Đội tuyển Việt Nam: Những câu chuyện từ phía sau

Đội tuyển Việt Nam đang phải đương đầu với cuộc khủng hoảng nhân sự, đặc biệt nơi hàng phòng ngự, với các ca chấn thương của Duy Mạnh, Văn Hậu và Quế Ngọc Hải. Tuy nhiên, một vấn đề khác cũng đến từ phía sau còn nan giải hơn đối với huấn luyện viên Philippe Troussier.

Từ ngày 6/11, đội tuyển Việt Nam bắt đầu hội quân để chuẩn bị cho Vòng loại thứ hai World Cup 2026 khu vực châu Á. Theo lịch thi đấu, thầy trò huấn luyện viên Troussier sẽ làm khách của đội tuyển Philippines trong trận mở màn vào ngày 16/11. Đội chủ nhà đã chọn thi đấu trên sân cỏ nhân tạo và sẽ gây ra ít nhiều bất lợi cho “Những chiến binh sao vàng”. Tiếp đến, đội tuyển Việt Nam sẽ trở về Mỹ Đình để tiếp đón đội tuyển Iraq vào ngày 21/11, đội bóng xét trên “lý thuyết” được đánh giá mạnh nhất bảng F, khi đứng thứ 68 trên Bảng xếp hạng FIFA (theo bản cập nhật tháng 10/2023). Tuy nhiên, trước khi bước vào những cuộc đương đầu với đối thủ trước mắt, huấn luyện viên Troussier cần giải quyết nhiều bài toán.

15865665c8-1699590594.jpg
Huấn luyện viên Troussier cần giải quyết nhiều bài toán của đội tuyển trong 2 trận đấu tới

Bão chấn thương hoành hành hàng thủ

Trước nhất là cuộc khủng hoảng nhân sự nơi hàng phòng ngự. Ngay ngày đầu tiên tập trung đội tuyển Việt Nam, vị chiến lược gia người Pháp đã phải triệu tập bổ sung trung vệ Bùi Tiến Dũng (Viettel) thay cho Đỗ Duy Mạnh. Trung vệ thuộc biên chế Hà Nội FC bị tai nạn giao thông và cần ít nhất 2 tuần để bình phục chấn thương. Đó là tổn thất nằm ngoài mọi toan tính và chẳng dễ gì khỏa lấp. Cần nhấn mạnh, Duy Mạnh là trung vệ được huấn luyện viên Troussier trọng dụng nhất.

Từ khi dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, ông thầy người Pháp đã trải qua 6 trận giao hữu và bất luận tính chất trận đấu thế nào, Duy Mạnh là cái tên hiếm hoi luôn có tên trong đội hình xuất phát. Vị trí lệch phải trong hệ thống 3 trung vệ hầu như được “quy hoạch” cho cầu thủ 27 tuổi này. Bên cạnh năng lực, hình thể (cao 1m80) kinh nghiệm, Duy Mạnh rất phù hợp với triết lý kiểm soát huấn luyện viên Troussier đang áp dụng.

Tuy cũng là sơ đồ 3 trung vệ, nhưng cách vận hành hệ thống dựa trên triết lý kiểm soát và phòng ngự như thời huấn luyện viên Park Hang-Seo rất khác nhau. Trước đây, các trung vệ chủ yếu tập trung khâu phòng ngự, đó là tranh chấp, đánh chặn, bọc lót... Bây giờ, các trung vệ phải tham gia nhiều hơn vào khâu triển khai, đó là giữ bóng, chuyền bóng, di chuyển... Vốn xuất thân là tiền vệ, thế nên khả năng chơi chân của Duy Mạnh cũng rất ấn tượng. Đó là lý do vì sao anh được huấn luyện viên Troussier trọng dụng.

Ngoài Duy Mạnh, Đoàn Văn Hậu là tổn thất lớn khác của hàng thủ đội tuyển Việt Nam. Cầu thủ đang khoác áo Công an Hà Nội có thể đảm đương được cả hai vị trí trung vệ lệch trái và hậu vệ cánh trái. So sánh trong khu vực, không nhiều cầu thủ phòng ngự có được đẳng cấp lẫn sự toàn diện như Văn Hậu. Tại tuyển Việt Nam dưới thời huấn luyện viên Park Hang Seo, cầu thủ sinh năm 1999 này không thi đấu ở vị trí nào, vị trí ấy sẽ phát sinh vấn đề trong hệ thống phòng ngự. Tuy chưa có cơ hội thi đấu dưới thời huấn luyện viên Troussier, nhưng điều dễ nhận ra là 2 vị trí Văn Hậu có thể đảm đương chính là 2 vị trí khiến ông thầy người Pháp đau đầu nhất ở hàng hậu vệ.

Bên cạnh 2 sự vắng mặt chắc chắn vừa nêu, khả năng ra sân của Quế Ngọc Hải, cầu thủ có thể ví là đầu lĩnh của hàng phòng ngự đội tuyển Việt Nam cũng để ngỏ. Ngọc Hải bị rách bắp chân sau trận giao hữu với đội tuyển Trung Quốc vào ngày 10/10 và vắng mặt từ đó đến nay. Mặc dù vẫn được huấn luyện viên Troussier triệu tập, nhưng những cập nhật mới nhất cho thấy trung vệ kỳ cựu này vẫn phải tập riêng. Nếu chạy đua kịp với thời gian, Ngọc Hải có thể trở lại từ trận gặp Philippines, nhưng khó lòng đảm bảo thể lực sung mãn nhất chứ chưa nói đến thi đấu với phong độ cao nhất.

Câu chuyện kế thừa và "Cầu thủ thứ 12"

Bài toán khó về mặt nhân sự nơi hàng phòng ngự vẫn buộc huấn lyện viên Troussier phải tìm lời giải. Xử lý như thế nào chính là trách nhiệm của người dẫn dắt đội tuyển Việt Nam. Mỗi nhà cầm quân đều có triết lý riêng, từ triết lý xây dựng hệ thống chiến thuật riêng, và từ hệ thống chiến thuật phát triển kế hoạch nhân sự riêng. Dẫu cho chia sẻ chung một triết lý song chỉ cần đến chiến lược, từng huấn lyện viên đã rất khác nhau chứ đừng nói đến vấn đề tuyển chọn con người. Thế nên, thật hết sức vô lý khi bài bác, chỉ trích, thậm chí bôi nhọ một vị huấn lyện viên trưởng đội tuyển quốc gia chỉ vì không “kế thừa di sản” của người tiền nhiệm, đề tài đang được tranh cãi trên nhiều diễn đàn. “Di sản” về mặt con người trong bóng đá thực khó kế thừa. Đơn giản tuổi thọ nghề nghiệp cầu thủ chừng 10 năm, độ tuổi phong độ đỉnh cao khoảng 5 năm, nếu gặp biến cố về thể trạng thì sự nghiệp càng qua đi chóng vánh hơn.

Bất luận theo dõi trọn vẹn các trận đấu của đội tuyển quốc gia, không một “huấn lyện viên online” nào đủ dữ kiện để đánh giá các cầu thủ bằng huấn luyện viên Troussier, người đã trải qua 9 tháng lăn lộn, nghiên cứu, sàng lọc, thử nghiệm, đào luyện các cấp đội tuyển Việt Nam. Đó là chưa kể đến kiến thức chuyên môn lẫn kinh nghiệm trận mạc của nhà cầm quân lão luyện. Đơn giản, hãy để chuyên gia làm việc của chuyên gia. Giá trị của người hâm mộ nằm ở sự cổ vũ để các cầu thủ tự tin và máu lửa hơn trên sân cỏ. Không phải ngẫu nhiên cổ động viên đến sân được gọi là “Cầu thủ thứ 12” chứ không phải ai khác. Thế nên, mất “Cầu thủ thứ 12” cũng giống như chơi thiếu người trước đối thủ. Khó khăn càng chồng chất khó khăn.

Tất nhiên, khán giả có quyền chê bai, thậm chí chỉ trích, nếu đội bóng thi đấu bệ rạc, các cầu thủ thiếu tinh thần chiến đấu vì màu cờ sắc áo. Hiện tượng ấy thực tế chưa hề xảy ra tại đội tuyển Việt Nam. Nhưng hiện tượng đã và đang xảy ra là có một bộ phận tự nhận người hâm mộ bóng đá nhưng lại chưa từng bỏ một đồng cho nền bóng đá nước nhà. Lúc đội tuyển thành công, họ vẫn ăn mừng tưng bừng. Nhưng lúc đội tuyển gặp khó khăn, họ quay lưng. Vấn đề này, huấn lyện viên Troussier hay bất cứ nhà cầm quân nào, dù tài ba tới đâu cũng không giải quyết được!

baovanhoa.vn