc Cờ Lao đỏ ở xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì và Lễ cúng Bàn Vương của dân tộc Dao đỏ ở xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì.

Nằm ở phía Tây tỉnh Hà Giang, Hoàng Su Phì là địa bàn cư trú lâu đời của 13 dân tộc như Dao, Tày, Nùng, Mông, Cờ Lao, La Chí… Đây cũng là một trong những địa phương có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt thuộc diện đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ. Do yếu tố về địa lý và địa bàn, đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo.

Theo ông Thèn Ngọc Minh, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì, Lễ cầu mùa hay còn gọi là cúng ngô mới là nét sinh hoạt văn hóa thể hiện tín ngưỡng nông nghiệp đặc trưng của dân tộc Cờ Lao. Hàng năm, sau khi thu hoạch xong lúa, ngô, đồng bào Cờ Lao thường tổ chức lễ cầu mùa. Khi tổ chức, đồng bào Cờ Lao ở các thôn, bản xã Túng Sán cùng nhau chuẩn bị mâm cỗ cúng gồm xôi, gà, thịt lợn, bánh chưng, rượu, các loại bánh như bánh kẹo, hoa quả cùng tiền vàng và hương. Thầy cúng sẽ tiến hành các nghi lễ cơ bản để cảm tạ thần linh, trời đất và tổ tiên đã phù hộ cho bà con trong bản có một mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa.

Ngay sau phần lễ, phần hội diễn ra nhiều hoạt động văn nghệ của các chàng trai, cô gái dân tộc Cờ Lao với những bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước. Họ cùng nhau múa hát, tham gia các trò chơi dân gian truyền thống tạo không khí vui tươi sau những ngày lao động vất vả…

Cũng theo ông Thèn Ngọc Minh, Lễ cúng Bàn Vương (hay còn gọi là Quỹa Hiéng) là lễ hội quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Dao đỏ, biểu hiện lòng tôn kính tổ tiên và ước vọng về một cuộc sống thái bình, thịnh vượng, đồng thời cầu nguyện cho mưa thuận, gió hòa để mùa màng bội thu cho con cháu đời đời ấm no, hạnh phúc. Đặc biệt, người Dao đỏ coi việc thờ cúng Bàn Vương là việc làm có liên quan đến vận mệnh của mỗi người, mỗi dòng họ và của cả dân tộc. Đây là nghi lễ mang đậm tính nhân văn, hướng con người luôn nhớ đến nguồn cội và luôn có tổ tiên là Bàn Vương linh thiêng phù hộ trong cuộc sống.

Là tỉnh nằm ở địa đầu cực Bắc Tổ quốc, Hà Giang được thiên nhiên ưu đãi với nền văn hóa lâu đời thuộc niên đại đồ đồng Đông Sơn, có di tích người tiền sử ở các huyện Bắc Mê, Mèo Vạc. Với 19 dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, nhiều phong tục tập quán, văn hóa truyền thống và những lễ hội sinh động đã giúp Hà Giang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Hiện Hà Giang có 27 di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trong đó có 6 di sản của các dân tộc có số dân dưới 10.000 người như, Bố Y, Lô Lô, Pu Péo và Cờ Lao.

Những năm qua, UBND tỉnh Hà Giang đã thực hiện tốt việc lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền tôn vinh nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa để góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nhất là phát triển du lịch, tạo sinh kế cho người dân; giáo dục, kế thừa, giữ gìn truyền thống quý báu về giá trị văn hóa lịch sử cho các thế hệ nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Qua đó, góp phần bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số trong nền văn hóa các dân tộc Việt Nam phong phú, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII).

TTXVN