Có mặt tại nhà văn hóa các xã, thị trấn trên địa bàn huyện vào buổi chiều, dễ dàng gặp người dân hăng hái tập luyện thể dục thể thao. Tại đây, người cao tuổi thường tập bóng chuyền hơi, chạy bộ; người trung tuổi đánh cầu lông, chơi bóng bàn; thanh, thiếu niên chơi đá bóng, bóng rổ. Mỗi người đều lựa chọn môn thể thao phù hợp theo sở trường để nâng cao sức khỏe. Để phong trào thể dục thể thao phát triển sôi nổi, huyện xây dựng kế hoạch phát động các phong trào, triển khai nhiều bộ môn thể thao phù hợp với từng lứa tuổi để mọi người có thể rèn luyện sức khỏe theo sở thích, đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân tham gia các hoạt động thể dục thể thao. Các địa phương, cơ quan tổ chức các hoạt động thi đấu giao lưu thể dục thể thao. Nhiều đơn vị chủ động tổ chức các hoạt động, các giải đấu giao lưu tại địa phương; khuyến khích và đa dạng các hình thức tổ chức thu hút người dân tham gia.
Hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, phong trào thể dục thể thao quần chúng trên địa bàn huyện Trùng Khánh được củng cố và phát triển rộng rãi trong mọi đối tượng. Hoạt động thể dục thể thao ở cơ sở bám sát việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương, đơn vị. Số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên tăng, chất lượng tập luyện được nâng lên. Hiện, toàn huyện có gần 30% người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên; 100% trường học trên địa bàn đảm bảo chất lượng giáo dục thể chất cho học sinh; toàn huyện có gần 20 câu lạc bộ thể thao.
Từ năm 2023 đến nay, nhằm thúc đẩy phong trào thể dục thể thao quần chúng phát triển trên địa bàn, các xã, thị trấn của huyện Trùng Khánh tăng cường tổ chức các hoạt động giao lưu thể thao, các giải thi đấu thể dục thể thao từ huyện đến cơ sở được quan tâm về quy mô và chất lượng như: giải thể thao nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3) được tổ chức tại 11/21 xã, thị trấn; Lễ phát động và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân thu hút hơn 3.000 lượt người tham gia; Giải Bóng đá Thanh niên - Cup Agribank với 400 vận động viên thi đấu; Giải Chạy Siêu đường mòn “Non nước Cao Bằng” với gần 1.000 vận động viên tham gia… Các giải thể thao dân tộc như lày cỏ, đẩy gậy, kéo co được tổ chức phổ biến tại các ngày hội, ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh, huyện. Bên cạnh phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng, công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao học đường được thực hiện nền nếp, số học sinh đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể ngày càng cao.
Để phong trào thể dục thể thao ngày càng phát triển rộng khắp, huyện quan tâm đầu tư cơ sở vật chất nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu luyện tập thể dục thể thao. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội, thường xuyên tổ chức thi đấu các môn thể thao trong dịp lễ, tết; khuyến khích các xóm, tổ dân phố, các đoàn thể, nhà trường thành lập thêm nhiều câu lạc bộ thể dục thể thao để có điều kiện giao lưu, tạo khí thế thi đua sôi nổi. Qua đó, người dân phát triển toàn diện cả về trí tuệ và thể chất, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.