Lễ khai mạc Đại hội Thể thao người khuyết tật châu Á lần thứ tư đã khai mạc tối 22/10 tại Hàng Châu (Trung Quốc). Hoa quế vàng, tượng trưng cho sự ban phước cho các vận động viên, xuất hiện trở lại tại buổi Lễ giống như tại Lễ khai mạc Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) lần thứ 19.
Bên cạnh đó, một đội hình trình diễn các ngôn ngữ ký hiệu, bao gồm những người biểu diễn là người khuyết tật và người không khuyết tật, đã diễn giải Quốc ca và các bài hát khác bằng ngôn ngữ ký hiệu, nhằm truyền tải tốt nhất những gì có thể về nội dung Lễ khai mạc cho tất cả mọi người, bao gồm cả các khán giả khiếm thính.
Lễ khai mạc ASIAN Para Games 4 tiếp tục thể hiện niềm tin văn hóa của Trung Quốc với công nghệ kỹ thuật số, thể hiện tinh thần của "Sự lạc quan, hòa hợp, kiên trì và chia sẻ". Tổng đạo diễn Sha cho biết: “Hình ảnh, âm nhạc và tình yêu là 3 từ khóa của Lễ khai mạc. Hình ảnh Hoa quế vàng chạy xuyên suốt buổi Lễ để chào đón các vận động viên từ khắp châu Á và gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến họ”.
Không sử dụng bài hát mới, ông Sha tiếp tục cho sử dụng bài hát "Châu Á của chúng ta" - đã được sử dụng trong Lễ khai mạc Đại hội Thể thao châu Á - để đồng hành cùng các vận động viên bước vào sân vận động. Sha nói: “Sử dụng cùng một bài hát là để thể hiện quan niệm về sự hòa nhập giữa người khuyết tật và người khỏe mạnh”. Bài hát này đã được sáng tác cách đây 33 năm cho Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 11 tại Bắc Kinh.
Linh vật của Đại hội Thể thao người khuyết tật châu Á - Feifei - và người cầm đuốc cuối cùng thắp sáng đài lửa với sự trợ giúp của bàn tay sinh học thông minh. Công nghệ được sử dụng để bù đắp những khiếm khuyết về thể chất và củng cố niềm tin của con người vào việc theo đuổi ước mơ của mình. Từ cuộc diễu hành của các vận động viên, biểu diễn nghệ thuật đến thắp đuốc chính, người khuyết tật được mời tham gia buổi Lễ để thể hiện tinh thần bất khuất và tâm lý tích cực đối với cuộc sống.
Để đảm bảo an ninh cho Lễ khai mạc, Ban Tổ chức quy định rất chặt chẽ số lượng người và các đồ vật có thể mang theo trong Lễ khai mạc. Máy ảnh, máy quay đều không được phép cầm xuống sân. Thậm chí, trang phục diễu hành cùa các đoàn cũng phải kiểm tra trước tránh những xung đột về logo tài trợ. Các xe lăn trong đoàn diễu hành cũng được Ban Tổ chức kiểm tra chi tiết và gắn thêm bộ phận cắm cờ diễu hành.
Đại hội Thể thao người khuyết tật châu Á lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2010 tại Quảng Châu (Trung Quốc) và kể từ đó, Đại hội Thể thao này đã được tổ chức ở nhiều thành phố khác bao gồm Incheon (Hàn Quốc) vào năm 2014 và Jakarata-Palembang (Indonesia) vào năm 2018.
Phiên bản thứ tư của Đại hội Thể thao người khuyết tật châu Á sẽ chứng kiến 566 nội dung tranh huy chương thuộc 22 môn thể thao, được tổ chức tại 19 điểm thi đấu tại Hàng Châu. Lần đầu tiên 3 môn: Taekwondo, Canoeing và Cờ vây xuất hiện ở kỳ Đại hội Thể thao châu lục dành cho người khuyết tật. Tại Lễ khai mạc, đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam do 2 vận động viên Võ Thanh Tùng và Trịnh Thị Bích Như cầm cờ.