Đề án nhằm tạo bước phát triển mới, mang tính đột phá trong công tác PBGDPL của ngành VHTTDL, bảo đảm đáp ứng tốt nhất nhu cầu được PBGDPL của người dân, phù hợp với xu thế và yêu cầu của thực tiễn; góp phần tạo sự chuyển biến trong việc nâng cao ý thức pháp luật của người dân. Mục tiêu cụ thể đến năm 2026, 100% cơ quan, đơn vị thuộc Bộ xây dựng kế hoạch PBGDPL và thông tin đầy đủ, kịp thời các chính sách, pháp luật của ngành VHTTDL và liên quan; 100% văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của ngành VHTTDL được xây dựng kế hoạch truyền thông đồng thời với kế hoạch xây dựng văn bản; 95% chính sách có tác động lớn đến xã hội, vấn đề được dư luận xã hội quan tâm của ngành VHTTDL được chủ động truyền thông chính sách định hướng dư luận xã hội trong quá trình xây dựng văn bản QPPL; 100% các lĩnh vực của ngành VHTTDL có báo cáo viên cấp trung ương và 80% có báo cáo viên cấp tỉnh; 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành VHTTDL được PBGDPL nắm và hiểu được các quy định pháp luật của Ngành; 90% các nhóm đối tượng đặc thù: người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân được PBGDPL ngành VHTTDL.
Các nhiệm vụ chủ yếu của Đề án gồm: Đổi mới công tác PBGDPL ngành VHTTDL trên các phương diện nội dung, hình thức, cách thức, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát huy đặc thù, lợi thế của Ngành; Nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL ngành VHTTDL, gắn với kết quả thi hành pháp luật, được định lượng, thống kê phù hợp, hướng về cơ sở, lấy người dân làm trung tâm; Xác định lộ trình, ưu tiên đảm bảo sự phối hợp, thực hiện đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL ngành VHTTDL.
Để thực hiện các nhiệm vụ trên, các giải pháp được đưa ra gồm: Đổi mới tư duy, cách tiếp cận PBGDPL, góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách; Xác định rõ phạm vi, trách nhiệm PBGDPL của Nhà nước, tăng cường quản lý nhà nước gắn với đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL; Đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức PBGDPL phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong PBGDPL; Gắn kết giữa xây dựng và thực thi pháp luật, trọng tâm là PBGDPL; Kiện toàn nhân sự, bố trí nguồn lực và phối hợp lồng ghép nguồn lực đảm bảo công tác PBGDPL.
Đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) phải dựa trên quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; phải đặt trong tổng thể phương hướng và nhiệm vụ phát triển ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VHTTDL). Đồng thời, đổi mới công tác PBGDPL phải có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự chuyển biến mang tính đột phá, giải quyết hiệu quả những hạn chế, bất cập; chú trọng đặc thù của từng nhóm đối tượng, địa bàn; gắn với đánh giá hiệu quả, lấy hiệu quả là thước đo, mô hình để nhân rộng; phải đảm bảo tính kế thừa, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của các ngành, lĩnh vực khác, xu thế truyền thông gắn với sức mạnh mềm của văn hóa và đảm bảo tính liên thông, kết nối đồng bộ giữa ngành VHTTDL với các ngành khác, giữa trung ương với địa phương; hướng mạnh về cơ sở, lấy người dân làm trung tâm.
Đề án được thực hiện trên phạm vi toàn quốc, trong thời gian từ năm 2022 đến năm 2026. Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án vào quý IV năm 2026.