Hơn 50 tác phẩm được giới thiệu tại triển lãm "Tình quân dân"

Chiều ngày 20/12, lễ khai mạc triển lãm "Tinh quân dân" đã điễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Triển lãm được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không (12/1972-12/2022) và kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2022).

Triển lãm "Tình quân dân" giới thiệu đến công chúng hơn 50 tác phẩm đa dạng về thể loại và chất liệu được lựa chọn trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, phần lớn được sáng tác trong những năm tháng chiến tranh, giai đoạn 1960-1970 về chủ đề Tình đoàn kết gắn bó quân và dân.

3411-1671607841.jpg
Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh phát biểu tại Lễ khai mạc.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh cho biết: "Quân đội Nhân dân Việt Nam là Quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Tình đoàn kết quân, dân là một chủ đề lớn hấp dẫn, là nguồn cảm hứng sáng tạo của các nghệ sĩ. Nhiều tác phẩm về chủ đề quân dân đoàn kết đã được sáng tác, dù hoàn cảnh khó khăn của những năm tháng chiến tranh hay trong cuộc sống hòa bình.

Triển lãm "Tình quân dân" đã thể hiện sự đa dạng về bút pháp, thể loại và chất liệu qua từng tác phẩm. Những hình ảnh mang tính biểu tượng không chỉ khắc họa về sự gắn kết giữa quân và dân, về truyền thống tốt đẹp đoàn kết toàn dân, mà còn là những hình ảnh trực quan sinh động giúp cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu hơn về lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam".

3412-1671607841.jpg
Không gian triển lãm.
3413-1671607841.jpg
Một số tác phẩm tại triển lãm.

Tại triển lãm, tình cảm của nhân dân, hậu phương vững chắc chăm lo che chở, giúp đỡ và bảo vệ quân đội được các họa sĩ khắc họa chân thực và sinh động qua các tác phẩm: Tập kết (Nguyễn Hiêm, sơn mài, 1954); Hơ áo chiến sĩ (Văn Giáo, bột màu, 1962); Đêm hậu cứ (Hoàng Tích Chù, sơn mài, 1966); Ngọn đèn không tắt (Dương Tuấn, khắc gỗ, 1968)… Đặc biệt, tác giả Nguyễn Kao Thương đã thể hiện thành công hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh - biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết toàn dân trong tác phẩm Bác Hồ thăm đơn vị pháo Hồ Tây (sơn dầu, 1969).

3414-1671607841.jpg
Đại diện cho các tác giả nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Thành chia sẻ tại lễ khai mạc

Đại diện các tác giả nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Thành chia sẻ tại buổi lễ: "Tôi rất xúc động khi được nhìn thấy phòng tranh này và được đại diện cho các tác giả để nói lời cảm ơn. Hiếm có một đội quân nào như quân đội Việt Nam có tình cảm gắn bó với nhân dân như quân đội của chúng ta. Vì vậy, chúng ta có thể tự hào khi có những chiến thắng vang dội trước các nước lớn bởi chúng ta có tình yêu toàn dân với những người lính sẵn sàng hi sinh tại chiến trường thì mới làm nên được những chiến thắng đó. Tôi nghĩ rằng cuộc triển lãm này có ý nghĩa rất sâu sắc và mang lại cảm xúc thật cho những tác giả có tác phẩm tham gia trưng bày tại đây".

3415-1671607841.jpg
NSND Vương Duy Biên chia sẻ tại lễ khai mạc.

"Chúng ta có được cuộc sống ngày hôm nay là nhờ vào những hi sinh xương máu của các chiến sĩ và đồng bào chúng ta. Những bức tranh được trưng bày là những khoảng khắc mà chỉ có cảm xúc ngay lúc ấy mới ghi lại được, những giai đoạn, thời khắc rất quý đó chính là những tài liệu vô giá cho các thế hệ sau. Chúng ta từng chứng kiến rất nhiều tác phẩm, những hi sinh của các chiến sĩ, nghệ sĩ trên chiến trường, họ không những vẽ bằng mồ hôi mà còn vẽ bằng cả máu và để lại cho chúng ta những tác phẩm ngày hôm nay. Nó vừa mang tính chất thời sự của cuộc kháng chiến rất oanh liệt nhưng đồng thời nó cũng mang giá trị mỹ thuật nên chúng ta cần phải trân trọng. Tôi mong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tiếp tục sưu tập và tạo một không gian để thường xuyên giới thiệu về chủ đề này cho công chúng", NSND Vương Duy Biên chia sẻ.

3416-1671607841.jpg
Các đại biểu cắt băng khai mạc.

Bên cạnh đó là các tác phẩm được sáng tác sau năm 1975 đến 2002 là sự hồi tưởng của chính những người nghệ sĩ đã trực tiếp ghi chép hình ảnh thực tế, từ đó cho ra đời những tác phẩm đẹp về truyền thống quân dân gắn bó, như các tác phẩm Đón bộ đội về bản (Cao Trọng Thiềm, khắc gỗ, 1984), Bếp lửa Trường Sơn (Vũ Giáng Hương, lụa, 1994), Tiếng hát mùa chiến dịch (Mai Văn Hiến, sơn dầu, 1995), Vượt sông (Lê Trí Dũng, sơn mài, 1989)…

3417-1671607841.jpg
Một số tác phẩm tại triển lãm.
3418-1671607841.jpg
Một số tác phẩm tại triển lãm.

Ngoài ra, triển lãm Tình quân dân không chỉ khắc họa sự gắn kết giữa quân và dân, truyền thống tốt đẹp đoàn kết toàn dân tộc, mà còn là những hình ảnh trực quan sinh động giúp cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu hơn về lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam "Quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu".

T.T