Tỉnh Hậu Giang hiện có 149 cơ sở hoạt động, kinh doanh dịch vụ, từng bước giúp Hậu Giang trở thành địa phương có phong trào thể dục, thể thao phát triển tương đối toàn diện. Tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh dịch vụ thể dục, thể thao phân bố chưa đồng đều, chỉ tập trung ở những thành phố, thị xã. Một số địa phương còn gặp khó trong việc kêu gọi nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở kinh doanh dịch vụ thể dục, thể thao.

Hậu Giang đang khuyến khích mỗi xã, phường, thị trấn đều có dịch vụ thể dục, thể thao quần chúng, thể dục, thể thao giải trí đáp ứng nhu cầu và tạo thói quen hoạt động, vận động suốt đời của người dân. Tạo điều kiện tất yếu để người dân có thêm nhiều lựa chọn về nơi rèn luyện, thúc đẩy phong trào tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên.
Theo thống kê từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Hậu Giang có hơn 1.500 sân tập luyện, thi đấu thể thao ngoài trời, nhà tập luyện, nhà thi đấu thể thao, hồ bơi. Nhờ đó, phong trào thể dục, thể thao quần chúng ngày càng phát triển sâu rộng, đa dạng, hệ thống các giải thi đấu, hội thao được đổi mới, nâng lên về quy mô, hình thức, chất lượng, số đơn vị, vận động viên tham dự…
Thể thao mang đến lối sống năng động, lành mạnh, tinh thần phấn khởi để làm việc, học tập hiệu quả. Do đó, từ nguồn xã hội hóa các địa phương quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ thể thao ngoài trời, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho Nhân dân. Các câu lạc bộ đơn môn, đa môn, điểm tập luyện thể dục, thể thao trên địa bàn tỉnh duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả, tạo động lực cho mỗi người dân tự chọn một môn thể thao phù hợp để tập luyện. Đến nay, số người luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên trên địa bàn tỉnh đã đạt hơn 37,85% dân số.
Những kết quả đạt được là tiền đề để thể thao Hậu Giang đặt ra những mục tiêu cần đạt được đến năm 2030 theo kế hoạch triển khai Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị. Theo đó, khuyến khích mỗi xã, phường, thị trấn đều có dịch vụ thể dục, thể thao quần chúng, thể dục, thể thao giải trí đáp ứng nhu cầu giải trí của xã hội và tạo thói quen hoạt động, vận động suốt đời của người dân.
Đến năm 2030, 100% trường học nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018; 100% đơn vị vũ trang đảm bảo phát triển thể dục, thể thao trong lực lượng góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng toàn dân; 100% cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

Phấn đấu đạt chỉ tiêu trên 50% người dân sống trên địa bàn tỉnh tham gia tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên. Tiếp tục duy trì thứ hạng và nâng cao chất lượng các môn thể thao tỉnh đạt thành tích cao trong những năm qua.
Để đạt mục tiêu này, tỉnh Hậu Giang đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, trong đó chú trọng đến việc nâng cao trách nhiệm của tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị và nhân dân đối với phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao. Đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực thể dục, thể thao; Phát triển thể dục, thể thao quần chúng tạo cơ hội cho mọi người được quyền tham gia hoạt động tập luyện, biểu diễn, thi đấu để nâng cao sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh, vui chơi, giải trí.