
Tham dự Hội nghị có gần 200 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu cả nước, các nhà quản quản lý thể thao, lãnh đạo các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao trên cả nước, đại diện các Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao quốc gia...
Hội thảo nhằm Phê duyệt Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) giai đoạn 2026-2046; Thực trạng phát triển thể thao thành tích cao của nước ta, xác định các môn thể thao trọng điểm, căn cứ để lựa chọn các môn thể thao trọng điểm. Các giải pháp để đầu tư, phát triển các môn thể thao trọng điểm như thế nào để giành huy chương vàng tại ASIAD và giành huy chương tại Olympic.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Việt Nam Nguyễn Hồng Minh khẳng định: Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư và chỉ đạo sát sao của Chính phủ và các cấp, các ngành, các địa phương, thành tích của Thể thao Việt Nam đã có sự tiến bộ và thể hiện bằng kết quả đạt được tại các kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games), các kỳ Đại hội Thể thao trẻ, giải vô địch thể thao quốc tế. Thể thao Việt Nam đã có bước tiến và sự tiến bộ thành tích, song kết quả của chúng ta ở những kỳ Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) và Đại hội Thể thao thế giới (Olympic) còn khiêm tốn, có dấu hiệu tụt hậu trước nhiều nền thể thao mạnh của châu lục, trên thế giới. Nguyên nhân chính là Thể thao Việt Nam thiếu một chương trình cấp quốc gia về đào tạo lực lượng vận động viên tập trung nâng cao thành tích môn thể thao trọng điểm chuẩn bị Olympic và ASIAD. Trong khi đó, tại nhiều nền thể thao mạnh ở châu Á, việc đầu tư lực lượng vận động viên trọng điểm thi đấu Olympic và ASIAD được phát triển theo chương trình riêng.
Cùng với đó, gần đây nhất, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 70-KL/TW về phát triển Thể dục thể thao trong giai đoạn mới, trong đó đã xác định 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Thể dục thể thao cần phải tập trung thực hiện; Chiến lược phát triển Thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định rõ 5 quan điểm, 6 mục tiêu cụ thể, 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng mà ngành Thể dục thể thao cần phải cụ thể hóa để thực hiện. Trong Chiến lược, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trực tiếp là Cục Thể dục thể thao Việt Nam xây dựng Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm tham dự các kỳ Olympic và ASIAD trong giai đoạn 2026-2046.

Trong thời gian vừa qua, Cục Thể dục thể thao Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và hoàn thiện Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm tham dự các kỳ Olympic và ASIAD trong giai đoạn 2026-2046. Dự thảo Chương trình đã được xây dựng, hoàn thiện trên cơ sở tổ chức nghiên cứu theo các nhóm vấn đề và tổ chức lấy ý kiến góp ý của cơ quan, đơn vị, Hội thể Thao quốc gia, thể hiện rõ quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để cụ thể hóa Chiến lược phát triển Thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phó Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh nhấn mạnh.
Phó Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh cũng mong muốn các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp vào Chương trình để có thể lựa chọn được những môn thể thao, qua đó định hướng đầu tư, phát triển trong thời gian tới hướng đến mục tiêu giành huy chương vàng ASIAD và huy chương Olympic giai đoạn 2026-2046.

Thay mặt Ban soạn thảo, ông Hoàng Quốc Vinh - Trưởng phòng Thể thao thành tích Cao - trình bày tóm tắt dự thảo Chương trình. Chương trình được tiến hành trên phạm vi toàn quốc với đối tượng là các vận động viên trẻ, tài năng ở các đội tuyển trẻ quốc gia và những vận động viên trẻ có thành tích, các vận động viên trẻ có quốc tịch Việt Nam hoặc đủ điều kiện nhập tịch được đánh giá có tiềm năng phát triển trong tương lai hiện đang tập luyện tại các trung tâm huấn luyện thể thao, trường năng khiếu thể thao, cơ sở đào tạo thể thao, Trung tâm Đào tạo vận động viên thuộc 63 tỉnh/thành phố, Quân đội và Công an. Từ những ưu thế, hạn chế, nguyên nhân của hạn chế cũng như bài học kinh nghiệm, Chương trình đã xây dựng được những mục tiêu tổng quát và mục tiêu cho từng giai đoạn cụ thể 2026- 2030, 2030-2036, 2036-2046.
Theo đó, giai đoạn 2026-2030 duy trì trong top 3 tại các kỳ SEA Games và trong top 20 tại các kỳ ASIAD. Trong đó, ASIAD 2026: Huy chương vàng (Bắn súng, Karate, Đua thuyền, Cầu mây); ASIAD 2030: 6 huy chương vàng (Bắn súng, Bắn cung, Karate, Đua thuyền, Cầu mây); Olympic 2028: 2 huy chương đồng (Bắn cung, Cử tạ); Bóng đá nam trong tốp 10 châu Á và Bóng đá nữ trong tốp 8 châu Á (Thực hiện theo chương trình riêng).
Về quy hoạch vận động viên trọng điểm: Hàng năm, đầu tư khoảng 165-170 vận động viên trọng điểm ở 17 môn thể thao trọng điểm gồm: Điền kinh (3), Bắn súng (18), Bắn cung (9), Taekwondo (10), Cử tạ (12), Boxing (6), Đấu kiếm (6), Thể dục dụng cụ (6), Xe đạp (4), Judo (5), Vật (5), Bơi (5), Cầu lông (5), Đua thuyền (34), Karate (5), Wushu (12), Cầy mây (18).

Giai đoạn 2030-2036 duy trì trong tốp 3 tại các kỳ SEA Games và trong tốp 20 tại các kỳ ASIAD. Trong đó, ASIAD 2034: 7 huy chương vàng (Bắn súng, Bắn cung, Karate, Đua thuyền, Cầu mây, Boxing). Olympic 2032: 2 huy chương đồng (Bắn cung, Cử tạ). Olympic 2036: 1 huy chương bạc, 2 huy chương đồng (Bắn cung, Cử tạ, Bắn súng).
Tiếp tục ổn định nhóm các môn thể thao trọng điểm đã có sự đầu tư đào tạo ở giai đoạn 2026-2030 và bổ sung thêm nội dung mới có sự đột phá.
Giai đoạn 2036-2046 duy trì trong tốp 2 tại các kỳ SEA Games, trong top 15 tại các kỳ ASIAD và tốp 50 tại các kỳ Olympic. Bóng đá nam tốp 8 châu Á và giành quyền tham dự World Cup; Bóng đá nữ tốp 8 châu Á và giành quyền tham dự các kỳ World Cup (Thực hiện theo chương trình riêng).
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, GS. TS Lâm Quang Thành - Nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thể dục thể thao - nhấn mạnh: Chiến lược 2030 đặt ra nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, đó là: "Khẩn trương hoàn thiện việc phân nhóm các môn, nội dung thi đấu và lực lượng vận động viên, bảo đảm phù hợp với thế mạnh, điều kiện của nước ta và bám sát xu thế của thế giới, góp phần quan trọng thực hiện được các mục tiêu, định hướng nêu trên; nhanh chóng xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, khả thi về đầu tư, huy động nguồn lực, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, khuyến khích, chăm sóc, đãi ngộ với từng nhóm môn, lực lượng vận động viên. Ưu tiên nguồn lực, đầu tư trọng điểm, chuyên sâu cho lực lượng vận động viên có khả năng giành huy chương ASIAD và Olympic".

Các giải pháp này đặt ra việc phải nghiên cứu chọn lựa môn thể thao, nội dung thi đấu và lực lượng vận động viên... Nghiên cứu phát triển (Research and Development - R&D) được xem là hoạt động thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo. R&D được sử dụng trong xây dựng các chương trình, nhiệm vụ gắn với yêu cầu thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển các môn thể thao.
Tại Hội thảo, TS. BSCKII. Lê Thanh Tùng - Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam - đã chia sẻ ý kiến về giải pháp chăm sóc sức khỏe, phục hồi và điều trị chấn thương cho vận động viên, định hướng xây dựng mạng lưới y học thể thao quốc gia, nâng cao hiệu quả phục vụ thể thao thành tích cao.
Phân tích thực trạng công tác chăm sóc sức khỏe và điều trị chấn thương cho vận động viên hiện nay, ông Lê Thanh Tùng nhấn mạnh, sự cần thiết và cấp bách trong việc xây dựng một hệ thống y học thể thao đồng bộ, hiệu quả và bền vững để đáp ứng yêu cầu của thể thao thành tích cao trong giai đoạn mới.
Cũng theo chia sẻ của ông Lê Thanh Tùng, Y học thể thao ngày càng khẳng định vai trò cốt lõi và chiến lược trong việc nâng cao thể lực, duy trì phong độ, kéo dài tuổi nghề và bảo vệ thành tích thi đấu cho vận động viên. Trong bối cảnh thể thao Việt Nam phát triển theo hướng chuyên nghiệp hiện đại và khoa học, việc xây dựng một hệ thống y học thể thao đồng bộ, hiệu quả và bền vững không chỉ là yêu cầu chuyên môn cấp thiết, mà còn là một cấu phần quan trọng trong chiến lược phát triển thể thao quốc gia giai đoạn mới.
Ông Nguyễn Nam Nhân - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao thành phố Hồ Chí Minh - chia sẻ: Trong thời gian qua, thành phố Hồ Chí Minh đã thường xuyên cung cấp huấn luyện viên, vận động viên tuyển trẻ và tuyển quốc gia cho các môn thể thao trọng điểm Olympic, ASIAD lẫn SEA Games và các giải thể thao quốc tế khác. Trong đó có nhiều môn thể thao thành phố có thế mạnh như: Bóng đá nữ, Futsal, Bóng rổ, Bóng chuyền bãi biển, Bóng ném, Thể dục dụng cụ, Taekwondo, Judo, Muay, Boxing, Vovinam, Võ cổ truyền, Billards, Esports… Những vận động viên này đã thể hiện năng lực xuất sắc tại các đấu trường quốc tế, giúp nâng cao hình ảnh và thành tích của Thể thao Việt Nam.

Trong bối cảnh Thể thao Việt Nam đang hướng đến các mục tiêu lớn trong Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2046, thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp tục khẳng định vai trò là một trong những trụ cột chủ lực, một thành tố không thể tách rời và là một trung tâm huấn luyện, đào tạo thể thao cấp vùng có ảnh hưởng lan tỏa đến cả khu vực phía Nam và quốc gia.
Thành phố không chỉ là nơi cung cấp số lượng lớn vận động viên và huấn luyện viên chất lượng cho các đội tuyển quốc gia, mà còn có khả năng đóng vai trò như một “vùng kinh tế thể thao trọng điểm”, nơi hội tụ các yếu tố: nhân lực, công nghệ, cơ sở vật chất, và hệ sinh thái hỗ trợ thể thao toàn diện. Vì thế, định hướng chiến lược nên đặt thành phố là một "trung tâm vùng", nơi thử nghiệm mô hình thể thao hiện đại và giao quyền tự chủ cao hơn trong tổ chức, đầu tư và phát triển các môn thể thao trọng điểm lẫn các môn thể thao mới nổi.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Cục trưởng Đặng Hà Viết cho biết: “Hội thảo lấy ý kiến góp ý xây dựng Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Với tinh thần trách nhiệm cao, các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao, các địa phương đã mang lại nhiều góc nhìn đa chiều, sâu sắc và có giá trị thực tiễn cao.
Từ những nội dung thảo luận, có thể khẳng định rằng chúng ta đang có những cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng một Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm bài bản, hiệu quả và mang tính bền vững. Những ý kiến đóng góp tại Hội thảo hôm nay sẽ là nền tảng quan trọng giúp chúng tôi hoàn thiện dự thảo Chương trình trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thay mặt Ban Tổ chức, tôi xin trân trọng cảm ơn sự hiện diện, những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, nhà khoa học. Tôi tin rằng, với sự đồng lòng, quyết tâm của các cấp, các ngành, các tổ chức thể thao và toàn thể những người làm công tác thể thao, chúng ta sẽ thực hiện thành công mục tiêu nâng tầm Thể thao Việt Nam trên đấu trường châu lục và thế giới”.