Giải pháp bảo vệ di sản Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Bắt đầu từ ý tưởng xây dựng một câu lạc bộ gắn liền với việc bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường trong Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, thời gian qua, câu lạc bộ bảo tồn thiên nhiên các xã vùng đệm đã triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ rừng. Đây được coi là giải pháp bền vững nhất để bảo tồn di sản.

Thay đổi nhận thức sẽ thay đổi hành động. Một trong những định hướng chủ yếu về chiến lược bảo tồn Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là thiết lập mạng lưới thông tin ở cơ sở, góp phần phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên. Phương châm đặt ra là thay đổi nhận thức trước thì sẽ thay đổi được hành động. 

tuyen-truyen3-1651892708.jpg
Cán bộ tuyên truyền, hướng dẫn bà con bảo vệ rừng

Theo phương châm đó, câu lạc bộ đã tăng cường việc tuyên truyền phổ biến kiến thức về quản lý bảo vệ rừng, về giá trị của rừng Phong Nha - Kẻ Bàng đến từng người dân. Đến nay, câu lạc bộ bảo tồn thiên nhiên các xã vùng đệm đã tổ chức 200 cuộc tuyên truyền và triển khai đào tạo kỹ năng tuyên truyền cho 150 thành viên, đó là những đoàn viên thanh niên của 5 xã (Sơn Trạch, Xuân Trạch, Phúc Trạch, Hưng Trạch và Thượng Hóa). Các hoạt động chủ yếu của câu lạc bộ là tổ chức truyền tải thông tin về bảo tồn thiên nhiên cho các thành viên; tổ chức các buổi tuyên truyền về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, lồng ghép các buổi ngoại khóa để các thành viên được tận mắt chứng kiến sự đa dạng sinh thái của vườn và những tác động xấu của con người ảnh hưởng như thế nào đến việc phát triển rừng. Khi các thành viên trong câu lạc bộ có đầy đủ kiến thức sẽ truyền đạt cho bà con trên địa bàn mình phụ trách những thông tin về vườn, những lợi ích trong việc bảo tồn Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Ngoài những hoạt động trên, CLB còn tham gia hưởng ứng các ngày lễ hàng năm như: Ngày môi trường thế giới 5/6, Ngày lâm nghiệp Việt Nam 28/11, cùng với các tổ chức đơn vị trên địa bàn, các hoạt động chủ yếu là tham gia mít tinh, cổ động tuyên truyền, thu gom rác thải. Câu lạc bộ đã đề xuất với Trung tâm giáo dục thiên nhiên xin tài trợ kinh phí từ chương trình "Hành trình xanh", xuất bản 1.000 ấn phẩm "Tiếng gọi thiên nhiên" để cung cấp thông tin cho thành viên câu lạc bộ và cộng đồng.

Cầu nối giữa rừng với dân Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng nằm giữa 5 xã. Người dân các xã này làm nông nghiệp rất khó khăn bởi địa hình đồi núi. Rừng di sản trước đây vốn là nguồn sống của họ. Bởi vậy, để cuộc sống của họ không bị ảnh hưởng, mà rừng di sản cũng được bảo tồn, thì cần một giải pháp mang tính toàn diện và bền vững. Và câu lạc bộ sẽ đóng vai trò làm cầu nối giữa rừng với người dân. Các mô hình phát triển kinh tế đã lần lượt được các thành viên câu lạc bộ truyền đạt đến người dân. Thấy được lợi ích đó, hàng trăm hộ dân ở các xã này đã hào hứng tham gia những mô hình về chăn nuôi gà, chăn nuôi lợn siêu nạc và sinh sản, trồng nấm rơm trồng rau an toàn, xây dựng mô hình rừng mô phỏng tại hộ gia đình, trồng một số loài cây lâm nghiệp như lát hoa, gió trầm, huê mộc và các cây ăn quả dài ngày...

Đến nay, các mô hình trồng rừng của bà con đã thu được nhiều kết quả tốt. Điển hình như mô hình trồng keo, tràm của các hộ dân Nguyễn Minh Trong, Lê Thanh Thởi, Nguyễn Văn Lĩnh ở xã Xuân Trạch, mỗi hộ đều trồng 6-7ha. Hay mô hình trồng hoa lan của ông Nguyễn Văn Nghĩa ở xã Sơn Trạch, thu nhập từ 1000 giỏ lan đã làm cho kinh tế gia đình ông thay đổi rõ rệt. Anh Nguyễn Thanh Long, Bí thư Xã đoàn Xuân Trạch cho biết: “Xã Xuân Trạch có 30 thành viên tự nguyện tham gia câu lạc bộ. Công việc chính của những thành viên này là cùng nhau đi vận động, tuyên truyền cho bà con hiểu và nhận thức rõ hơn về tác hại của việc phá rừng. Nhiều bà con ở vùng sâu vùng xa, ít tiếp cận được với sách báo và truyền thông nên không hiểu hết được tác hại của những việc làm mà họ thường xuyên gây ra. Khi được chúng tôi giải thích cặn kẽ, rõ ràng, họ đã dần hiểu hơn về những công việc mà họ cho là bình thường lại có tác động xấu đến thiên nhiên như vậy. Họ nói sẽ không phá rừng, không săn bắt thú nữa”. 

Thực tế cho thấy, câu lạc bộ bảo tồn thiên nhiên hoạt động khá hiệu quả bởi sự tương tác lợi ích giữa 2 bên. Thông qua câu lạc bộ, vườn có thể truyền tải đến bà con những thông điệp, kiến thức về công tác bảo vệ rừng. Đồng thời thông qua câu lạc bộ, địa phương được tiếp cận những kiến thức bổ ích về rừng, biết thêm những khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế. Hiện nay, câu lạc bộ chính là cầu nối giữa vườn và địa phương.

Lan Phương