Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa:

Không nên đầu tư dàn trải, tập trung trọng tâm 3 nội dung: di tích, di sản; thiết chế văn hóa và công nghiệp văn hóa

Trong Chương trình Kỳ họp thứ 7, phát biểu thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý cần rà soát thêm Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa có chồng chéo với các Chương trình khác hay không? xem xét đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, rà soát mục tiêu, đối tượng chương trình cho phù hợp...

pho-chu-tich-quoc-hoi-tran-quang-phuong-1718078347.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý cần rà soát thêm Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa có chồng chéo với các Chương trình khác hay không? xem xét đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, rà soát mục tiêu, đối tượng chương trình cho phù hợp... Ảnh: quochoi.vn

Đảm bảo không thay đổi các nhiệm vụ văn hóa thường xuyên

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý cần kiểm tra, rà soát thêm Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa có chồng chéo với các Chương trình khác hay không? Đặc biệt, phải đảm bảo không thay đổi các nhiệm vụ văn hóa thường xuyên. Cần xem xét đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, rà soát mục tiêu, đối tượng chương trình cho phù hợp, đồng thời lưu ý không lặp lại các khuyết điểm mà 3 Chương trình mục tiêu quốc gia vừa qua đã rút kinh nghiệm, đặc biệt là thủ tục hành chính, tránh tình trạng mỗi bộ ngành có cách làm khác nhau thì phải sửa đổi liên tục, hoặc viện dẫn không đúng.

Cho rằng Chương trình không nên đầu tư dàn trải mà tập trung trọng tâm vào 3 nội dung: di tích, di sản; thiết chế văn hóa và công nghiệp văn hóa, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị nên chọn các dự án trọng điểm đầu tư vào 3 nội dung này nhằm tạo bước đột phá về phát triển văn hóa. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tập trung vào các trọng tâm, trọng điểm đối với 3 nội dung này.

Quan tâm đến đối tượng thụ hưởng của Chương trình, đại biểu Trần Nhật Minh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An) đề nghị cần rà soát các đối tượng thụ hưởng của Chương trình theo hướng khái quát hơn, đặc biệt làm rõ cơ sở pháp lý của đối tượng thụ hưởng. Theo đại biểu, hiện đối tượng thụ hưởng còn quy định chung chung, không rõ như người dân, cộng đồng dân cư tại các vùng miền Tổ quốc, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài…; một số đối tượng chưa rõ về căn cứ pháp lý như: không gian văn hóa sáng tạo, không gian văn hóa công cộng, không gian văn hóa cộng đồng…, đại biểu băn khoăn không rõ tiêu chí để xây dựng các loại không gian này là gì? Do đó, đề nghị cần quy định rõ các đối tượng thụ hưởng để cơ sở có căn cứ thực hiện, áp dụng.

Về mục tiêu của Chương trình, đại biểu Trần Nhật Minh đề nghị cần làm rõ hơn các căn cứ để xác định các chỉ tiêu, cần có sự đánh giá thực trạng đã thực hiện như thế nào, đạt tỉ lệ phần trăm như thế nào để đạt chỉ tiêu. Hiện chưa có cơ sở và đánh giá thực trạng này, vì vậy, đại biểu đề nghị cần có cơ sở để đưa ra các chỉ tiêu đó.

Bên cạnh đó, có một số chỉ tiêu còn chung chung, đại biểu đề nghị cần có các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể để quá trình thực hiện ở cơ sở dễ dàng hơn. Đồng thời đề nghị làm rõ một số tiêu chí để đánh giá như: làm rõ thế nào là công trình văn hóa tiêu biểu, đậm nét giá trị văn hóa của thành phố cấp châu lục và quốc tế, thế nào là trường Đại học, viện nghiên cứu ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, thế nào là sự kiện văn hóa tầm quốc tế… Đại biểu cho rằng, nếu quy định chung chung như vậy thì sẽ rất khó trong quá trình thực hiện.

Khẳng định sự cần thiết ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, đại biểu Thái Thị An Chung  (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An) nhận thấy, nội dung thành phần của Chương trình còn dàn trải, nhiều nội dung còn chung chung, khó đánh giá, có sự trùng lặp giữa Chương trình này với các dự án, chương trình khác. Do đó, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị nên tập trung, tích hợp 3 nội dung chính của Chương trình gồm: bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa; xây dựng các thiết chế văn hóa; phát triển công nghiệp văn hóa. Đối với nội dung xây dựng các thiết chế văn hóa, đại biểu đề nghị nên bố trí, dành các nguồn lực lớn để xây dựng các thiết chế giáo dục, xây dựng đủ trường học, lớp học để các em có điều kiện học tập nhằm phát triển văn hóa, nâng cao nhận thức, phát huy tốt hơn các giá trị về văn hóa.

Thống nhất với báo cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định theo quy trình tại 2 kỳ họp, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, vì có một số nội dung còn dàn trải, chưa thiết thực.

Quan tâm đến vấn đề phát huy, bảo tồn giá trị văn hóa, đại biểu Hà Sỹ Huân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn) đề nghị cần cụ thể thêm nội dung này, đặc biệt là việc xây dựng và khôi phục lại các di tích lịch sử, trong đó có vùng ATK với nhiều di tích lịch sử quốc gia. Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy, việc thu hút xã hội hóa để khôi phục lại các di tích này còn gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, đại biểu Hà Sỹ Huân đề nghị cần đưa nội dung xây dựng và khôi phục các di tích lịch sử vào Chương trình.

Về nguồn lực Chương trình, đại biểu cho rằng, việc quản lý, khôi phục, tôn tạo di tích chưa thực sự có vai trò quản lý từ Bộ, ngành Trung ương đến địa phương, hoặc nếu địa phương có nguồn lực hoặc thu hút được xã hội hóa thì di tích đó được quan tâm… Do đó, đại biểu Hà Sỹ Huân đề nghị thời gian tới cần làm rõ vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa có sự điều tiết, phân bổ về nguồn lực. Đồng thời đề nghị nguồn lực chương trình đối với các địa phương không tự cân đối được ngân sách thì cần được hỗ trợ 95%, địa phương hỗ trợ 5% thì sẽ phù hợp hơn trong Chương trình này.

phien-thao-luan-to-3-1718078595.jpg
Các đại biểu tổ 3 tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Đồng tình với các ý kiến đã nêu tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Hoàng Duy Chinh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn) cho rằng, Chương trình cần thiết kế gọn lại, không dàn trải, tập trung vào một số nội dung chương trình có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các di tích lịch sử chưa được đầu tư, tôn tạo như các di tích ATK. Đồng thời cần tập trung ưu tiên đầu tư các thiết chế văn hóa, trong đó có các di tịch lịch sử nhằm giáo dục cách mạng truyền thống với thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, đại biểu Hoàng Duy Chinh đề nghị cần phân cấp mạnh, xây dựng các tiêu chí, nguyên tắc, các danh mục dự án cần ưu tiên tập trung đầu tư, đảm bảo tính chủ động, lồng ghép các chương trình khác vào, tích hợp các Chương trình sao cho thống nhất.

Đa số ý kiến tại Tổ 3 tán thành với sự cần thiết đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 nhằm khẳng định các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hoá đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước; góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về phát triển văn hóa đề ra trong các nghị quyết của Đảng.

Các ý kiến nêu rõ, việc đầu tư Chương trình ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn, đồng thời góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hoá thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

T.H