Giải phóng sức sáng tạo, hỗ trợ sự phát triển của các ngành Công nghiệp Văn hóa, tạo động lực cho phát triển bền vững

Kinh nghiệm một số quốc gia tiêu biểu đang dẫn dắt ngành Công nghiệp Văn hóa sáng tạo trên thế giới cho thấy, Chính phủ các nước đều tiến hành các biện pháp, chính sách ở các cấp độ khác nhau để hỗ trợ sự phát triển của các ngành Công nghiệp Văn hóa.

phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-1708327915.jpg
Những không gian trải nghiệm mới góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa. Ảnh: Internet

Báo cáo toàn cầu Công ước 2005: Tái định hình chính sách vì sự sáng tạo được UNESCO công bố tháng 2/2022 cho biết, trước khi đại dịch COVID-19 các ngành Công nghiệp Văn hóa và sáng tạo là một trong những lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới và được dự báo có đóng góp đáng kể cho GDP toàn cầu lên tới 10% vào năm 2030. Bên cạnh việc tạo sinh kế, thu nhập, việc làm, doanh thu, xuất khẩu…, vai trò của văn hóa và các ngành Công nghiệp Văn hóa sáng tạo trong việc nâng cao đời sống tinh thần, sự gắn kết của các cộng đồng trong xã hội ngày càng được ghi nhận rộng rãi.

Năm 2021 được Liên Hợp quốc công bố là Năm Quốc tế và Kinh tế sáng tạo vì sự phát triển bền vững. Hội nghị thế giới về chính sách văn hóa và phát triển bền vững do UNESCO và Chính phủ Mexico đồng tổ chức vào tháng 9/2022, kỷ niệm 40 năm Hội nghị Mondiacult 1982-dấu mốc lịch sử khi UNESCO đưa ra định nghĩa chính thức về “văn hóa”, một lần nữa khẳng định thông điệp mạnh mẽ của Bộ trưởng Văn hóa các nước trên thế giới về vai trò của văn hóa trong tương lai phát triển vững toàn cầu. Xác định văn hóa sáng tạo ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế hậu công nghiệp.

Từ chính sách tạo ra sự tiếp cận văn hóa công bằng cho mọi người

Tham luận với chủ đề "Bài học kinh nghiệm của một số quốc gia trong xây dựng và triển khai chính sách phát triển công nghiệp văn hóa - khuyến nghị và giải pháp cho Việt Nam" của Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa Việt Nam đã cho thấy thực tiễn triển khai của một số quốc gia hàng đầu trong phát triển công nghiệp văn hóa, kinh nghiệm và gợi mở cho Việt Nam nhằm giải phóng sức sáng tạo, phát huy giá trị văn hóa với tư cách là động lực cho sự phát triển bền vững.

Theo đó, kinh nghiệm một số quốc gia tiêu biểu đang dẫn dắt ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo trên thế giới cho thấy, Chính phủ các nước đều tiến hành các biện pháp, chính sách ở các cấp độ khác nhau để hỗ trợ sự phát triển của các ngành Công nghiệp Văn hóa, bao gồm việc xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, cung cấp hỗ trợ tài chính công trực tiếp hoặc gián tiếp cho các thiết chế văn hóa công, các nghệ sỹ, các tổ chức phi chính phủ, huy động nguồn lực và sư tham gia của các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân... trong việc tiếp cận phương tiện sản xuất, phân phối các hoạt động văn hóa, hàng hóa và dịch vụ văn hóa, triển khai các chương trình đào tạo, ươm mầm nghệ sỹ trẻ tài năng, cơ chế bảo vệ bản quyền tác giả...

Từ Pháp - quê hương của khái niệm “chính sách văn hóa” là quốc gia điển hình cho mô hình “kiến trúc sư” với đặc trưng là sự can thiệp của nhà nước thông qua công cụ luật pháp và phân bổ ngân sách nhằm bảo đảm mục tiêu tối thượng là sự tiếp cận văn hóa công bằng cho mọi người. Bộ Văn hóa trực tiếp điều hành các chương trình, hoạt động, cấp kinh phí cho hiệp hội, nghệ sỹ. Cũng tại đất nước này, các ngành công nghiệp văn hóa được hiểu là hệ thống các hoạt động kinh tế kết hợp các chức năng nhận thức, sáng tạo, sản xuất văn hóa một cách công nghiệp ở quy mô lớn, mang tính thương mại hóa sản phẩm văn hóa.

Nước Pháp thực thi chính sách văn hóa thông qua các công cụ pháp lý là luật pháp. Pháp có nhiều bộ luật liên quan đến văn hóa như Luật Di sản, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Điện ảnh và Hoạt hinmhf, Luật Kiến trúc... Đáng chú ý, Bộ Luật về tự do sáng tạo, kiến trức và di sản được ban hành vào 7/7/2016 điều chỉnh nhiều lĩnh vực khác nhau của chính sách văn hóa. Pháp nổi tiếng với Luật về thiết lập một đơn giá cố định đối với sách, sách điện tử nhằm hỗ trợ cộng đồng trong việc tiếp cận với văn hóa đọc và duy trì sự đa dạng trong lĩnh vực sách, bao gồm cả văn học Pháp và văn học nước ngoài. Pháp cũng áp dụng “han ngạch” phát sóng các chương trình bằng tiếng Pháp trên đài phát thanh và truyền hình, các tác phẩm điện ảnh, các biện pháp chống tập trung, cho phép hoặc không cho phép quảng cáo, chống vi phạm bản quyền.

Ở Pháp vẫn đang áp dụng chế độ đặc biệt đảm bảo cho người thất nghiệp là nghệ sỹ, kỹ thuật viên sân khấu (luật ra đời năm 1936). Trong lĩnh vực nghệ thuật thị giác, Pháp tiếp tục duy trì quy định bắt buộc về việc sử dụng các tác phẩm mỹ thuật để trang trí các tòa nhà công cộng thông qua Ủy ban “1% cho Nghệ thuật” được thiết lập từ năm 1951, theo đó, 1% tổng kinh phí xây dựng, phục chế hoặc cải tạo mở rộng bất kỳ công trình công cộng nào cũng phải dảnh để mua các tác phẩm nghệ thuật đương đại.

Đặc biệt, ở Pháp hầu hết các lĩnh vực văn hóa đều có các trung tâm quốc gia, nơi kết nối giữa nhà nước và giới chuyên môn, nơi gặp gỡ giữa các đối tác trong từng lĩnh vực. Ví dụ như: Trung tâm quốc gia về sách, về âm nhạc, về phim và hoạt hình...

Quỹ Sách quốc gia, Quỹ Hỗ trợ ngành Điện ảnh và Phát thanh, Quỹ hỗ trợ cho ca khúc, Âm nhạc Đại chúng và Nhạc Jazz... được Nhà nước thành lập. Các quỹ này hỗ trợ các biện pháp trong các lĩnh vực tương ứng...

Về chính sách thuế, Pháp cũng xây dựng các chính sách thuế đặc biệt cho phép Nhà nước hỗ trợ một số lĩnh vực văn hóa như giảm VAT (đối với sách), giảm thuế đối với các trường hợp đặc biệt và doanh nghiệp thực hiện “các hoạt động phục vụ công chúng về nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc, phim ảnh”. Cơ chế đánh thuế theo vùng các hoạt động sản xuất (phim, trò chơi điện tử và âm nhạc); Chế độ thuế đặc biệt được áp dụng đối với quyền tác giả và quyền liên quan.

Nhà nước can thiệp trực tiếp thông qua việc quản lý của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước và can thiệp gián tiếp như cấp kinh phí cho một số lĩnh vực (vận hành và trang thiết bị), các biện pháp hỗ trợ tài chính, thuế. Mục đích của biện pháp này nhằm khắc phục những khiếm khuyết của thị trường và giúp các chủ thể đang có nguy cơ vượt qua khó khăn về kinh tế.

Theo kinh nghiệm từ nước Anh - nơi phát triển và lan tỏa thuật ngữ “các ngành Công nghiệp Sáng tạo”. Nước Anh có mô hình đầu tư cho văn hóa được cho là thành công với sự kết hợp hài hòa giữa đầu tư công, doanh thu, nguồn tài chính tư nhân và hiến tặng. Chính nguồn lực đa dạng này đã tạo điều kiện để lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật có thể phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy tăng trưởng thông qua đầu tư và các biện pháp ưu đãi.

Đầu tư của nhà nước cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật được thực hiện thông qua Hội đồng Nghệ thuật Anh (AEC). AEC đặt mục tiêu đến năm 2030 nước Anh sẽ trở thành một quốc gia mà sự sáng tạo của mỗi người dân được đánh giá và tạo cơ hội thăng hoa, nơi mỗi người dân có thể tiếp cận với những trải nghiệm văn hóa chất lượng cao. Bên cạnh đó, Chính phủ có nhiều biện pháp ưu đãi để khuyến khích hiến tặng tư nhân, tài trợ của các doanh nghiệp và các nguồn tài trợ khác cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Từ nhiều năm nay, Anh áp dụng chính sách hoàn thuế VAT cho các bảo tàng và phòng trưng bày và miễn thuế cho nhà hát, dàn nhạc giao hưởng trong giai đoạn cụ thể...

Hình thành hệ thống Quỹ đặc biệt cho phát triển văn hóa

Nhìn rộng hơn từ kinh nghiệm của các nước Trung Quốc, Hàn Quốc cho thấy, việc tăng đầu tư cho văn hóa được chú trọng, phát triển công nghiệp văn hóa được đặt trong kế hoạch chung về phát triển kinh tế xã hội; tăng đầu tư hằng năm cho công nghiệp văn hóa với mức độ không thấp hơn tốc độ đầu tư tài chính nói chung. Bên cạnh việc ưu tiên tăng đầu tư tài chính cho công nghiệp văn hóa nói chung, Trung Quốc còn ưu tiên phát triển công nghiệp văn hóa ở các vùng kém phát triển cũng như các khu vực thiểu số. Bên cạnh đó, nước này cũng có chính sách ưu tiên xây dựng các cơ sở thiết chế văn hóa chủ đạo phục vụ Nhân dân. Tập trung xây dựng các dự án văn hóa trọng điểm quốc gia như bảo tàng và nhà hát quốc gia, cơ sở văn hóa công cộng phải được xây ở các địa điểm thuận lợi.

Đồng thời, hình thành hệ thống Quỹ đầu tư với việc thiết lập và hoàn thiện một hệ thống các quỹ đặc biệt từ nguồn ngân sách quốc gia và các quy định mức phí thu cụ thể. Các cơ quan tài chính phải dành ngân sách để lập các quỹ đặc biệt, như “Quỹ đặc biệt xây dựng và tổ chức các chương trình nghệ thuật tiêu biểu”, “Quỹ đặc biệt phát triển phim quốc gia”, “Quỹ đặc biệt quảng bá, giới thiệu hình ảnh”. Quỹ văn hóa không bị tinh giảm tổ chức và nhân sự từ việc cải cách hệ thống...

Kinh nghiệp từ Hàn Quốc cho thấy, đóng góp cho sự nhảy vọt thần kỳ của nền kinh tế Hàn Quốc có vai trò của nền công nghiệp nội dung văn hóa với làn sóng K-Pop, K-drama... xuất khẩu văn hóa ra toàn thế giới. Bên cạnh đó, chính sách phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa được triển khai đồng bộ cùng đầu tư của Chính phủ vào các ngành chiến lược khác như Công nghệ Thông tin và ruyền thông, hướng nền công nghiệp này theo hướng “xuất khẩu” các sản phẩm văn hóa mang thương hiệu Hàn Quốc ra thế giới.

Hàn Quốc cũng đã thay đổi về cơ chế đầu tư tài chính cho văn hóa. Một trong những thay đổi cơ bản nhất đó là chuyển hướng tài trợ, từ tài trợ cho “bên cung” sang hỗ trợ cho “bên cầu”. Nói cách khác, trước đây, các trợ cấp của Chính phủ chủ yếu dành cho các tổ chức nghệ thuật và nghệ sỹ, nhằm vào quá trình sáng tạo và biểu diễn nghệ thuật. Ngày nay Chính phủ quan tâm và tập trung nhiều hơn vào khán giả là những ngưởi thưởng thức/tiêu thụ văn hóa. Hướng trọng tâm ưu tiên vào khán giả cũng khẳng định hướng tiếp cận đảm bảo phúc lợi xã hội của Chính phủ Hàn Quốc, trong đó nhấn mạnh vào sự hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của mọi người dân.

ha-noi-cong-nghiep-van-hoa-1708327942.jpg
Hà Nội là một trong những thành phố tích cực thúc đầy phát triển công nghiệp văn hóa. Ảnh: Internet

Để phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa thành công, cần có sự gắn kết giữa chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa, Công nghiệp Sáng tạo với các chiến lược khác có liên quan, trở thành một bộ phận trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, gắn kết và có tương hỗ với các chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiến lược đào tạo nghề... Bên cạnh đó, cần có kết nối toàn cầu, chủ động hội nhập quốc tế, liên kết quốc tế, rỡ bỏ các rào cản với thương mại tự do, tăng cường sức mạnh mềm văn hóa, mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa, dịch vụ văn hóa...; Đẩy mạnh chuyển đổi số và số hóa trong lĩnh vực văn hóa, khai thác các cơ hội của thương mại điện tử, kinh tế số, phát triển triển xã hội số.

Và tthay vì quan niệm đơn thuần chính sách văn hóa chỉ là chính sách tài trợ cho nghệ thuật, lấy nghệ sỹ - người sáng tạo làm trung tâm thì chính sách văn hóa thời đại ngày nay hướng đến công chúng, quan tâm đến thị hiếu của công chúng, đặt trọng tâm vào các loại hình văn hóa, nghệ thuật hiện đại, cần tập trung vào các khâu phân phối, phát hành, tiêu thụ...

T.H