Trong không khí thành kính, trang nghiêm, Lễ hội Lam Kinh được bắt đầu với nghi thức rước kiệu truyền thống. Tiếp đó là lễ dâng hương kính cáo Đức Thái Tổ Cao Hoàng đế, đọc chúc văn tưởng nhớ công lao của Vua Lê Thái Tổ và các tướng sĩ nghĩa quân Lam Sơn.
Sau phần lễ là phần hội với chương trình nghệ thuật mang chủ đề “Hào khí Lam Sơn - tỏa sáng trường tồn”. Tại sự kiện, các nghệ nhân, diễn viên, nghệ sĩ trình diễn trò Xuân Phả, múa đèn Đông Anh, diễn tấu cồng chiêng huyện Ngọc Lặc, múa bát dân tộc Dao nhằm thể hiện sự phong phú, đa sắc màu trong kho tàng di sản văn hóa xứ Thanh, tạo nên một chương trình nghệ thuật mang âm hưởng hào hùng, hoành tránh, đa màu sắc.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng nhấn mạnh: “Phát huy hào khí Lam Sơn cũng như niềm tự hào là quê hương của Anh hùng dân tộc Lê Lợi, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Thanh Hóa sẽ chung tay bảo vệ, phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, từ đó giới thiệu, quảng bá những giá trị lịch sử, văn hóa tốt đẹp của đất và người Xứ Thanh đến với đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế”.
Cách đây 604 năm, vào mùa Xuân Mậu Tuất năm 1418, tại núi rừng Lam Sơn, nay thuộc huyện Thọ Xuân, Lê Lợi cùng nhiều hào kiệt đã dựng cờ khởi nghĩa, truyền hịch chiêu mộ anh hùng bốn phương, kêu gọi nhân dân đánh đuổi giặc Minh xâm lược. Sau gần 10 năm chiến đấu gian khổ, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn kết thúc thắng lợi vào tháng 12 năm 1427, chấm dứt 20 năm cai trị tàn độc của nhà Minh, giành lại độc lập cho nước Đại Việt. Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, mở ra triều đại nhà Hậu Lê huy hoàng trong lịch sử dân tộc.
\Được khởi dựng từ những thập kỷ đầu thế kỷ 15, song hành cùng Đông Kinh-Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước dưới thời hậu Lê-Di tích Lam Kinh gồm nhiều hạng mục công trình kiến trúc phục vụ chức năng tín ngưỡng, tri ân tổ tiên nhà hậu Lê, là nơi an nghỉ của các Vua và Hoàng hậu, với hệ thống cảnh quan tạo ra sự hài hòa trong một không gian kiến trúc gắn bó mật thiết với thiên nhiên.
Di tích Lam Kinh là nơi lưu giữ những dấu ấn lịch sử quan trọng về một giai đoạn hào hùng trong lịch sử dân tộc. Giá trị lịch sử của Lam Kinh được thể hiện như là một “Bảo tàng lịch sử” về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Với những giá trị nổi bật, di tích Lam Kinh được công nhận là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 27/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong những năm qua, di tích Lam Kinh được dành nguồn lực đầu tư lớn để phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị. Nhiều hạng mục công trình tại di tích Lam Kinh được phục dựng như: Các tòa thái miếu, Nghinh môn, Chính điện, hệ thống các lăng mộ, nhà bia, đường thăm quan, đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai, đền thờ vua Lê Thái Tổ…; đồng thời, xây dựng thêm các công trình tôn vinh, gắn việc bảo lưu giá trị nguyên gốc đi đôi với phát huy, khai thác hiệu quả thế mạnh du lịch tâm linh của quần thể di tích này. Cùng với nguồn lực đầu tư của Trung ương và của tỉnh, tỉnh Thanh Hóa ban hành chính sách khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư, tổ chức các loại hình dịch vụ nhằm có thêm nhiều sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của nhân dân, du khách.
Đã 6 thế kỷ trôi qua, với nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử đất nước, Lam Kinh, biểu tượng của lòng tự hào dân tộc về một giai đoạn lịch sử oai hùng chống quân xâm lược và công cuộc xây dựng quốc gia Đại Việt vẫn còn giữ nguyên giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật được bảo tồn, tôn vinh và gìn giữ.
Lễ hội Lam Kinh được duy trì như một truyền thống tốt đẹp, thể hiện sự tri ân của thế hệ hôm nay đối với những bậc tiền nhân đã có công chống giặc ngoại xâm, xây dựng quê hương đất nước.