Khai mạc Triển lãm thư pháp quốc ngữ “Nghiên bút còn thơm”

Ngày 31/8, tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã khai mạc triển lãm thư pháp quốc ngữ "Nghiên bút còn thơm". Đây là hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024) và hướng tới Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/1). Hàng trăm tác phẩm thư pháp quốc ngữ độc đáo đã được trưng bày trong không gian nghệ thuật ánh sáng ấn tượng.

ts-le-xuan-kieu-giam-doc-trung-tam-hoat-dong-vhkh-van-mieu-quoc-tu-giam-phat-bieu-tai-le-khai-mac-1725163626.jpg
TS. Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phát biểu tại Lễ khai mạc

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, triển lãm mong muốn tạo ra một sự thay đổi mới mẻ, sáng tạo cho hoạt động thư pháp chữ quốc ngữ cũng như tạo ra một sân chơi, một sự kết nối ngày càng bền vững, chắc chắn hơn giữa người hoạt động thư pháp trong cả nước. Thông qua đó triển lãm có thể góp phần cho đời sống và sinh hoạt văn hóa ngày càng phong phú.

Nội dung các tác phẩm thư pháp đều lấy cảm hứng từ những nội dung thơ văn Quốc âm (chữ Nôm)/Quốc ngữ của các danh nhân trong lịch sử và văn học nước nhà như: Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh và nhiều danh nhân gắn bó hoặc có những sáng tác về Thăng Long - Hà Nội, về Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

trung-bay-1725163661.jpg
Không gian độc đáo trưng bày tại triển lãm

Các tác giả viết và sáng tác còn sử dụng những nội dung văn chương thời nay viết về Thăng Long, về Hà Nội. Toàn bộ các tác phẩm chính và các tác phẩm nhỏ sắp đặt theo từng module trưng bày đều được soi sáng từ bên trong, mang lại hiệu ứng xem - cảm mới cho công chúng thưởng thức nghệ thuật.

Đây là triển lãm thư pháp quốc ngữ đầu tiên đầu tiên được Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức một cách bài bản, chuyên nghiệp, chính thức, chính danh đúng như một triển lãm nghệ thuật, mỹ thuật đúng nghĩa và mang tầm đương đại dành cho thư pháp Quốc ngữ - điều mà lâu nay ít hoặc chưa triển lãm Thư pháp Quốc ngữ nào làm được. Triển lãm được thực hiện trong vòng 4 tháng. Tham gia triển lãm gồm 15 tác giả từ cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Tất cả đều có tình yêu chung với thư pháp chữ Việt và mong muốn được đem tình yêu nghệ thuật ấy chia sẻ, lan tỏa tới nhiều người yêu con chữ Việt.

trinh-dien-thu-phap-tai-khai-mac-1725163695.jpg
Trình diễn thư pháp của 5 tác giả tham gia triển lãm

Tại Lễ khai mạc diễn ra màn trình diễn thư pháp thú vị từ 5 tác giả tham gia triển lãm. Màn trình diễn là sự phối kết hợp giữa nghệ thuật hành vi trình diễn kết hợp với âm nhạc được sáng tác riêng cho buổi khai mạc.

Triển lãm kéo dài đến hết ngày 25/9. Trong thời gian diễn ra triển lãm, ngày 14/9, Ban Tổ chức phối hợp cùng giám tuyển và các tác giả tổ chức tọa đàm với chủ đề “Thư pháp Quốc ngữ trong bối cảnh hiện nay - Thực trạng và hướng đi”.

Triển lãm thư pháp quốc ngữ “Nghiên bút còn thơm” được tổ chức với mong muốn tạo ra một nền tảng giao lưu và hợp tác giữa các tác giả thư pháp Quốc ngữ hiện đại từ khắp mọi miền đất nước, đặc biệt hướng tới những cây bút trẻ.

Triển lãm định hướng sáng tác mới, tư duy nghệ thuật theo hướng mới, tân cổ điển - bán hiện đại, kết hợp giữa kiểu truyền thống và phong cách sáng tác hiện đại, cùng với cách thức tổ chức, trưng bày hiện đại, được định hình để làm tiền đề và chuẩn mực hơn từ nay về sau cho các triển lãm kế tiếp về thư pháp Quốc ngữ.

T.H