Huấn luyện viên Mai Đức Chung thuộc thế hệ kỳ cựu, có nhiều năm gắn bó với đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam cho biết: “Tôi rất vui vì được VFF tin tưởng, nhưng cũng nhận thấy đây là nhiệm vụ rất nặng nề. Đúng 1 năm nữa, đội tuyển nữ sẽ tham dự World Cup lần đầu tiên. Ở khu vực Đông Nam Á, các nước bắt đầu đầu tư mạnh mẽ cho bóng đá nữ. Thấy rõ nhất là Philipines, đang tiến bộ rất nhanh nhờ tập hợp những cầu thủ ở nước ngoài về thi đấu cho đội tuyển. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, bóng đá nữ Việt Nam có đặc điểm riêng, cần đầu tư mạnh mẽ cho đào tạo trẻ trong nước, học tập bóng đá nữ Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc…”.
Năm nay đã bước qua tuổi 72, mặc dù đã hơn một lần bầy tỏ ý định xin nghỉ, để trao cơ hội cho những huấn luyện viên trẻ, nhưng rõ ràng ở thời điểm hiện tại khó ai có thể thay thế vị trí “thuyền trưởng” của huấn luyện viên Mai Đức Chung. Với kinh nghiệm phong phú, sự thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc với các cầu thủ bóng đá nữ cùng tầm ảnh hưởng qua nhiều thế hệ cầu thủ, ông Chung vẫn được coi là sự lựa chọn tốt nhất trong vai trò dẫn dắt đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam.
Từng dành được rất nhiều danh hiệu cùng đội tuyển nữ Việt Nam cả ở khu vực Đông Nam Á và sân chơi châu Á, nhưng sau thất bại trước đội nữ Philippines tại vòng bán kết giải vô địch Đông Nam Á - AFF Cup 2022, ông Chung thẳng thắn thừa nhận, đội tuyển nữ Việt Nam đã thua một cách toàn diện. Thực tế, lứa cầu thủ kỳ cựu của đội tuyển nữ Việt Nam như Tuyết Dung, Thùy Trang, Huỳnh Như, Kim Thanh… sau nhiều năm liên tục thi đấu, cống hiến cho đội tuyển, đã qua thời kỳ đỉnh cao phong độ, trong khi những cầu thủ trẻ chưa đủ sức hay thế các đàn chị.
Thực tế, không chỉ huấn luyện viên Mai Đức Chung mà cả VFF cũng nhận thấy sự chững lại của đội tuyển nữ Việt Nam sau nhiều năm giữ vị trí số 1 Đông Nam Á. Trong khi Philippines, Thái Lan, Myanmar và gần đây còn có cả Indonesia… đã có chiến lược đầu tư rất mạnh mẽ và bài bản cho bóng đá nữ, thì bóng đá nữ Việt Nam nhiều năm qua chỉ trông mong vào năm, bảy câu lạc bộ. Chẳng nói đâu xa, giải vô địch bóng đá nữ quốc gia năm nay vừa bốc thăm, xếp lịch thi đấu cũng chỉ có 7 đội bóng tham dự, trong đó riêng Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội có hai đội, tranh chức vô địch cùng Phong Phú Hà Nam, Than Khoáng sản Việt Nam và Thái Nguyên T&T. Sơn La thậm chí còn không có đủ quân để đăng ký vì nhiều cầu thủ nữ gặp khó khăn, đã treo giày đi tìm công việc khác.
Ông Chung rất muốn bổ sung nguồn lực cho đội tuyển nữ từ những cầu thủ Việt kiều đang thi đấu ở các câu lạc bộ tại Australia, Mỹ và các nước châu Âu, nhưng thật khó có thể làm theo cách của Philippines khi thủ tục đưa các cầu thủ gốc Việt về khoác áo đội tuyển nữ Việt Nam còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Quỹ thời gian từ giờ đến World Cup 2022 không nhiều và với những gì đang có, để làm mới đội tuyển nữ một cách toàn diện là điều bất khả thi. Thực ra, trong số các tuyển thủ nữ U18 Việt Nam vừa thi đấu tại giải U18 Đông Nam Á cũng có vài gương mặt tiềm năng, có thể gọi lên tuyển như Minh Chuyên, Lưu Hoàng Anh hay các trung vệ như Bảo Trâm, Linh Trang, Thanh Thảo… nhưng đấy chỉ là “của để dành”, cần phải có thêm thời gian để đạt độ chín.
Hành trình đến World Cup 2023 vốn đã rất gian nan và thực tế đội tuyển Việt Nam sau nhiều lần lỡ hẹn cũng phải chờ vào tấm vé vớt để trở thành đội bóng cuối cùng ở khu vực châu Á góp mặt tại Australia và New Zealand mùa thu tới. Trận giao hữu gần nhất với đội tuyển Pháp, thầy trò huấn luyện viên Mai Đức Chung bị thủng lưới tới 7 lần. Ở sân chơi World Cup còn nhiều đối thủ đẳng cấp và mạnh hơn Pháp, to khỏe hơn cả Philippines, Australia… nên cơ hội cạnh tranh là rất nhỏ nhoi.
Tuổi “bố” Chung, ở V-League hiện chỉ còn “bố già” người Serbia, Ljupko Petrovic vẫn trụ được ở câu lạc bộ Thanh Hóa. Xem ra, ông Chung vẫn còn nhiều cơ duyên với bóng đá nữ sau hơn 30 năm đồng hành với những niềm vui, hạnh phúc và cả những trăn trở, lo toan cho các cầu thủ nữ.