Chương trình truyền thông về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho nữ vận động viên thu hút hơn 200 vận động viên, huấn luyện viên của các đội tuyển quốc gia nhằm tuyên truyền, nâng cao kiến thức về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và đào tạo nghề cho các nữ vận động viên; Trao đổi, thảo luận các giải pháp hỗ trợ đào tạo nghề cho các nữ vận động viên cũng như cung cấp thông tin về cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2024.
Bà Nguyễn Thị Minh Hương - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - cho biết: “Hoạt động hỗ trợ các nữ vận động viên có thêm kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp như một hành trang sau khi hết thời gian thi đấu chuyên nghiệp. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” của Chính phủ và do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Cục Thể dục Thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Sau thành công của chương trình truyền thông về khởi nghiệp cho nữ vận động viên tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2023, năm nay, Chương trình tiếp tục được tổ chức, hướng tới đối tượng là các nữ vận động viên tại Hà Nội”.
Tại Chương trình, bà Phạm Thi Thanh - đại diện Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - đã chia sẻ với các vận động viên những thông tin về Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2024 với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh”.
Theo số liệu của Cục Thể dục thể thao công bố tại Chương trình giao lưu trực tuyến “Hỗ trợ đào tạo, hướng nghiệp và tạo việc làm cho vận động viên thể thao” tổ chức cuối năm 2020, chỉ có 15-20% các tuyển thủ quốc gia, các vận động viên xuất sắc đã trở thành huấn luyện viên hay giáo viên thể chất sau khi dừng thi đấu thể thao chuyên nghiệp. Tuy nhiên, ước tính có khoảng 60-70% số vận động viên từng là tuyển thủ cấp tỉnh trở lên, có thành tích và đẳng cấp, khi chia tay sự nghiệp thể thao đã bắt đầu làm những công việc không liên quan đến kỹ năng mà họ từng được huấn luyện.
Cuộc thi được tổ chức nhằm tôn vinh các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ có những sáng kiến xuất sắc trong việc cải thiện quy trình sản xuất; hay các dự án, ý tưởng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dịch vụ mới sử dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn; sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, các sản phẩm thân thiện với môi trường... Qua đó, nâng cao nhận thức của phụ nữ về kinh tế xanh, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ phát triển sản phẩm mang thương hiệu Việt, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.
Cuộc thi năm 2024 cũng sẽ là sân chơi kết nối các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các đối tác, các cơ quan hữu quan cùng hỗ trợ, đồng hành với các Dự án khởi nghiệp có khả năng khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số… để hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi sự kinh doanh/khởi nghiệp của phụ nữ trên cả nước, góp phần nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới.
Theo vận động viên Huỳnh Thị Mỹ Tiên (môn Điền kinh) cho biết: “Chương trình đã truyền tiếp cảm hứng về khởi nghiệp cho em và các nữ vận động viên đang có các ý tưởng về kinh doanh. Em hy vọng, sẽ có thêm kinh nghiệm để tiếp tục với chặng đường khởi nghiệp sau này”.
Nằm trong chuỗi các hoạt động thuộc Đề án “Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” (Đề án 939) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017, Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024 sẽ giúp nâng cao nhận thức của phụ nữ về nền kinh tế xanh, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ phát triển sản phẩm mang thương hiệu Việt, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.