
Tham luận tại Hội nghị Tổng kết công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Hà Nội ngày 3/1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý cho biết: Là một tỉnh miền núi biên giới, đa sắc màu văn hóa dân tộc, vấn đề bảo tồn văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh văn minh, khơi dậy giá trị văn hóa để phát triển kinh tế - xã hội xây dựng mối đại đoàn kết dân tộc là nhiệm vụ quan trọng được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Hà Giang đã và đang hướng tới.
Thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về văn hóa, Hà Giang đã ban hành hơn 500 văn bản để cụ thể hoá các nhiệm vụ và tổ chức thực hiện.
Đến nay, tỉnh Hà Giang đã tổ chức kiểm kê nhận diện được 131 di sản văn hóa vật thể, 446 di sản văn hóa phi vật thể. Toàn tỉnh Hà Giang có 61 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng các cấp, trong đó có 31 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 30 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn được gia nhập mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu từ năm 2010 và đến nay đã 3 kỳ liên tiếp được Hội đồng công viên địa chất toàn cầu UNESCO đánh giá giữ vững danh hiệu Công viên Địa chất Toàn cầu. Có 31/61 di tích xếp hạng đã được trùng tu, tu bổ và tôn tạo (gồm 18 di tích cấp quốc gia, 13 di tích cấp tỉnh) với tổng kinh phí đầu từ được cấp là 203.503 triệu đồng, trong đó nguồn ngân sách từ Chương trình mục tiêu quốc gia là 31.091 triệu đồng, ngân sách tỉnh là 158.003 triệu đồng, ngân sách xã hội hóa là 14.409 triệu đồng.
Các di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo đã cơ bản khắc phục được tình trạng xuống cấp, đảm bảo an toàn lâu dài cho công trình, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân. Nhiều di tích sau khi được tu bổ đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan trong và ngoài tỉnh.
Toàn tỉnh đã có 30 di sản được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Di sản văn hóa thực hành Then Tày, Nùng, Thái của 11 tỉnh, thành, trong đó có Hà Giang được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Có 44 di sản văn hóa phi vật thể được đầu tư phục dựng.
Các di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn và phục dựng đã và đang được phát huy. Giá trị văn hóa đã trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách đến với Hà Giang. Một số lễ hội như Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, Lễ hội Khèn và lễ hội thêu dệt thổ cẩm của dân tộc Mông; cầu mùa của người Lô Lô; cấp sắc, Bàn Vương của dân tộc Dao; lồng tông của dân tộc Tày... Các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc, trang phục truyền thống, ẩm thực dân tộc được bảo tồn đã góp phần quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh đất và người Hà Giang trong sắc màu dân tộc độc đáo và hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Các di sản văn hóa phi vật thể được sưu tầm nghiên cứu, phục dựng, trao truyền, tổ chức trình diễn trong thời gian qua đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Thực hiện các kế hoạch, Đề án của tỉnh 16 Làng văn hóa du lịch cộng đồng đã và đang được đầu tư theo hướng vừa bảo tồn văn hóa, vừa nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch với các hạng mục như: đầu tư mái nhà truyền thống, cải tạo cảnh quan, công trình vệ sinh, truyền dạy nghề và các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc; tổ chức không gian trưng bày giới thiệu sản phẩm địa phương, đào tạo nguồn nhân lực du lịch... Tổ chức xây dựng các Làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với tiêu chuẩn OCOP; làng văn hóa du lịch cộng đồng theo tiêu chuẩn ASEAN đối với làng Nặm Đăm; đầu tư các khu du lịch nghỉ dưỡng theo kiến trúc làng văn hóa truyền thống như Làng văn hóa Pả Vi, khu nghỉ dưỡng H Mông vilage, Nậm Hồng...
Hà Giang hiện có 81 lễ hội, trong cấp tỉnh, khu vực 08; cấp huyện, liên huyện là 15 và cấp xã là 58. Về loại hình có 54 lễ hội dân gian, 11 lễ hội lịch sử, 14 lễ hội văn hóa, thể thao, du lịch và 2 lễ hội nghề truyền thống. Các lễ hội truyền thống được bảo tồn và được xác định về quy mô, thời gian tổ chức đảm bảo các mục tiêu bảo tồn văn hóa, quảng bá du lịch và tạo không gian trải nghiệm cho du khách khi đến với Hà Giang.
Di sản văn hóa là tài nguyên du lịch có giá trị đặc biệt
Với chủ trương “Lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn phát triển văn hóa”, xem di sản văn hóa là tài nguyên du lịch có giá trị đặc biệt để khai thác tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, từng bước phát huy giá trị và góp phần tích cực trong việc thu hút khách du lịch.
Năm 2022, ngay du khi Chính phủ cho chủ trương mở cửa du lịch, Hà Giang đã tổ chức thành công các giải pháp thích ứng linh hoạt trong hoạt động du lịch và tổ chức đón 2,268 triệu lượt khách đạt 147% kế hoạch năm; doanh thu du lịch đạt 4.536 tỷ đồng. Năm 2023, Hà Giang đón 3.018.000 lượt du khách. Trong đó 304.558 lượt khách quốc tế (bao gồm khách mang hộ chiếu và giấy thông hành) khách nội địa là 2.713.442 lượt người, (tăng 33% so với năm 2022, vượt 20,7% kế hoạch năm), tổng thu từ du lịch ước đạt 7.092 tỷ đồng. Lượng khách du lịch tăng đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP của tỉnh. Hà Giang vinh dự được vinh danh điểm đến mới nổi hàng đầu châu Á của Tổ chức du lịch thế giới, là địa chỉ tìm kiến cao thứ 4 trong năm do Googe bình chọn.
Để thực hiện việc bảo tồn giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trong thời gian tới, Hà Giang xác định tiếp tục tăng cường tuyên truyền đến các cấp, các ngành và cán bộ nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản văn hóa; gắn cộng đồng địa phương - chủ nhân thực sự của các di sản có được quyền làm chủ các di sản của mình, từng bước thu hút cộng đồng tham gia quản lý; vừa khai thác các lợi ích kinh tế do du lịch mang lại đồng thời vừa bảo tồn văn hóa địa phương.
Chú trọng đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh tiêu biểu; đầu tư nghiên cứu phục dựng các lễ hội, các hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, định hướng chọn lọc một số lễ hội tiêu biểu của địa phương, xây dựng thành lễ hội tiêu biểu của vùng để thu hút khách du lịch.
Tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình Hội nghệ nhân dân gian, nhóm sở thích, câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa; phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phát triển du lịch cộng đồng để góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, làm cho đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, lành mạnh, vừa bảo tồn di sản văn hóa truyền thống vừa góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân đồng thời xây dựng đa dạng các sản phẩm du lịch, tạo cho du khách các chương trình du lịch đa trải nghiệm.
Nâng cao chất lượng hoạt động đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong các cấp học để giáo dục thế hệ trẻ hiểu và tôn trọng giá trị di sản văn hóa, nâng cao ý thức, vai trò trách nhiệm trong việc phát huy di sản văn hóa, trở thành những người quản lý và bảo vệ di sản văn hóa, đảm bảo cho các di sản văn hóa tồn tại bền vững.