Bóng đá là môn thể thao thu hút được nhiều nguồn xã hội hóa nhất. Đức Trọng lâu nay vẫn là một địa phương có phong trào bóng đá rất mạnh trong tỉnh Lâm Đồng. Toàn huyện hiện có trên 30 sân cỏ nhân tạo do các tổ chức, người dân, các trường học đầu tư và vận hành, trong đó, tại thị trấn Liên Nghĩa đã có trên 10 sân. Mỗi sân cỏ nhân tạo như vậy đều có 1 hoặc nhiều câu lạc bộ (CLB) bóng đá sinh hoạt. Các CLB bóng đá này trong năm thường tự đứng ra tổ chức các giải đấu trong CLB mình hay mời các CLB khác tham dự. Điển hình như giải Bóng đá nam 7 người năm 2023 được Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao (VHTTTT) Đức Trọng tổ chức trong tháng 9 vừa qua với 32 đội trong toàn huyện tham gia. Để tổ chức giải, Trung tâm phối hợp với các CLB bóng đá trong huyện vận động gần 300 triệu đồng từ các nhà tài trợ, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài huyện, trong đó 100 triệu đồng được sử dụng cho công tác từ thiện nhân đạo tại địa phương.

Để phát triển phong trào bóng đá, hầu hết các xã tại Đức Trọng hiện nay đều tổ chức giải đấu cấp xã hoặc liên xã hằng năm. Nhất là các xã vùng dân tộc thiểu số ở vùng Loan hay tại N’Thol Hạ hiện nay có phong trào rất mạnh, trong đó N’Thol Hạ đang duy trì một đội bóng đá thanh niên dân tộc thiểu số thường xuyên đại diện huyện thi đấu các giải thanh niên dân tộc trong tỉnh và đại diện tỉnh thi đấu ngoài tỉnh.
Với các giải thể thao cấp huyện, trong 9 giải đấu cấp huyện do Trung tâm VHTTTT đứng ra tổ chức từ đầu năm đến nay gồm 6 giải các môn khác như: Giải Cờ tướng mừng Đảng, mừng Xuân; Giải Kéo co, đẩy gậy; Giải Việt dã; Giải Bóng chuyền nam mở rộng, Giải Cầu lông các CLB huyện Đức Trọng và có đến 3 giải bóng đá gồm Giải bóng đá 7 người thiếu niên (U13); Giải Bóng đá nam 7 người và giải Bóng đá nam 11 người sân lớn. Đó là chưa kể thêm 1 giải Bóng đá Trung tâm phối hợp cùng Huyện Đoàn tổ chức là giải Bóng đá Thanh niên các dân tộc thiểu số huyện Đức Trọng lần thứ I năm 2023. Trong 3 giải Bóng đá cấp huyện này đã có 2 giải được tổ chức với hình thức xã hội hóa.
Cùng với giải Bóng đá 7 người xã hội hóa, giải Bóng đá 11 người sân cỏ trong tháng 8 vừa qua cũng được xã hội hóa một phần. Trung tâm VHTTTT Đức Trọng giao cho CLB Bóng đá Liên Nghĩa chịu trách nhiệm đứng ra tổ chức giải, vận động tài trợ. Về phía mình, Trung tâm chỉ hỗ trợ về mặt chuyên môn, công tác trọng tài. Ông Phan Hồng Thu - Giám đốc Trung tâm VHTTTT Đức Trọng cho biết “Chúng tôi cũng có hỗ trợ thêm một phần cho giải bóng đá 11 người này từ kinh phí hoạt động hằng năm, tuy nhiên, phần lớn từ nguồn xã hội hóa”.
Bên cạnh bóng đá, cầu lông cũng là môn thể thao thế mạnh của Đức Trọng. Môn thể thao này đang được huyện đẩy mạnh xã hội hóa. Hiện nay huyện có trên 50 sân cầu lông có thảm, nhiều nhất là tại thị trấn Liên Nghĩa, hầu hết các xã trong huyện còn lại mỗi xã cũng từ 1 - 2 sân. Cùng với các sân do các cá nhân, các CLB xây dựng, hiện nay, nhiều trường học trong huyện đã đầu tư sân cầu lông, môn cầu lông được đưa vào hoạt động ngoại khóa cho học sinh trong trường.
Các sân cầu lông và CLB cầu lông này, hàng năm cũng được khuyến khích tự tổ chức các giải cấp CLB của mình, khi cần, Trung tâm sẽ hỗ trợ chuyên môn. Với cấp huyện, giải Cầu lông các CLB huyện Đức Trọng vừa qua thực chất đó là một giải mở rộng với rất nhiều vận động viên trong tỉnh được mời dự giải tại Đức Trọng. Tổng cộng giải đấu này có trên 300 vận động viên tranh tài trong các nội dung thi đấu, phần lớn kinh phí tổ chức giải từ sự vận động xã hội hóa với giải thưởng khá cao. Trong những năm gần đây, các vận động viên cầu lông Đức Trọng thi đấu rất xuất sắc và giành rất nhiều huy chương từ các giải tỉnh Lâm Đồng hàng năm.
Có thể kể thêm một bộ môn đang được xã hội hóa rộng rãi tại Đức Trọng hiện nay là bóng bàn. Ngoại trừ Đà Lạt, Đức Trọng là một trong số ít các huyện trong tỉnh hiện nay có đào tạo bóng bàn trẻ, các giải đấu bộ môn này tại đây có rất đông vận động viên tranh tài với nguồn kinh phí tổ chức giải chủ yếu đến từ sự vận động tài trợ.

Trong nhiều năm nay, trung bình mỗi năm, ngành VHTTTT Đức Trọng vận động từ 700-800 triệu từ nguồn tài trợ của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp cho các hoạt động của ngành bên cạnh nguồn kinh phí từ ngân sách cấp tương đối hạn hep. Trong đó, riêng số tiền vận động cho thể thao chiếm khoảng 500 triệu và toàn bộ số tiền này dùng tổ chức các giải đấu cấp huyện. Việc huy động mọi nguồn lực đóng góp của các tổ chức, cá nhân đã góp phần duy trì phát triển phong trào thể dục thể thao tại huyện Đức Trọng.
Ông Phan Hồng Thu - Giám đốc Trung tâm VHTTTT huyện Đức Trọng - cho biết: “Gần đây, bên cạnh tổ chức các giải thể dục, thể thao, chúng tôi cũng vận động xã hội hóa để làm thêm công tác xã hội, từ thiện. Và không chỉ trong bóng đá, cầu lông, bóng bàn - những môn chúng tôi có thế mạnh, mà cố gắng vận động thêm trong các bộ môn khác nữa để có thể nâng giải thưởng lên cao hơn, tạo động lực cho các đội và vận động viên”.