Hướng nghiệp cho các vận động viên sau khi kết thúc sự nghiệp thi đấu 

Sáng 20/9, Ủy ban Olympic Việt Nam phối hợp với Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo Hướng nghiệp cho gần 400 vận động viên đang tập huấn tại Trung tâm.

Tới dự Hội thảo có bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó Cục trưởng Cục Thể dục thể thao, Trưởng Ban Phụ nữ Thể thao Ủy ban Olympic Việt Nam; ông Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Vận động viên Ủy ban Olympic Việt Nam; đại diện lãnh đạo các Phòng của Cục Thể dục thể thao…

ba-yen-1726825945.jpg
Bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó Cục trưởng Cục Thể dục thể thao, Trưởng Ban Phụ nữ và Thể thao Ủy ban Olympic Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Văn Duy

Phát biểu tại Hội thảo, bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó Cục trưởng Cục Thể dục thể thao - cho biết: Trong thời gian qua, một trong những vấn đề quan trọng đã được thảo luận, chất vấn tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV là giải quyết việc làm cho vận động viên sau thời kỳ thi đấu đỉnh cao. Mặc dù, ngành Thể dục thể thao đã tích cực tìm kiếm đối tác cấp học bổng và cơ hội việc làm cho các vận động viên, cụ thể như: Ký thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học FPT, Trường Đại học Đại Nam… về việc đào tạo cử nhân, thạc sĩ đặc biệt cho vận động viên đạt thành tích xuất sắc; Ký thỏa thuận hợp tác với Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam về việc tạo việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho các vận động viên thể thao có thành tích cao sau khi không còn thi đấu chuyên nghiệp; Ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Cổ phần Alphanam về bảo trợ nghề nghiệp cho các vận động viên đội tuyển thể thao quốc gia có mong muốn làm việc trong ngành Du lịch - Khách sạn (trong đó có cả việc làm bán thời gian trong khi vận động viên đang tập trung tập huấn)… Tuy nhiên, việc đào tạo, hướng nghiệp, chuyển đổi nghề đối với vận động viên sau khi kết thúc thi đấu còn gặp khó khăn do trình độ học vấn của các vận động viên chưa phù hợp với đa số ngành nghề khác của xã hội. 

Hội thảo Hướng nghiệp cho vận động viên được Ủy ban Olympic Việt Nam tổ chức lần đầu tiên tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Đà Nẵng đã tạo được ấn tượng tốt đẹp cho các vận động viên và lần thứ hai được tổ chức tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội ngày hôm nay. Hội thảo sẽ cung cấp thông tin hữu ích, kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp giúp các vận động viên chủ động tìm việc làm, tự tạo việc làm phù hợp, đúng với năng lực, ngành nghề và sở trường của mình cũng như trang bị kiến thức, kỹ năng cho các vận động viên tự tin, sáng tạo, chủ động tìm việc làm và tự tạo ra việc làm sau khi ngừng thi đấu.

anh-2-1726826032.jpg
Hội thảo có gần 400 vận động viên tham dự. Ảnh: Văn Duy

Trong nhiều năm vừa qua, sự băn khoăn trăn trở của nhiều vận động viên tài năng khi theo đuổi con đường thể thao chuyên nghiệp chính là công việc, nghề nghiệp sau khi rời sàn thi đấu. Đây cũng là mối quan tâm chung của các cấp, của ngành và của các đơn vị quản lý thể thao, làm thế nào để chăm lo, động viên, khuyến khích đầu tư, đãi ngộ tốt đối với các vận động viên tài năng, góp phần vào việc thu hút nhân tài thể thao cho nước nhà.

Tại Hội thảo, các vận động viên được nghe 9 Chuyên đề do các nhà quản lý, chuyên gia trao đổi, giải đáp và có những lời tư vấn hợp lý cho những vận động viên gồm: Thể thao Việt Nam khám phá nguồn thu và cơ hội mới sau sự nghiệp thi đấu (ông Lê Nguyễn - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại và Nội dung số Việt - Vietcontent); Bảo vệ quyền lợi vận động viên trong thi đấu và vấn đề bình đẳng giới trong thể thao (ông Nguyễn Linh Sơn - huấn luyện viên môn Judo, thành viên Ban Vận động viên Ủy ban Olympic Việt Nam); Câu chuyện khởi nghiệp cho các vận động viên sau khi kết thúc thi đấu đỉnh cao (ông Hoàng Hữu Thắng - Phó Chủ tịch câu lạc bộ Đầu tư và Khởi nghiệp Doanh nhân trẻ Việt Nam); Những kỹ năng mềm quan trọng giúp vận động viên chinh phục thị trường việc làm, thành công trong sự nghiệp mới (bà Lương Tú Anh - Phó Chủ tịch câu lạc bộ Đầu tư và Khởi nghiệp Doanh nhân trẻ Việt Nam); Kỹ năng trao đổi và làm việc với truyền thông cho các vận động viên Việt Nam (bà Nguyễn Tuyết Hoa - Giảng viên Olympic Quốc tế, Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp, Nhà hát vũ kịch Việt Nam); Chia sẻ của trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh dành cho các vận động viên sau khi ngừng thi đấu (ông Nguyễn Hữu Hùng - Trưởng Bộ môn Thể dục, Khoa Kiến thức và kỹ năng cơ sở ngành - Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh); Chia sẻ của Công ty Recsports về vấn đề khởi nghiệp dành cho vận động viên (Bà Trương Thị Ny - Ủy viên đặc biệt và đại diện Hội đồng Phát triển Kinh tế châu Âu EEDC, chuyên gia hỗ trợ giải pháp doanh nghiệp trong nước và quốc tế); Hướng đi mới dành cho các vận động viên chuyên nghiệp với chương trình cử nhân Quản trị kinh doanh dành cho các tài năng thể thao (PGS.TS Lê Trung Thành - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội); Chia sẻ của trường Đại học Đại Nam dành cho các vận động viên sau khi ngừng thi đấu (bà Phạm Dung - Giám đốc Trung tâm Việc làm và Khởi nghiệp sinh viên trường Đại học Đại Nam).

anh-1-1726826084.jpg
Ông Hoàng Hữu Thắng - Phó Chủ tịch câu lạc bộ Đầu tư và Khởi nghiệp Doanh nhân trẻ Việt Nam - trao đổi với các vận động viên. Ảnh: Văn Duy

Tại Hội thảo, các vận động viên cũng đã có những chia sẻ, trao đổi trực tiếp với các diễn giả về các vấn đề như: giải toả áp lực trong tập luyện và thi đấu, cách phân bổ thời gian cho việc học sau quá trình tập luyện căng thẳng hằng ngày cũng như việc trang bị các hành trang cần thiết trước khi giã từ sự nghiệp.

Theo các chuyên gia, thể thao là một loại hình nghề nghiệp đặc biệt bởi đặc thù về công việc và môi trường lao động. Vận động viên thể thao cũng được coi là người lao động đặc biệt, có những phẩm chất, kỹ năng chỉ được hình thành qua quá trình dày công gian khổ rèn luyện. Tuy là một loại hình lao động đặc biệt, song nếu xét về tuổi nghề thì vận động viên thể thao có thể được xếp vào một trong số những nghề nghiệp mà người lao động có tuổi nghề ngắn nhất. Tính trung bình sự nghiệp thi đấu của một vận động viên thể thao chỉ kéo dài từ 10-15 năm (tuỳ theo đặc thù từng môn thể thao). Phần lớn các vận động viên thể thao thường kết thúc sự nghiệp ở độ tuổi từ 25-30 tuổi, ở thời điểm mà thể lực có những dấu hiệu đi xuống. Chỉ ở một số ít môn thể thao không đòi hỏi sử dụng thể lực mà thiên về trí tuệ, sự khéo léo thì tuổi nghề của vận động viên thể thao có thể kéo dài hơn, như các môn Cờ, Bắn súng, Golf, Billiard & Snooker...

4-1726826137.jpg
Ban Tổ chức, khách mời và các vận động viên chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Văn Duy

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội - cho biết: "Vận động viên là một nghề có vinh quang nhưng cũng rất vất vả, nhọc nhằn và tinh thần luôn phải tiến lên. Qua những buổi Hội thảo như thế này sẽ giúp các vận động viên nhận thức rõ hơn về bản thân, trách nhiệm đối với xã hội, hơn cả là lựa chọn tìm hướng đi đúng đắn, xác định mục tiêu trong tập luyện, thi đấu. Sau khi kết thúc sự nghiệp vận động viên họ đã có được những kỹ năng hướng nghiệp, giúp vận động viên yên tâm tập luyện cũng như chuyển đổi công việc khi kết thúc sự nghiệp thi đấu đỉnh cao".

Trước khi bắt đầu Chuyên đề chính của Chương trình, với tinh thần tương thân, tương ái, "lá lành đùm lá rách", Ban Tổ chức xin dành một chút thời gian để ông Nguyễn Anh Minh - lãnh đạo Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội - trao quà quyên góp của tập thể, cán bộ, nhân viên, vận động viên, huấn luyện viên Trung tâm cho 3 gia đình vận động viên bị thiệt hại nhiều nhất do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) gây ra, mỗi vận động viên là 10 triệu đồng. Tính đến hết ngày 19/9, tổng số tiền Trung tâm quyên góp được là 334.880.000 đồng. Số tiền trên sẽ được lãnh đạo và Ban Chấp hành Công đoàn Trung tâm tổ chức trao cho các hộ đồng bào bị thiệt hại nặng nhất ở huyện Simacai và huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) vào ngày 21 và 22/9.

Phương Mai