Cuộc đua giành tấm huy chương vàng nội dung 100m nữ chứng kiến bộ ba tuyển thủ quốc gia: Trần Thị Nhi Yến, Hà Thị Thu và Phùng Thị Huệ cạnh tranh quyết liệt. Dù vậy, Trần Thị Nhi Yến (Long An) vẫn chứng tỏ đẳng cấp khi về nhất với thành tích 11 giây 85. Kết quả này thấp hơn so với thành tích khi cô dự Olympic Paris 2024 (11 giây 79).

Trần Thị Nhi Yến chia sẻ sau khi về đích: “Đây là giải đấu khởi động đầu năm giúp vận động viên bắt nhịp trạng thái thi đấu, tôi cũng chỉ vừa trở lại sau chấn thương do đó đã xác định sẵn thời gian hoàn thành cự ly không thể là tốt nhất. Thay vì tập trung vào tốc độ, tôi tập trung vào sức bền và tìm lại cảm giác thi đấu. Lúc này tôi đã hoàn toàn bình phục chấn thương và có thể tập luyện các bài tập nặng. Cúp tốc độ sẽ là thước đo để đối chiếu, giúp tôi có sự chuẩn bị tốt hơn cho giải Điền kinh vô địch châu Á diễn ra vào tháng 5”.
Sau khi giành tấm huy chương vàng ở cự ly 100m, chiều cùng ngày,Trần Thị Nhi Yến bước vào tranh tài chung kết cự ly 200m với mục tiêu hoàn tất cú đúp huy chương vàng.
Bất ngờ xảy ra khi Trần Thị Nhi Yến chỉ về nhì sau Hoàng Thị Ánh Thục. Thành tích của Nhi Yến là 24 giây 18 trong khi thành tích của Ánh Thục là 24 giây 176.

Hoàng Thị Ánh Thục sinh năm 2005 tại xã Phan Điền - huyện Bắc Bình - tỉnh Bình Thuận từng ghi dấu ấn với tấm huy chương vàng cự ly 400m tại giải U18 châu Á năm 2022. Đến năm 2023, Ánh Thục được tham dự giải vô địch châu Á ở nội dung sở trường 400m. Ở Cúp Tốc độ Thống Nhất lần này, Ánh Thục không tranh tài cự ly sở trường 400m mà thi đấu cự ly 200m và tạo ra cú sốc khi đánh bại hàng loạt gương mặt sáng giá ở cự ly này là Trần Thị Nhi Yến, Hà Thị Thu.
Như vậy, trở lại sau hơn 6 tháng rời xa đường chạy vị chấn thương, Nhi Yến có 1 huy chương vàng 100m nữ và 1 huy chương bạc 400m nữ ở Cúp Tốc độ năm nay.
Trên đường chạy 100m nam, Lương Văn Thao (Thanh Hóa) - cựu tuyển thủ quốc gia - đã khiến giới chuyên môn và người hâm mộ bất ngờ khi giành 2 tấm huy chương ở các nội dung chạy ngắn, dù đã bước qua tuổi 30.

Ở chung kết 100m nam, Lương Văn Thao xuất sắc cán đích đầu tiên với thành tích 10 giây 86, vượt qua nhiều đàn em trẻ tuổi, trong đó có Vũ Lâm (sinh năm 2005), người kém anh tới 10 tuổi. Đặng Hoàng Ánh (Công an nhân dân) và Nguyễn Đăng Khoa (thành phố Hồ Chí Minh) lần lượt về thứ nhì và ba với thành tích 10 giây 95 và 11 giây 02.
Trước đó, ở vòng loại diễn ra chiều 16/4 Lương Văn Thao đạt thành tích 10 giây 88, chỉ xếp sau Thái Sơn (10 giây 80) trong số 18 vận động viên tham dự.
Lương Văn Thao từng là thành viên chủ chốt của đội tuyển quốc gia, góp phần giành huy chương vàng nội dung tiếp sức 4x400m nam tại SEA Games 30 năm 2019 với thành tích 3 phút 08 giây 07 cùng các đồng đội Quách Công Lịch, Trần Đình Sơn và Trần Nhật Hoàng.

Sau khi chia tay đội tuyển quốc gia, trở về địa phương, anh tiếp tục tập luyện và thi đấu, đồng thời chuẩn bị cho công tác huấn luyện. Thành tích tại Cúp Tốc độ 2025 cho thấy sự bền bỉ và tinh thần đáng khen ngợi.
Sau tấm huy chương vàng cự ly 400m, Quách Thị Lan đã tiếp tục khẳng định vị thế số 1 ở cự ly sở trường khi giành tấm huy chương vàng ở cự ly 400m rào với thành tích 59 giây 38. Tại SEA Games 33 vào tháng 12 tới, Quách Thị Lan là chủ lực của điền kinh nữ Việt Nam ở các nội dung 400m, 400m rào, tiếp sức 4x400m.
Sau giải này, các chân chạy nước nhà sẽ chuẩn bị cho giải vô địch Điền kinh quốc gia 2025 diễn ra vào giữa năm nay tại Quảng Nam.