Hòa Bình duy trì và phát triển các môn thể thao dân tộc 

Những năm gần đây, Pickleball là môn thể thao mới và nhanh chóng phát triển, lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với phong trào thể dục thể thao quần chúng trên địa bàn tỉnh, nhưng cũng là thách thức đối với công tác gìn giữ, phát huy giá trị tốt đẹp của các môn thể thao dân tộc.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2024, tỉnh Hoà Bình có 836 câu lạc bộ thể dục thể thao. Trong đó, với riêng thể thao dân tộc, môn Đẩy gậy có 64 câu lạc bộ và môn Bắn nỏ có 60 câu lạc bộ. Bên cạnh những thể thao có sức hút lớn như Bóng chuyền, Bóng đá, Cầu lông... là sự phát triển mạnh mẽ của một bộ môn thể thao mới lạ, hiện đại Pickleball. Năm vừa qua trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã thành lập mới 95 câu lạc bộ Pickleball. Ngoài ra, còn có một số bộ môn hiện đại khác, như: thể dục có 33 câu lạc bộ, thể hình có 36 câu lạc bộ. 

img-4051-1737087801.jpg

Là tỉnh có nhiều dân tộc cùng sinh sống, cùng với văn hoá truyền thống đặc sắc thì mỗi dân tộc có trò chơi, môn thể thao riêng. Đánh mảng dân tộc Mường là môn thể thao đặc sắc, trò chơi dân gian lành mạnh đang được huyện Lạc Sơn tích cực triển khai các giải pháp khôi phục, bảo tồn. Dân tộc Mông ở 2 xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) có môn Đánh tu lu, Ném pao; hay Đẩy gậy, Bắn nỏ là trò chơi tiêu biểu cho tinh thần thượng võ, gắn liền với đời sống sinh hoạt thường ngày trước đây của đồng bào các dân tộc miền núi…

Đặc biệt, các hoạt động giao lưu, thi đấu trò chơi dân gian, thể thao dân tộc là hình ảnh quen thuộc mỗi dịp Tết đến, Xuân về, lễ hội… Trong nhiều lễ hội trên địa bàn tỉnh hiện nay, điển hình là Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường, lễ hội chùa Tiên, lễ hội Xên Mường… đều có hoạt động giao lưu, thi đấu các môn thể thao dân tộc. Sau phần lễ trang trọng sẽ đến phần hội với điểm nhấn là hoạt động thể dục thể thao. Nếu như Kéo co là môn thể thao mang tính đồng đội cao, đòi hỏi mỗi thành viên trong đội phải đoàn kết, phối hợp ăn ý để tạo nên sức mạnh tập thể thì môn Đẩy gậy đòi hỏi sức khoẻ, kỹ, chiến thuật, tâm lý vững vàng và sự khéo léo của cá nhân mới có thể làm chủ cuộc đấu và giành chiến thắng… Không phân biệt giới tính, lứa tuổi, các môn thể thao dân tộc luôn thu hút đông đảo người dân tham gia, tạo không khí tưng bừng, vui tươi, phấn khởi, gắn kết cộng đồng.

Những năm qua, song song với dành nhiều nguồn lực đầu tư cho các môn thể thao thành tích cao, tỉnh Hoà Bình luôn quan tâm đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao quần chúng, trong đó, chú trọng gìn giữ, phát triển các môn thể thao dân tộc. Gắn liền với đời sống, lao động và tập quán, bởi vậy một số môn thể thao dân tộc thu hút đông đảo người dân tham gia tập luyện, thi đấu, như: Bắn nỏ, Kéo co, Đẩy gậy, Ném còn… Qua đó, không chỉ đáp ứng nhu cầu vui chơi, rèn luyện nâng cao sức khoẻ, đời sống văn hoá, tinh thần của Nhân dân, mà còn phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc... Trong đó, tổ chức giải thể thao truyền thống Bắn nỏ, Kéo co, Đẩy gậy là một trong nhiều giải pháp được tỉnh ta duy trì hằng năm nhằm "giữ lửa” phong trào tập luyện từ cơ sở. Qua đó, phát hiện được nhiều hạt nhân tiêu biểu trong phong trào thể dục thể thao quần chúng, bồi dưỡng, tập huấn, tham gia tranh tài tại một số giải thể thao khu vực, toàn quốc. Năm 2024, tỉnh Hòa Bình đã giành được 1 huy chương vàng, 3 huy chương bạc, 2 huy chương đồng tại Giải vô địch Đẩy gậy quốc gia lần thứ XVIII và giành 1 huy chương vàng, 1 huy chương đồng tại Giải vô địch Kéo co quốc gia lần thứ XII…

ban-no-1737087868.jpg

Bắn nỏ, Kéo co, Đẩy gậy cũng là những môn thi đấu chính thức tại Đại hội Thể dục thể thao các cấp tỉnh Hoà Bình lần thứ VII, năm 2022. Tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX, năm 2022, tỉnh Hòa Bình giành được 1 huy chương vàng, 3 huy chương bạc môn Kéo co và 2 huy chương đồng môn Đẩy gậy. Hướng đến những thành tích ấn tượng hơn nữa tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026, trong năm học 2024-2025, Trường Năng khiếu, Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao tỉnh Hòa Bình mở thêm 1 lớp năng khiếu đẩy gậy - kéo co.

Bên cạnh những thành tích đạt được, song việc giữ gìn, phát triển các môn thể thao dân tộc chưa thực sự đồng đều giữa các địa phương và mới chỉ chú trọng một số môn thể thao thế mạnh… Trước xu thế phát triển của cuộc sống hiện đại, cần hơn nữa sự vào cuộc của toàn xã hội, chung sức gìn giữ, phát triển, không để các môn thể thao dân tộc bị mai một. Từ đó, góp phần giữ vững bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc trong tỉnh Hòa Bình.

Nhật Linh