Giải pháp phát huy giá trị loại hình nghệ thuật truyền thống
Đối với chất vấn của đại biểu về phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ câu chuyện này không đơn giản. Vì vậy, Bộ trưởng cho rằng thời gian tới cần tập trung đào tạo năng khiếu, tiếp tục phát triển loại hình này theo hướng nghệ thuật đỉnh cao, ban hành chính sách riêng, trong đó không nên thực hiện tự chủ để loại hình này được phát triển; cấp Trung ương sẽ thực hiện công tác đào tạo công tác bồi dưỡng có tính chất đỉnh cao. Còn về phía địa phương, khuyến khích phát triển các loại hình theo hướng tập trung có chính sách cho nghệ nhân - bởi họ chính là những người giữ hồn, giữ lửa cho loại hình này.
Cùng với đó, tập trung kết nối với du lịch, coi sản phẩm du lịch phải dựa trên tài nguyên văn hóa, để tạo ra hiệu ứng lan tỏa và thông qua đó giải quyết bài toán kinh tế trong văn hóa, để có điều kiện phát triển loại hình này.
Giải pháp nâng cao chất lượng các thiết chế văn hóa cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang về giải pháp đột phá gì nhằm thu hút nguồn lực đầu tư, bên cạnh nâng cao số lượng cần nâng cao hơn nữa chất lượng của các thiết chế văn hóa cơ sở nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, các thiết chế được đầu tư, xây dựng ở đồng bào dân tộc không xây thì đang thiếu, nhưng xây thì sử dụng thế nào cho hiệu quả. Bộ trưởng cũng nhận thấy được những bất cập này và đề xuất thời gian tới cần có giải pháp mang tính chất căn cơ. Đó là cần nhận thức những bất cập thuộc về thể chế.
Bộ trưởng nêu ví dụ như thiết chế văn hóa thuộc về tài sản công, Luật Quản lý tài sản công được thể hiện như thế nào, được khai thác ra sao thì cần được bàn rõ, liên kết cái gì để triển khai hoạt động? Vì vậy, cần phải tính toán, Bộ trưởng nêu dẫn chứng. Qua đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội rà soát lại để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để có điều kiện tổ chức thực hiện, nhất là phát huy đầu tư công của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Bởi vì thiết chế văn hóa là điều kiện cần và đủ để hình thành môi trường văn hóa. Nếu không có thiết chế văn hóa thì sẽ rất khó khăn.
Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng mong muốn thời gian tới các cấp ủy, chính quyền địa phương vận dụng linh hoạt, sáng tạo, tập trung các nguồn lực, ngoài nguồn lực Nhà nước thì huy động thêm các nguồn lực khác để xây dựng, trong đó có nguồn lực Nhân dân đồng thuận, điều này trở thành tài sản của Nhân dân. Có như vậy mới phát huy được tác dụng.
Cần có chính sách để phát huy được văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, hiện tượng thương mại hóa, lạm dụng trẻ em tại các phiên chợ vùng cao đã làm mai một và biến tướng nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, văn hóa của mỗi đồng bào có phong tục, tập quán và nét đẹp riêng. Vấn đề mà đại biểu nêu có thể là lợi dụng việc này, cố ý làm sai. Những ai lợi dụng nó để làm biến tướng thì cần phải xử lý. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất giải pháp là cần tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là người dân vùng đồng bào dân tộc đó là chủ thể văn hóa biết tôn trọng, phát huy và bảo tồn văn hóa của chính dân tộc mình từ phong tục, tập quán đến cách ứng xử. Đồng thời cần có chế tài để xử lý nghiêm minh việc lợi dụng vấn đề này để đưa vào khuôn khổ. Như vậy mới hạn chế, khắc phục được tình trạng lợi dụng trẻ em như đại biểu đề cập.
Khai thác di sản văn hóa hợp lý, xây dựng các sản phẩm gắn liền với di tích, không làm xấu đi hình ảnh di tich, di sản
Trả lời câu hỏi về giải pháp xử lý quan hệ giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội của đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn), Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời gian qua Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm đến công tác bảo tồn di tích, di sản, đề cao trách nhiệm bảo vệ các di tích, di sản… Chính vì vậy, dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã tiếp tục được hoàn thiện và sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp lần này…
Đối với các di tích, di sản được công nhận, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, bao giờ chính quyền địa phương - nơi được giao trách nhiệm quản lý đều có chương trình hành động đi kèm để bảo vệ các di tích, di sản. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, giải pháp căn cơ cho vấn đề này là chúng ta phải tôn trọng các cam kết, các phương án bảo vệ di tích, di sản sau khi được công nhận, phát hành cam kết; tổ chức thực hiện nghiêm để điều này đi vào trong tiềm thức và sẽ không lợi dụng các di tích, di sản, làm xấu đi hình ảnh của các di tích, di sản... Bên cạnh đó, khi các di sản được công nhận, tôn vinh rồi, chúng ta cũng cần biết khai thác nó một cách hợp lý, xây dựng được các sản phẩm gắn liền với di tích, di sản có tính văn hóa…
Đối với vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong Chương trình mục tiêu quốc gia có một dự án nhấn - dự án số 06 về vấn đề này. Bộ đã tập trung khảo sát, nhận diện, đánh giá và công nhận các di tích, di sản, loại hình văn hóa cơ sở. Đây là điều quan trọng để bảo tồn các giá trị văn hóa. Đồng thời Bộ cũng có các hoạt động tôn vinh các ngày văn hóa; liên hoan văn hóa đồng bào dân tộc để giao lưu, trao đổi văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất cho các nhà văn hóa; tập huấn cho cán bộ văn hóa cơ sở.
Về nghệ thuật truyền thống, Bộ sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu để nghiên cứu, phát triển một số loại hình nghệ thuật truyền thống với những cách tiếp cận mới. Đồng thời tiếp tục làm tốt chính sách cho nghệ nhân - những người giữ lửa cho nghệ thuật truyền thống. Chính sách này đang làm tốt ở các địa phương.
Về câu hỏi làm thế nào để giảm tác động đến các giá trị văn hóa truyền thống, Bộ trưởng nhấn mạnh, nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đa dạng văn hóa. Trong thời gian qua, chúng ta đã có chủ trương đúng đắn trong bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa của nhân loại trong bối cảnh hội nhập. Các địa phương đều có ý thức giữ gìn văn hóa của địa phương, của dân tộc.