Gia tăng giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ góp phần phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa Việt Nam

Thủ công mỹ nghệ được xem là một ngành có tiềm năng phát triển, đóng góp cho nền kinh tế và việc giữ gìn và phát triển các nghề thủ công truyền thống cũng giúp thúc đẩy du lịch và quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa đến với thế giới. 

Thời gian qua, ngành Công nghiệp Văn hóa tại Việt Nam đang trờ thành một trong những lực lượng chủ động, có tốc độ tăng trưởng nhanh và đóng góp ngày càng quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.

Các ngành như Điện ảnh, Âm nhạc, Thủ công mỹ nghệ, Du lịch và Văn hóa đều đã và đang phát triển mạnh mẽ, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế của đất nước. Tầm quan trọng của sự phát triển trong các ngành Công nghiệp Văn hóa tại Việt Nam không chỉ giới hạn ở khía cạnh kinh tế mà còn liên quan mật thiết đến việc tạo ra giá trị gia tăng và thu nhập cho xã hội, đồng thời góp phần vào việc nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng.

thu-cong-my-nghe-1708337733.jpg
Ngành Thủ công mỹ nghệ rất nhiều tiềm năng phát triển. Ảnh: Internet

Nhiều tiềm năng phát triển

Với xuất phát điểm là những công việc phụ trợ lúc nông nhàn, tranh thủ kiếm thêm thu nhập, ngành Thủ công mỹ nghệ đã trở thành một trong những ngành nghề có đóng góp vào việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa truyền thống, giúp duy trì những giá trị văn hóa đặc trưng của vùng miền, quốc gia. Các nghệ nhân, làng nghề thủ công mỹ nghệ không ngừng tiếp nối, truyền nghề cho các thế hệ sau mà còn bảo tồn, gìn giữ và phát triển nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống của dân tộc, tiêu biểu như thêu, gốm sứ, kim hoàn, sơn mài, khàm trai, trạm bạc, điêu khắc gỗ, đúc đồng, tranh Đông Hồ...

Do đó, ngành Thủ công mỹ nghệ được xem là một ngành có tiềm năng phát triển, đóng góp cho nền kinh tế và việc giữ gìn và phát triển các nghề thủ công truyền thống cũng giúp thúc đẩy du lịch và quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa đến với thế giới. 

Theo thống kê của Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ tại Việt Nam, cứ 1 triệu USD xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ thì mang lại lợi nhuận gấp 5-10 lần so với ngành khai thác; giải quyết việc làm từ 3-5 nghìn lao động, do đó nhóm ngành nghề này được xếp vào nhóm có tiềm năng xuất khẩu lớn và có tỉ suất lợi nhuận cao.

Chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng đã xác định thủ công mỹ nghệ là một trong 12 ngành Công nghiệp Văn hóa mà Việt Nam cần ưu tiên phát triển. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thủ công mỹ nghệ Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để được kỳ vọng là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy các ngành Công nghiệp Văn hóa khác phát triển.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, quy mô của ngành Công nghiệp Văn hóa trong thời gian qua có chiều hướng tăng lên, cơ cấu công nghiệp đã bắt đầu được định hình rõ nét. Các sản phẩm, dịch vụ văn hóa ngày càng đa dạng, phong phú, có chất lượng cao. Sự tiêu dùng văn hóa của Nhân dân ngày càng đa dạng, mở ra thị trường tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp văn hóa ngày càng rộng lớn, nhiều tiềm năng.

Nhiều sản phẩm đã có thị trường xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị của ngành và đẩy mạnh quảng bá hình ảnh văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Trong đó có nhiều sản phẩm thuộc ngành Thủ công mỹ nghệ. Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành hàng thủ công mỹ nghệ luôn nằm trong tốp 10 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu hàng năm gần 2 tỷ USD, chiếm gần 10% nhu cầu của thị trường toàn cầu. Đây là một điểm mạnh của hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu nước ta. Có rất nhiều nhóm sản phẩm được đánh giá cao trên thị trường quốc tế như hàng mây tre đan, các sản phẩm sơn mài, các sản phẩm từ lụa...

Hiện nay, các sản phẩm thủ công của Việt Nam được xuất khẩu tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hoa Kỳ là một trong những thị trường tiêu thụ lớn nhất của Việt Nam với doanh số chiếm 35% kim ngạch xuất khẩu hằng năm. Bên cạnh đó là các thị trường Nhật Bản, Liên minh châu Âu (đặc biệt là Đức, Anh, Pháp, Hà Lan), Australia, Hàn Quốc... Đối với khu vực châu Á, Việt Nam đứng thứ hai trong số các quốc gia xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, chỉ sau Trung Quốc. Bên cạnh đó, các làng nghề thủ công, đặc biệt là ở Hà Nội và TP.HCM đã trở thành những điểm du lịch nổi tiếng, góp phần làm tăng số lượng khách quốc tế đến Việt Nam hằng năm, qua đó tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm, giá trị văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội và điều kiện thuận lợi, trước tình hình mới với sự thay đổi của nhu cầu và cơ chế thị trường, ngành Thủ công mỹ nghệ cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức... Một trong những khó khăn lớn nhất đó là mẫu thiết kế. Hệ thống sản phẩm thủ công mỹ nghệ còn nghèo nàn, mẫu mã thiếu tính độc đáo, chất lượng và hình thức chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có... Hàm lượng ứng dụng khoa học - công nghệ vào phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ còn thấp, kỹ thuật cao còn hạn chế.... Vai trò của xây dựng, phát triển thương hiệu cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ còn chưa được quan tâm đúng mức, công tác giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại còn yếu kém...

lam-gom-1708337814.jpg
Một công đoạn trong quá trình chế tác sản phẩm gốm. Ảnh: Internet

Nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm

Đề cập đến giải pháp phát triển ngành Thủ công mỹ nghệ trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, Bộ Công thương cho rằng trước hết cần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, địa phương và toàn xã hội về vai trò của ngành Thủ công mỹ nghệ trong phát triển công nghiệp văn hóa. Nhận diện và xác định đây là một trong những ngành Công nghiệp Văn hóa mũi nhọn để đầu tư xây dựng, phát triển các sản phẩm, thị trường liên quan. Hỗ trợ hình thành các làng nghề, liên minh các làng nghề chủ chốt, có tiềm lực mạnh, đủ khả năng tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh cao, góp phần nâng cao sức mạnh tổng thể và khả năng cạnh tranh quốc tế của toàn ngành Công nghiệp Văn hóa nước nhà,

Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực sản xuất và sáng tạo các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới, đa dạng, phong phú, có chất lượng cao đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của cả thị trường trong nước và quốc tế. Tạo điều kiện các làng nghề, các tổ chức văn hóa - nghệ thuật phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc vào xây dựng, phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị vào sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chất lượng cao.

Chú trọng đảm bảo đầu ra cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sản phẩm công nghiệp văn hóa Việt Nam ra thị trường quốc tế. Tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động hỗ trợ, phát triển sản phẩm, thị trường thủ công mỹ nghệ, gắn với các chương trình quốc gia nhằm nâng cao thương hiệu, quảng bá sản phẩm ở thị trường trong mước và quốc tế. Phát huy vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin, các sàn thương mại điện tử trong phát triển thị trường sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

T.H