Hội nghị tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định 21 quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội và kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu ở các địa phương. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt chủ trì Hội nghị tại Hà Nội.

quang-canh-hoi-nghi-1698141009.jpg
Quang cảnh Hội nghị

Ngày 24/10, tại Hà Nội, Cục Bản quyền tác giả Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định 21/2015/NĐ-CP Quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết: Nghị định số 21/2015/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 21) có phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sáng tạo, khai thác, sử dụng các tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước hoặc chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước.

Trong hơn 8 năm qua, Nghị định 21 đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước trong việc xây dựng dự toán và thanh, quyết toán kinh phí chi trả nhuận bút, thù lao hàng năm; góp phần thúc đẩy, khuyến khích các hoạt động sáng tạo và phổ biến các giá trị văn học, nghệ thuật và khoa học, phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và nhu cầu hưởng thụ của công chúng.

thu-truong-viet-1698141050.jpg
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt phát biểu tại Hội nghị

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được trong thời gian qua, Nghị định cũng đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu, đánh giá để có thể sửa đổi, bổ sung kịp thời, trước hết đảm bảo sự đồng bộ, phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022, Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan; thứ hai là đáp ứng sự thay đổi, phát triển trong thực tiễn của hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật những năm vừa qua, nhằm bao quát được đầy đủ các thể loại, hình thức tác phẩm, các chức danh sáng tạo, khuyến khích xã hội hóa trong hoạt động sáng tạo...

Theo báo cáo của Cục Bản quyền tác giả, Nghị định 21 được ban hành và áp dụng đã động viên, khuyến khích sáng tạo các thành phần sáng tác hưởng nhuận bút, thù lao theo Nghị định vì ngoài khoản thù lao, nhuận bút thì các thành phần còn được hưởng nhuận bút khuyến khích; các thành phần sáng tác (chức danh) và mức hưởng nhuận bút được tăng lên. Điều đó cho thấy sự quan tâm của Nhà nước đầu tư cho các thành phần sáng tác, góp phần động viên người sáng tạo nghệ thuật và gián tiếp nâng cao chất lượng tác phẩm.

Nghị định số 21 quy định rõ ràng về đối tượng áp dụng; nguyên tắc chi trả, xác định mức nhuận bút, thù lao; phân chia nhuận bút, thù lao giữa các đồng tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả theo thỏa thuận; nhuận bút khuyến khích; nhuận bút trong trường hợp tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh; lập dự toán, thanh và quyết toán; căn cứ vào thể loại, quy mô, chất lượng tác phẩm, loại hình nghệ thuật, chức danh sáng tạo, khung nhuận bút, thù lao… tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện, phù hợp tình hình thực tiễn. Mức chi trả tại Nghị định số 21 cụ thể đối với từng loại hình tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác; tỉ lệ phần trăm hoặc hệ số để tính nhuận bút cho từng chức danh sáng tạo tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.

Bên cạnh đó, quy định tại Nghị định số 21 đã tạo sự linh hoạt để bên sử dụng tác phẩm và bên sáng tạo có thể thỏa thuận căn cứ vào chất lượng tác phẩm, nguồn kinh phí được phép sử dụng để chi trả nhuận bút, thù lao; trừ trường hợp tác phẩm do nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu thì trả theo hợp đồng đặt hàng hoặc đấu thầu.

Quy định về mức chi trả tại Nghị định số 21 tạo thuận tiện cho các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước trong việc bảo vệ dự toán và thanh, quyết toán kinh phí chi trả nhuận bút, thù lao hàng năm; đồng thời là căn cứ để xây dựng dự toán và chi trả nhuận bút, thù lao trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ hàng năm như: biểu diễn phục vụ nhân dân, xây dựng chương trình nghệ thuật mới, tham gia liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên trên toàn quốc, tổ chức các chương trình nghệ thuật chào mừng các sự kiện lớn của tỉnh, thành phố…

Cục Bản quyền tác giả nhận định: Nghị định số 21 phù hợp đối với sáng tạo tác phẩm bằng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, các trường hợp sáng tạo tác phẩm điện ảnh, sân khấu và loại hình nghệ thuật khác... có sự hợp tác theo phương thức xã hội hóa thì khó áp dụng các quy định của Nghị định. Bên cạnh đó, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Nghị định số 21 đang giới hạn ở ba nhóm lĩnh vực là điện ảnh; mỹ thuật, nhiếp ảnh; nghệ thuật biểu diễn có liên quan đến ngân sách nhà nước. Một số loại hình tác phẩm khác như kiến trúc, công trình khoa học… không thuộc phạm vi của Nghị định.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số vấn đề như đánh giá việc tổ chức thực hiện Nghị định số 21, những bất cập và nguyên nhân; khó khăn trong chi trả nhuận bút, thù lao; đề xuất, kiến nghị gì liên quan đến hoàn thiện các quy định tại Nghị định…

Theo đó, Nghị định số 21 chưa bao quát được đầy đủ các thể loại, hình thức tác phẩm, đặc biệt là các thể loại, hình thức mới xuất hiện nên khó khăn khi vận dụng chi trả nhuận bút đối với các thành phần tham gia sáng tạo các thể loại, hình thức tác phẩm này. Các đại biểu cũng cho rằng việc thực hiện chi trả theo Nghị định 21 còn mang tính chất bình quân, cào bằng, chưa khuyến khích được đội ngũ sáng tạo.

Phát biểu kết thúc Hội nghị, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng cho biết Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp trách nhiệm, những luận cứ thực tiễn, khoa học. Qua đó. giúp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nắm bắt sát hơn về thực tiễn thi hành và những yếu tố cần thiết cho quá trình hoàn thiện hành lang pháp lý về chế độ nhuận bút. Cũng theo ông Trần Hoàng, trong giai đoạn tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các chính sách khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ, người sáng tạo nghệ thuật sáng tạo nhiều tác phẩm chất lượng tốt phục vụ công chúng nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

H.H