Ngày hội có sự tham dự của các đồng chí: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Lương Cường; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành, cơ quan Trung ương, thành phố Hà Nội, các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế và đông đảo Nhân dân Thủ đô và du khách.
Mở đầu buổi Lễ, đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành phố Hà Nội do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu thực hiện nghi lễ dâng hương tại Tượng đài Vua Lý Thái Tổ, tưởng nhớ công lao các bậc tiền nhân đã có những đóng góp to lớn đối với đất nước và Thủ đô Hà Nội.
Tiếp đó, Lễ chào cờ đặc biệt được tổ chức với khoảng 10.000 người tham dự, tái hiện lại buổi Lễ chào cờ đầu tiên tại Hà Nội vào ngày 10/10/1954, sau khi Thủ đô được giải phóng.
Tôn vinh và lan tỏa giá trị của văn hóa, hòa bình, sức sáng tạo của con người Thăng Long - Hà Nội
Phát biểu khai mạc Chương trình, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh - Trưởng Ban Tổ chức Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình - nhấn mạnh: Nhân kỷ dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024) và kỷ niệm 25 năm Hà Nội được UNESCO tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, hôm nay, trước Tượng đài Đức vua Lý Thái Tổ, không gian lịch sử văn hóa hồ Gươm, địa danh linh thiêng, trái tim của Thủ đô Hà Nội, nơi ghi dấu truyền thuyết Vua Lê Thái Tổ sau khi đánh thắng giặc ngoại xâm, giành lại độc lập cho dân tộc đã trả gươm thần cho Rùa vàng, như một thông điệp giã từ chiến tranh và khát vọng hòa bình, thành phố Hà Nội long trọng tổ chức “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình”.
Cách đây 1014 năm, vào mùa thu năm 1010, tiếp nối sự nghiệp dựng nước của các Vua Hùng, các bậc tiên liệt, Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn với tầm nhìn chiến lược, đã quyết định dời Đô từ Hoa Lư về Thăng Long, mở ra thời kỳ phát triển huy hoàng của nước Đại Việt. Từ mốc son lịch sử đó đến thời đại Hồ Chí Minh, trải qua hơn một thiên niên kỷ, với bao biến cố thăng trầm, Thăng Long - Hà Nội vẫn trường tồn cùng tuế nguyệt, vững vàng, khí phách hiên ngang, xứng đáng là trái tim của nước Việt Nam độc lập, tự do và hạnh phúc.
Trải qua lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, cùng công cuộc kiến thiết và bảo vệ nền hòa bình, độc lập, tự do của nước nhà, Hà Nội đã được nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế tôn vinh, phong tặng những danh hiệu cao quý như “Thủ đô của lương tri, phẩm giá con người”, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”; được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”.
Nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô, “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” nhằm lan tỏa thông điệp về giá trị của văn hóa, hòa bình và sức sáng tạo của con người Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ. Đặc biệt, sự kiện này thực sự là Ngày hội của người dân Hà Nội vì được thực hiện bởi hàng nghìn quần chúng, nhân dân Thủ đô, cùng tham gia tái hiện những mốc son lịch sử của Thủ đô qua các thời kỳ; giới thiệu, trình diễn các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các lễ hội và các làng nghề tiêu biểu của Thủ đô...
Điểm nhấn ấn tượng là màn thực cảnh tái hiện thời khắc lịch sử trọng đại của Thủ đô và đất nước ngày 10/10/1954, khi đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô trong rợp trời cờ, hoa và niềm hân hoan chiến thắng, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến gian khổ, ác liệt với biết bao hy sinh, mất mát và tinh thần anh dũng, bất khuất của nhân dân ta trước một kẻ thù hùng mạnh, viết nên bản anh hùng ca trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và dân tộc ta.
Bên cạnh đó, “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” còn là dịp để tôn vinh nền văn hiến, bản sắc văn hóa vì hòa bình của Thủ đô Hà Nội, vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi lắng đọng hào khí Thăng Long, hồn thiêng sông núi, nơi kết tinh và tỏa sáng trí tuệ Việt Nam, tỏa sáng lương tri và phẩm giá con người.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định: “Trong thời khắc lịch sử và linh thiêng này, chúng ta cùng thành kính bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với tổ tiên và các thế hệ tiền nhân đã có công khai sáng và dựng xây kinh thành Thăng Long xưa, Hà Nội ngày nay. Chúng ta thành kính tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các nhà cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sỹ, các thế hệ nhân dân, lực lượng vũ trang Hà Nội và cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài đã đóng góp công sức và vật chất trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Thủ đô”.
Thành phố Hà Nội trân trọng cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, kịp thời của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự ủng hộ, giúp đỡ hiệu quả của các địa phương và bạn bè quốc tế trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, đây cũng là dịp để chúng ta tiếp tục khẳng định những phẩm chất cao quý, truyền thống tốt đẹp, văn hiến, anh hùng, hoà bình, hữu nghị của Thủ đô và dân tộc Việt Nam. "Đó là lẽ sống, là đạo đức, là phong cách ứng xử, là truyền thống văn hoá, là khát vọng hoà bình của người dân Hà Nội, của dân tộc Việt Nam. Đó còn là những di sản vô giá của thế hệ ông cha ta để lại, chúng ta trân trọng giữ gìn, phát huy, lan toả và truyền lại cho muôn đời con cháu mai sau".
Hà Nội luôn thể hiện tinh thần kiên cường và tái sinh, tràn đầy sự đổi mới, sáng tạo, hòa nhập và thịnh vượng
Phát biểu tại sự kiện, bà Pauline Tamesis - Điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc, Trưởng đại diện các tổ chức của Liên Hợp quốc tại Việt Nam - khẳng định: Hà Nội, với hơn 1.000 năm văn hóa và lịch sử, luôn thể hiện tinh thần kiên cường và tái sinh. Sau ngày giải phóng lịch sử, lãnh đạo và người dân Thủ đô đã hồi sinh, xây dựng nên một thành phố tràn đầy sự đổi mới, hòa nhập và thịnh vượng. Danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” do UNESCO trao tặng năm 1999 và việc UNESCO công nhận thành phố là Thành phố sáng tạo vào năm 2019 nhấn mạnh nỗ lực của thành phố trong việc tái tạo chính mình qua từng năm.
Bà Pauline Tamesis cũng nhấn mạnh: Liên Hợp quốc luôn duy trì mối quan hệ đối tác lâu dài và hiệu quả với Thủ đô (Hà Nội) và chúng tôi đã đồng hành cùng thành phố trong quá trình chuyển mình ngoạn mục, đặc biệt là kể từ khi Hà Nội được UNESCO công nhận là Thành phố sáng tạo đầu tiên tại Việt Nam. Thành phố đã nỗ lực chung tay bảo tồn cả di sản vật thể và phi vật thể, qua đó nêu bật sự giao thoa giữa lịch sử của Hà Nội với những yếu tố hiện đại và đổi mới sáng tạo. Quyết tâm cao của chính quyền thành phố Hà Nội trong việc tăng cường mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa khu vực công - tư để phát triển nền công nghiệp văn hóa sáng tạo lấy giới trẻ làm nòng cốt. Có thể thấy, thành phố Hà Nội đã xác định rõ văn hóa là một động lực phát triển kinh tế - xã hội quan trọng.
Theo bà Pauline Tamesis, thành phố Hà Nội đã và đang huy động được nguồn lực mạnh mẽ từ thế hệ trẻ tham gia vào quá trình đổi mới sáng tạo, phấn đấu xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố đáng sống hơn cho mọi người dân. Lễ kỷ niệm và Lễ hội văn hóa vì hòa bình diễn ra hôm nay là minh chứng điển hình về sự thành công của Hà Nội trong nỗ lực hiện thực hóa tầm nhìn trở thành Thủ đô văn hóa và sáng tạo của Việt Nam.
Bà Pauline Tamesis khẳng định, Liên Hợp quốc tại Việt Nam nói chung và UNESCO nói riêng, rất vinh dự được hợp tác với Hà Nội để triển khai nhiều dự án và sáng kiến kể từ khi văn phòng UNESCO chính thức được thành lập tại thành phố cách đây 25 năm. Nhờ sự tin tưởng và nỗ lực không ngừng nghỉ, quan hệ hợp tác đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của thành phố.
Hà Nội xúc động và rạng rỡ niềm vui với "Ngày về chiến thắng"
“Không thể nói trời không trong hơn/Và mắt em xanh khác ngày thường/Khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy/Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường” (*). Những câu thơ đầy hân hoan tự hào ấy đã tái hiện lại không khí hào hùng của mùa thu lịch sử năm 1954, khi Hà Nội đón chào đoàn quân chiến thắng trở về.
Trong phần mở đầu, buổi lễ chào cờ đầu tiên tại Hà Nội vào ngày 10/10/1954 sau khi Thủ đô được giải phóng đã được tái hiện đầy xúc động. Trong không khí trang trọng, các đại biểu tham dự hát vang Quốc ca, tạo nên một khoảnh khắc đặc biệt thiêng liêng, thể hiện lòng tự hào dân tộc và khát vọng hòa bình.
Điểm nhấn của sự kiện là màn thực cảnh tái hiện sống động 60 ngày đêm chiến đấu trong lòng Hà Nội - bản hùng ca mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc. Sân khấu chính được dàn dựng công phu, tái hiện hình ảnh đoàn quân tiến về Hà Nội trong thời khắc lịch sử ngày 10/10/1954, khi quân đội Việt Nam tiếp quản Thủ đô, đánh dấu sự kết thúc ách đô hộ thực dân. Khoảnh khắc hào hùng này đã được thể hiện qua những màn biểu diễn thực cảnh quy mô lớn, với sự tham gia của gần 1.000 chiến sĩ cùng 200 nghệ sĩ, diễn viên múa.
Chương trình nghệ thuật được chia làm 3 phần chính: Ký ức Hà Nội; Dòng chảy di sản; và Hà Nội: Thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo. Mỗi phần đều mang một thông điệp riêng, góp phần tạo nên bức tranh toàn cảnh về Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử, từ quá khứ hào hùng đến hiện tại đổi mới và tương lai tươi sáng.
Phần I - Ký ức Hà Nội: Tái hiện lại những thời khắc lịch sử của Hà Nội qua các tiết mục nghệ thuật, đặc biệt là sự kiện đoàn quân chiến thắng tiến vào tiếp quản Thủ đô vào ngày 10/10/1954. Những ca khúc nổi tiếng như “Người Hà Nội” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi và “Tiến về Hà Nội” của Văn Cao sẽ vang lên, gợi nhớ lại những cảm xúc mãnh liệt của nhân dân Thủ đô trong những ngày tháng Mười lịch sử.
Phần II - Dòng chảy di sản: Chương trình giới thiệu các di sản văn hóa của Thủ đô, bao gồm trình diễn di sản văn hóa phi vật thể cùng các loại hình nghệ thuật dân gian như múa sênh tiền, múa Bài Bông, Ải Lao, múa rồng Giảo Long, chèo tàu Tổng Gối.
Phần III - Hà Nội: Thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo: Các màn trình diễn nghệ thuật sẽ tiếp tục giới thiệu về hành trình phát triển của Hà Nội từ một thành phố bị tàn phá bởi chiến tranh trở thành một thành phố vì hòa bình với sức sống mạnh mẽ, hiện đại.
Màn thực cảnh tái hiện lịch sử “Ngày về chiến thắng” đã mang tới cho mỗi người những cảm xúc hùng tráng, đầy thiêng liêng về thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc, khi Thủ đô Hà Nội chính thức được giải phóng - ngày 10/10/1954. Đó là khoảnh khắc không thể nào quên, đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam.
Thăng Long - Hà Nội, nơi lắng hồn dân tộc; nơi hội tụ khí thiêng sông núi; nơi kết tinh và tỏa sáng văn hóa Việt Nam. Từ trung tâm vùng đất thiêng “Núi Tản - Sông Hồng” trở thành Kinh đô với hơn một nghìn năm tuổi. Mảnh đất Thăng Long - Hà Nội còn lưu giữ kho tàng di sản Đồ sộ. Lễ hội tri thức dân gian, di sản truyền khẩu, nghệ thuật trình diễn, những tập quán và những làng nghề, gắn liền với lịch sử văn hóa trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Chính các di sản đó đã tạo nên chiều sâu, bề dày Văn hóa của Thăng Long Hà Nội.
Hơn 8.000 người, bao gồm 5.000 người dân và đại diện các lực lượng từ các quận, huyện, thị xã đã tham gia vào các màn diễu hành, trình diễn các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian, bao gồm những di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO và quốc gia công nhận cùng những nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của Thủ đô. Những loại hình nghệ thuật như ca trù, múa rối nước, hát xẩm… và các di sản tín ngưỡng như tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh, Hai Bà Trưng, Thánh Gióng, đều được trình diễn tại chương trình và đã mang lại cho khán giả một cái nhìn sâu sắc về các giá trị văn hóa trường tồn của Thủ đô Hà Nội.
Chương trình cũng giới thiệu văn hóa ẩm thực và sản phẩm làng nghề truyền thống của Thủ đô như làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc, thêu Quất Động, mây tre đan Phú Vinh…, các món ăn đặc trưng của Hà Nội như cốm Vòng, giò chả Ước Lễ, bánh cuốn Thanh Trì, bún Phú Đô...
Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội là niềm kiêu hãnh của dân tộc, nơi sản sinh và hội tụ của biết bao anh hùng dân tộc và danh nhân văn hóa; nơi minh chứng cho biết bao cuộc chiến đấu và chiến thắng giặc ngoại xâm. Lớp lớp các thế hệ người Hà Nội đã sáng tạo nên một nền văn hiến rực rỡ, những chiến công hiển hách lưu danh muôn đời.
Với các chiến công oanh liệt đó, thể hiện khí phách Hà Nội, càng làm cho Hà Nội tô thắm truyền thống nghìn năm văn hiến, xứng đáng với niềm tin, niềm tự hào của nhân dân cả nước, được bạn bè thế giới mến yêu, khâm phục phong tặng, Hà Nội là “Thủ đô của lương tri, phẩm giá con người”.
Chương trình “Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình” chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng thủ đô kết thúc trong giai điệu tươi vui của ca khúc “Xin chào Hà Nội của tương lai” với thông điệp mạnh mẽ của tinh thần đoàn kết, chung tay vì hòa bình thế giới được kết nối chặt chẽ hơn bởi hơn mười nghìn quân và dân thủ đô cùng bạn bè quốc tế trong Ngày hội hôm nay.
“Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình” không chỉ là dịp để Hà Nội khẳng định vị thế của một thành phố lịch sử, văn hóa mà còn là trung tâm du lịch, kinh tế, chính trị quan trọng của cả nước. Sự kiện cũng là một phần trong chiến lược phát triển các sản phẩm công nghiệp văn hóa, góp phần thúc đẩy du lịch văn hóa và phát triển kinh tế bền vững cho Thủ đô.
Với ý nghĩa to lớn và quy mô hoành tráng, “Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình" là một sự kiện đáng nhớ, mở đầu cho chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, khẳng định nỗ lực không ngừng của Hà Nội trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử và xây dựng một Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, hội nhập quốc tế.
Chương trình “Ngày hội Văn hóa vì Hòa Bình” do Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức, diễn ra tại khu vực tượng đài Vua Lý Thái Tổ và các sân khấu phụ tại Vườn hoa đền Bà Kiệu, Quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục, Nhà hát nghệ thuật đương đại Việt Nam, ngã tư Lê Thái Tổ - Bà Triệu - Tràng Thi - Hàng Khay với khoảng 10.000 người tham gia. Trong đó, có khoảng 700 đại biểu khách mời trong nước và quốc tế; 9.000 người tham gia diễu hành và trình diễn - gồm nghệ nhân và Nhân dân của 30 quận, huyện, thị xã; các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công và các tầng lớp Nhân dân, bạn bè quốc tế.
(*) lời trong ca khúc “Cảm xúc tháng Mười” của nhạc sĩ Nguyễn Thành, thơ Tạ Hữu Yên.