Giai đoạn từ năm 2018 đến nay có thể xem là chu kỳ thành công của Điền kinh Thanh Hóa với nhiều thành tích nổi bật trong nước và bứt phá ở đấu trường quốc tế. Một lứa vận động viên tài năng, xuất sắc đã gặt hái được nhiều tấm huy chương danh giá, thành tích ấn tượng như tấm vé dự Olympic Tokyo 2020 và thành tích lọt vào vòng bán kết nội dung chạy 400m vượt rào nữ của Quách Thị Lan. Trước đó, nữ vận động viên quê Ngọc Lặc đã giành huy chương vàng tại ASIAD 2018 và tại các kỳ SEA Games 30 và 31. Chân chạy nữ số 1 xứ Thanh còn nhiều năm giành huy chương vàng ở các giải quốc gia tại các nội dung sở trường như 400m, 400m vượt rào, các cự ly tiếp sức nữ, tiếp sức hỗn hợp. Quách Thị Lan không chỉ được xem là thủ lĩnh của Điền kinh Thanh Hóa mà còn là một trong số những vận động viên có nhiều đóng góp nhất cho thành tích của thể thao tỉnh nhà và đội tuyển quốc gia.
Bên cạnh Quách Thị Lan, Điền kinh Thanh Hóa còn có một số gương mặt nổi bật khác như: Quách Công Lịch (với các nội dung 400m, 400m vượt rào, các cự ly tiếp sức), Trương Thị Thu (8 lần vô địch quốc gia nội dung nhảy sào nữ), Lê Văn Thao (với nội dung chạy 10.000m, bán marathon), Lương Văn Thao (với các nội dung 400m, các cự ly tiếp sức)... Đây được xem là thế hệ vận động viên xuất sắc nhất của đội tuyển điền kinh đã ghi dấu ấn lớn cho thể thao tỉnh nhà trong gần 1 thập kỷ vừa qua.
“Lỗ hổng” trong công tác đào tạo trẻ
Những tưởng thành công của lứa vận động viên nói trên sẽ tạo đà để Điền kinh Thanh Hóa tiếp tục phát huy thế mạnh, xây dựng lực lượng trẻ kế cận cho một chu kỳ, giai đoạn phát triển mới. Đây là điều cần thiết, bởi lẽ Điền kinh là môn thể thao thuộc nhóm I - nhóm các môn Olympic đã và đang được nhiều tỉnh, thành, ngành trên cả nước quan tâm, đầu tư mạnh mẽ. Điều này khiến cuộc cạnh tranh ở các giải đấu quốc gia trở nên khốc liệt hơn, việc giành được các tấm vé trong đội tuyển điền kinh quốc gia cũng khó khăn hơn nhiều. Do đó, công tác đào tạo trẻ luôn được đặt lên hàng đầu với tiêu chí chất lượng, chuyên nghiệp mới đáp ứng yêu cầu hiện nay.
Dù vậy, kể từ sau Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022, SEA Games 32 năm 2023, Điền kinh Thanh Hóa đã “hụt hơi” trong công tác đào tạo trẻ khi chưa cho “ra lò” gương mặt trẻ nào đáng kể. Các gương mặt trẻ kế cận trước đó như Bùi Thị Thu Hà (chạy 5.000m, 10.000m nữ), Lê Thị Bích (các cự ly chạy trung bình nữ), Bùi Văn Dũng (3.000m vượt chướng ngại vật), Hà Văn Nhật, Lê Trung Đức (các cự ly chạy trung bình nam)... không thể hiện được sự tiến bộ về chuyên môn và dần đuối sức ở giải vô địch quốc gia và không có cơ hội lọt vào đội tuyển quốc gia. Chưa kể, từ năm 2022, huấn luyện viên trưởng Lưu Văn Hùng và một số vận động viên của đội tuyển điền kinh chuyển sang đội tuyển 3 môn phối hợp (triathlon), công tác huấn luyện được chuyển giao cho huấn luyện viên Trần Văn Sỹ và các huấn luyện viên Lê Thị Tuyết, Lê Thị Phương. Cùng với việc Quách Thị Lan bị “treo giò” do dính doping, một số trụ cột chấn thương, sa sút phong độ, các vận động viên trẻ chững lại, công tác tuyển chọn, đào tạo các tuyến năng khiếu và trẻ của Điền kinh Thanh Hóa rơi vào khủng hoảng. Từ đơn vị luôn nằm trong tốp đầu toàn quốc (tốp 5), Thanh Hóa dần tụt xuống thứ hạng sâu hơn và bị nhiều tỉnh, thành vượt mặt ở cả giải trẻ và giải vô địch quốc gia. Tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022, Điền kinh Thanh Hóa chỉ có 1 huy chương vàng và trắng tay tại SEA Games 32 năm 2023.
Nỗ lực vượt khó, xây dựng lực lượng
Chỉ còn 2 năm nữa, Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X sẽ diễn ra, đây được xem là khoảng thời gian quan trọng để đội tuyển điền kinh Thanh Hóa dành sự tập trung cao nhất cho công tác chuẩn bị về lực lượng, nâng cao chuyên môn, thành tích cho các vận động viên các tuyến. Trong bối cảnh chu kỳ “hụt hơi” vẫn chưa kết thúc, sự trở lại quan trọng của các cựu binh như Quách Thị Lan, Trương Thị Thu tại giải vô địch quốc gia năm 2024 vừa qua với những tấm huy chương vàng được xem là “cú hích” cần thiết với đội tuyển điền kinh Thanh Hóa. Bên cạnh đó, việc vận động viên trẻ Phạm Thị Vân Anh giành huy chương đồng ở nội dung nhảy sào nữ bên cạnh tấm huy chương vàng của đàn chị Trương Thị Thu đánh dấu sự trở lại của đoàn Thanh Hóa ở nội dung đã thống trị đấu trường quốc gia nhiều năm. Thành tích 2 huy chương vàng, 1 huy chương bạc, 4 huy chương đồng tại giải vô địch quốc gia năm 2024 là nguồn động viên lớn với Ban huấn luyện và các vận động viên đội tuyển điền kinh Thanh Hóa chuẩn bị cho giai đoạn mới 2025-2030.
Từ cuối năm 2022 đến nay, toàn bộ đội tuyển điền kinh Thanh Hóa đã được cải thiện rõ rệt về điều kiện tập luyện sau khi hệ thống đường piste sân vận động tỉnh đã được làm mới hoàn toàn, bên cạnh các hạng mục khác như hố nhảy xa, các dụng cụ môn nhảy sào, ném lao, chạy vượt chướng ngại vật... Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao tỉnh cũng đã có sự quan tâm, mua sắm các trang, thiết bị, dụng cụ nhằm nâng cao điều kiện tập luyện, huấn luyện, qua đó, giúp các vận động viên không ngừng cải thiện thành tích. Ngoài ra, Ban huấn luyện đội tuyển điền kinh đã xây dựng và triển khai kế hoạch chuẩn bị cho Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X trên cơ sở tiếp tục dành sự tập trung cao nhất cho công tác huấn luyện, đồng thời tạo điều kiện để các vận động viên ở cả 3 tuyến được tham gia các đợt tập huấn và các giải trong hệ thống thi đấu quốc gia và một số giải đấu chọn lọc khác.
Ông Đàm Văn Long - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao tỉnh Thanh Hóa - cho biết: "Trung tâm đã và đang cùng Ban huấn luyện, các vận động viên đội tuyển điền kinh bàn bạc, tìm ra những giải pháp chiến lược để 'xốc' lại toàn diện công tác huấn luyện chuyên môn, xây dựng lực lượng vận động viên đủ mạnh để có khả năng tranh chấp huy chương. Bên cạnh vai trò của các vận động viên kỳ cựu, có đẳng cấp, sự nỗ lực của các vận động viên trẻ cần được nêu cao. Bên cạnh việc bảo đảm tốt nhất điều kiện về cơ sở vật chất, chế độ dinh dưỡng, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao tỉnh có cơ chế gửi các vận động viên trọng điểm cả tuyến trẻ và đội tuyển được huấn luyện, tập luyện tại đội tuyển trẻ quốc gia và đội tuyển quốc gia với điều kiện tốt hơn".
Năm 2025 được xem là năm bước đệm cho tương lai, bởi vậy sẽ không đặt quá nặng về thành tích đối với các vận động viên ở đấu trường quốc gia, đồng thời dành nhiều thời gian, sự tập trung cho việc nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, tập luyện, nâng cao thành tích ở các vận động viên trọng điểm, nội dung thế mạnh. Mọi sự kiên trì, cố gắng của từng vận động viên, huấn luyện viên sẽ được đền đáp và Điền kinh Thanh Hóa vẫn còn đủ thời gian để “làm lại” tốt hơn.