Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Tư pháp: Công tác xây dựng và thực hiện công tác pháp chế của Bộ VHTTDL rất bài bản

Chiều ngày 6/7, Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Tư pháp đã có buổi làm việc với Bộ VHTTDL về tình hình thực hiện Luật, tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết, định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV và công tác pháp chế tại Bộ.

9793-1657164782.jpg
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Ngô Thị Ngọc Oanh đã báo cáo Công tác xây dựng pháp luật và thực hiện công tác pháp chế của Bộ VHTTDL.

Thực hiện Quyết định số 1323/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ VHTTDL đã ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành, triển khai thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các Nghị định hướng dẫn thi hành pháp luật trong lĩnh vực quản lý của mình, tổ chức các hội nghị quán triệt các nội dung của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức các Hội nghị tập huấn nghiệp vụ pháp chế…

Đảng ủy, Công đoàn Bộ VHTTDL cũng tổ chức Chương trình tập huấn hằng năm cho cán bộ cấp ủy, công đoàn, trong đó đã dành 01 chuyên đề giới thiệu về Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các Nghị định hướng dẫn thi hành; những chính sách, pháp luật mới của ngành cần được xây dựng hoặc đang xây dựng; một số nghiệp vụ xây dựng pháp luật cơ bản cho cán bộ cấp ủy, công đoàn…

Tháng 12 hàng năm, Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành các kế hoạch của năm liền kề gồm: Quyết định ban hành Chương trình xây dựng thông tư; Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật; Kế hoạch công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Hàng năm, Bộ tổ chức thực hiện tốt các Kế hoạch, có Báo cáo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trong việc tổ chức thực hiện Chương trình, Kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, định kỳ hàng quý, 6 tháng, 9 tháng, Bộ VHTTDL tổ chức họp trao đổi, rà soát, đôn đốc tiến độ, quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của các đơn vị thuộc Bộ để có điều chỉnh kịp thời và đôn đốc các đơn vị thực hiện đúng tiến độ Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Năm 2022, Bộ đã tổ chức thành công Hội nghị triển khai công tác xây dựng pháp luật của Bộ, thể hiện sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đến công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Ngành.

Năm 2021- 2022, Bộ VHTTDL lập đề nghị, tham gia xây dựng 3 luật: Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; 06 Nghị định, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, Bộ cũng hoàn thành việc rà soát các văn kiện của Đảng, các văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ... giao nhiệm vụ nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung các dự án luật, nghị quyết.

Đến nay, 2 dự án Luật đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3 tháng 5.2022 gồm: Luật Điện ảnh và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) cũng đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 tháng 5.2022; 1 văn bản Luật đã được rà soát, đánh giá và Chính phủ đã đồng ý chủ trương đề nghị xây dựng là Luật Di sản văn hoá, 2 Nghị định đã được Chính phủ ban hành gồm: Nghị định số 22/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 32/NĐ-CP về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hoá phẩm không nhằm mục đích kinh doanh (Phần điện ảnh) và Nghị định số 30/2022/NĐ-CP quy định mô hình quản lý khu du lịch quốc gia. 2 Thông tư đã được Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành theo thẩm quyền…

9794-1657164782.jpg
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Lê Thanh Liêm tiếp thu các ý kiến đóng góp của các thành viên Đoàn công tác.

Sau khi nghe Báo cáo của đại diện Vụ Pháp chế và trao đổi của một số cơ quan của Bộ VHTTDL, các thành viên trong Đoàn kiểm tra liên ngành đã có những góp ý rất cụ thể vào báo cáo và đóng góp cho công tác xây dựng pháp luật và thực hiện công tác pháp chế trong các lĩnh vực quản lý của Bộ VHTTDL.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp của các thành viên Đoàn công tác, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Lê Thanh Liêm cho biết những đóng góp này sẽ được Bộ tiếp thu và chỉnh sửa trong báo cáo.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế chia sẻ, Bộ VHTTDL là Bộ đa ngành, đa lĩnh vực, phạm vi quản lý rộng, do đó văn bản quy phạm pháp luật về văn hoá, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch có số lượng lớn, nhiều văn bản có hiệu lực pháp lý và tính quy phạm thấp, nhiều văn bản chưa đựng những quy định khó quy phạm hoá…

Tuy nhiên, công tác phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, Bộ VHTTDL nhận được sự phối hợp chặt chẽ và trách nhiệm của Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan, góp phần cho công tác xây dựng pháp luật được đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế khẳng định tất cả các quy trình thủ tục quy định xây dựng pháp luật, Bộ VHTTDL đã triển khai nghiêm túc và có kế hoạch. Công tác pháp chế không chỉ triển khai ở Trung ương mà còn đến tất cả các địa phương. Hàng năm, Vụ pháp chế đã tổ chức đoàn kiểm tra tới 5 đến 6 địa phương với tinh thần sát sao tìm hiểu, nhằm tháo gỡ những khó khăn của địa phương và định hướng phát triển chung cho toàn ngành.

9795-1657164782.jpg
 Ông Nguyễn Hồng Tuyến - Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Tư pháp phát biểu tại buổi làm việc.

Kết luận tại buổi kiểm tra, ông Nguyễn Hồng Tuyến - Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp, Trưởng đoàn kiểm tra đánh giá cao việc chuẩn bị về hồ sơ, tài liệu phục vụ công tác kiểm tra cũng như sự có mặt, tham gia đầy đủ của các thành viên dự họp theo yêu cầu của Bộ Tư pháp.

Qua báo cáo của Bộ VHTTDL cũng như đại diện một số cơ quan trực thuộc Bộ, đoàn kiểm tra đánh giá công tác xây dựng và thực hiện công tác pháp chế của Bộ VHTTDL là rất bài bản.

Đoàn kiểm tra đề nghị Vụ Pháp chế cần tiếp tục tham mưu lãnh đạo Bộ VHTTDL chú trọng nâng cao hơn nguồn kinh phí và mức chi cho công tác xây dựng pháp luật. Bộ VHTTDL cũng cần đẩy nhanh tiến độ trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.

Để đẩy mạnh hiệu quả công tác này trong thời gian tới, Trưởng Đoàn kiểm tra đề nghị Bộ VHTTDL cần tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo, điều hành và tiếp tục triển khai hoạt động này sát sao và sâu rộng hơn. Đoàn Kiểm tra cũng đã ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của Bộ VHTTDL và sẽ tổng hợp để xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Thế Công