Tháp Eiffel, Nhà thờ Đức Bà, cung điện Louvre và Musee d'Orsay được xây dựng dọc theo bờ sông. Những di tích mang tính biểu tượng này thu hút hàng triệu khách du lịch đến sông Seine với các con tàu chở đầy khách tham quan xuôi theo dòng sông chảy qua trung tâm Paris. Nhiều người hàng ngày vẫn băng qua song trên một trong 37 cây cầu nối Bờ Trái và Bờ Phải.
Các nhà tổ chức Olympic Paris 2024 đã lên kế hoạch để dòng sông đóng vai trò trung tâm trong Thế vận hội. Không chỉ sông Seine sẽ tổ chức Lễ khai mạc, với các vận động viên xuôi dòng trên những chiếc sà lan dành riêng cho quốc gia của họ, mà một số sự kiện cũng sẽ được tổ chức trên chính dòng sông này. Các vận động viên ba môn phối hợp và bơi ngoài trời sẽ khởi hành từ cầu Alexandre III trong cả Thế vận hội và Thế vận hội dành cho người khuyết tật.
Vấn đề là nước sông Seine không hẳn là sạch nhất. Việc bơi lội tại đây bị cấm từ năm 1923. Kế hoạch làm sạch dòng sông đã được cấp thiết đặt ra và dự kiến sẽ tiêu tốn tới 1,5 tỷ USD (hơn 35 nghìn tỉ đồng). Nó đã được tiến hành kể từ khi thành phố giành được quyền đăng cai Olympic và vẫn đang tiếp tục.
Vấn đề ô nhiễm với nguồn nước mở không phải là một hiện tượng mới tại Thế vận hội mùa hè. Tại Thế vận hội 2016 ở Rio, virus trong nước là mối quan tâm chính ở Vịnh Guanabra. Tại Thế vận hội Tokyo 2020, các vấn đề về chất lượng nước (do ô nhiễm) ở Vịnh Tokyo là cốt truyện chính bên lề Thế vận hội.
Mặc dù nỗ lực làm sạch sông Seine đã bước đầu mang lại kết quả, nhưng sẽ còn phải mất nhiều tháng nữa mới có thể tạm coi là hoàn thành. Sông Seine từng được sử dụng làm bãi rác trong nhiều thế kỷ.
Trong các cuộc chiến tranh tôn giáo ở thế kỷ 16, thi thể của những người theo đạo Tin lành cũng như Công giáo đã bị ném xuống. Năm 2007, 55 thi thể đã được tìm thấy. Rất nhiều mảnh rác thải từ các chuyến vui chơi còn lưu lại trong lòng sông. Chính quyền địa phương tiết lộ, có tới 360 tấn các “mặt hàng lớn” như xe đạp và đồ điện tử được đưa ra khỏi sông Seine mỗi năm.
Nhưng vấn đề lớn nhất là nước thải. Giống như nhiều con sông cắt qua các thành phố hàng thế kỷ, nhiều tấn nước thải và nước thải công nghiệp đã đổ vào sông Seine. Hệ thống thoát nước của Paris thu gom cả nước mưa và nước thải. Theo Samuel Colin-Canivez, kỹ sư trưởng của thành phố về các dự án xử lý nước thải, khi các cơn bão tràn qua hệ thống - xảy ra khoảng 12 lần/năm - mọi thứ đều được xả vào sông Seine.
Làm sạch sông Seine không phải là một ý tưởng mới. Năm 1990, thị trưởng Paris lúc bấy giờ (và sau này là tổng thống Pháp) Jacques Chirac đã hứa sẽ làm sạch sông Seine, và rằng trong ba năm ông “sẽ bơi ở sông Seine trước mặt các nhân chứng để chứng minh rằng sông Seine sạch”. Kế hoạch đó đã không được thực hiện và Chirac qua đời vào năm 2019 khi chưa nhúng dù chỉ một ngón chân xuống sông.
Một năm sau khi ông qua đời, việc giành quyền đăng cai Olympic đã hồi sinh giấc mơ của Chirac. Người ta đề cập tới hai việc cần phải làm để thực hiện được “Kế hoạch bơi” cho Paris 2024. Đầu tiên, ô nhiễm đã có trong nước cần phải được làm sạch. Thứ hai, các quan chức cần tìm cách giảm bớt gánh nặng cho hệ thống thoát nước hiện tại và ngăn chặn chất thải xả ra sông Seine.
“Chúng tôi không thanh lọc sông Seine. Cách tiếp cận của chúng tôi là ngăn không cho nước chưa được xử lý đổ vào sông Seine”, Colin-Canivez nói với The New York Times. Trung tâm của kế hoạch này là một đường hầm dài 700 mét. Đường hầm đó kết nối với một bể chứa ngầm gần nhà ga xe lửa Austerlitz mà Colin-Canivez và nhóm của ông đang xây dựng. Khi cả hai được hoàn thành, chúng sẽ có thể chứa 13,2 triệu gallon nước. Đó là khoảng 20 hồ bơi dài hạn và là một trong năm dự án kỹ thuật lớn nhằm đối phó với bão. Nhóm nghiên cứu hy vọng, điều này sẽ giảm số lần hệ thống nước thải của Paris bị quá tải từ 12 xuống còn 2 lần mỗi năm. Khi hoàn thành, các đường hầm sẽ chuyển nước thu được từ hệ thống nước thải - thay vì chảy ra sông - sẽ qua hệ thống cống rãnh tới nhà máy xử lý ở hạ lưu.
Đối với tình trạng ô nhiễm hiện nay, các quan chức đã bổ sung các biện pháp xử lý đặc biệt cho các nhà máy xử lý nước thải thượng nguồn, nhằm cắt giảm 100 lần mức độ vi khuẩn có hại trong nước. Các nhóm đã đi từng nhà để thuyết phục các chủ hộ gia đình đồng ý nối các đường ống xả thải của họ vào hệ thống thoát nước một cách hợp lý.
Tòa thị chính tuyên bố chất lượng nước của sông Seine đang được cải thiện và nhiều loài cá đã xuất hiện. Sau Thế vận hội, chính quyền thành phố có kế hoạch sẽ mở lại dòng sông cho công chúng vào mùa hè năm 2025 ở Pháp với năm điểm tắm tiềm năng đang được nghiên cứu ở Paris.