Đề xuất đối tượng xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước phù hợp hơn

Sáng 28/11 tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị định số 90/2014/NĐ-CP của Chính phủ về "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về Văn học, nghệ thuật (Nghị định 90); Nghị định số 133/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2014/NĐ-CP (Nghị định 133) khu vực phía Bắc.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy điều hành Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện Ban, Bộ, ngành Trung ương; các Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Văn hóa và Thể thao các địa phương, lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Trung ương, các Hội Văn học Nghệ thuật chuyên ngành cùng nhiều chuyên gia, văn nghệ sĩ…

Tạo điều kiện thuận lợi trong việc tôn vinh tác phẩm

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, tại Hội nghị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mong muốn lắng nghe các ý kiến từ quá trình thực thi hai Nghị định, từ đó, Bộ sẽ tổng hợp, xây dựng Nghị định mới và trình cấp có thẩm quyền ban hành, phù hợp với thực tiễn công tác xét tặng các Giải thưởng trong tình hình hiện nay.

9406-1669701379.jpg
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy chủ trì Hội nghị.

Báo cáo Tổng kết thực hiện Nghị định 90, Nghị định 133, ông Lê Ngọc Trung - Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng - cho biết, Nghị định số 90 là văn bản có tính pháp lý và nhân văn sâu sắc, kịp thời ghi nhận và tôn vinh các tác giả có tác phẩm, công trình có giá trị cao về nghệ thuật và nội dung tư tưởng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã có một số vướng mắc nảy sinh. Ngày 01/10/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 133, sửa đổi, bổ sung những quy định tạo điều kiện thuận lợi trong việc xét tôn vinh tác phẩm, cụm tác phẩm văn học, nghệ thuật, tránh "bỏ sót" các tác phẩm thực sự có giá trị.

Cụ thể, tại Nghị định 133, về tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng, quy định tác phẩm được công bố, sử dụng trước năm 1993 thì không cần giải thưởng (Nghị định số 90); quy định về số lượng thành phần Hội đồng các cấp, giảm bớt đại diện các cơ quan, tổ chức hành chính, tăng thêm các nhà chuyên môn, chuyên gia, chuyên ngành cơ bản đạt 2/3 trong thành phần Hội đồng; quy định Hội đồng tổ chức phiên họp khi có mặt ít nhất 90% thành viên; quy định tỷ lệ phiếu đồng ý của các thành viên Hội đồng phải đạt từ 80% phiếu đồng ý của tổng số thành viên có mặt tại cuộc họp.

Cũng theo Vụ Thi đua khen thưởng, qua các đợt xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật năm 2016, 2021, bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xét tặng, vẫn còn một số vướng mắc, khó khăn.

Đơn cử, một số loại hình của một lĩnh vực chuyên ngành khi đưa chung vào một thể loại hoặc một nhóm chưa thực sự phù hợp. Hội Điện ảnh Việt Nam đề nghị tách tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình thành 2 hạng mục độc lập. Việc xác nhận về đồng tác giả của các tác phẩm ở lĩnh vực Điện ảnh, Múa, Sân khấu còn gặp khó khăn. Trong lĩnh vực điện ảnh, hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng, các tác giả gặp khó khi cung cấp bản sao tác phẩm do vấn đề bản quyền…

Ông Lê Ngọc Trung cho biết, Luật Thi đua, Khen thưởng đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phân công Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì soạn thảo Nghị định về xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật thay thế Nghị định số 90 và Nghị định số 133.

Nêu những đề xuất, kiến nghị khi xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 90, Nghị định số 133, lãnh đạo Vụ Thi đua Khen thưởng nêu, xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn qua 2 đợt xét tặng năm 2016, 2021 và ý kiến của các địa phương, các Hội Văn học Nghệ thuật chuyên ngành Trung ương khi tổng kết thi hành 2 Nghị định, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất, kiến nghị một số nội dung khi xây dựng Nghị định thay thế. Theo đó, về đối tượng xét tặng, nghiên cứu đề xuất đối tượng xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" của từng lĩnh vực văn học, nghệ thuật chuyên ngành cho sát và phù hợp hơn. Bổ sung những quy định về quyền tác giả để có căn cứ giải quyết những nội dung liên quan đến vấn đề đồng tác giả.

9407-1669701379.jpg
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy phát biểu tại Hội nghị.

Bên cạnh đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định cơ quan thường trực Hội đồng được sử dụng con dấu của Cơ quan thường trực Hội đồng trong thực hiện một số hoạt động của Hội đồng. Sửa đổi quy định về người đại diện làm hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng cho tác phẩm, cụm tác phẩm của tác giả đã mất.

"Trên cơ sở ý kiến kiến nghị của các đại biểu tại Hội nghị cũng như các kiến nghị, đề xuất của các Hội đồng cấp cơ sở của các tỉnh/thành phố và các Hội Văn học nghệ thuật Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổng hợp, nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định số 90, Nghị định số 133, để công tác xét tặng Giải thưởng được triển khai thực hiện hiệu quả, phù hợp hơn với tình hình thực tế hiện nay, góp phần tôn vinh được các tác phẩm văn học, nghệ thuật thực sự có giá trị, có sức lan tỏa trong đời sống xã hội, đồng thời khuyến khích, tạo động lực phát huy tài năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước…", Phó Vụ trưởng Lê Ngọc Trung cho biết.

Tác giả có thể tự đăng ký giải thưởng Hồ Chí Minh

Theo nhiều đại biểu, một trong những vấn đề bất cập trong thực tiễn thời gian vừa qua khi xét "Giải thưởng Nhà nước", "Giải thưởng Hồ Chí Minh", đó là các nghệ sĩ, tác giả đều hiểu nhầm phải được "Giải thưởng Nhà nước" rồi mới xét "Giải thưởng Hồ Chí Minh". Điều này làm phát sinh thực tế, cùng một tác giả, các tác phẩm được "Giải thưởng Nhà nước" có chất lượng cao hơn các tác phẩm đoạt "Giải thưởng Hồ Chí Minh".

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - cho biết: "Một nhà văn khi được Giải thưởng Nhà nước thường 50-60 tuổi. Tất cả sức lực đã dành ra để có thể giành được giải thưởng. Sau đó sự thăng hoa đột phá sáng tạo rất ít, hiếm có tác giả có thể bật ra ở tuổi này. Trong khi lại quy định tác phẩm đoạt Giải thưởng Nhà nước rồi thì không xét Giải thưởng Hồ Chí Minh".

9408-1669701379.jpg
Toàn cảnh Hội nghị.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều đề xuất, nên chăng, "Giải thưởng Hồ Chí Minh" là một giải thưởng đặc biệt phải trao cho toàn bộ sự nghiệp, cống hiến của tác giả đó, từ khi họ sáng tác đến hết cuộc đời.

Quan điểm này cũng được nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam - đồng thuận. Theo nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, thực tế này cũng đúng với các nhạc sĩ. Nhiều nhạc sĩ 50-60 tuổi mới được "Giải thưởng Nhà nước", sau đó không thể có tác phẩm đỉnh cao để đoạt "Giải thưởng Hồ Chí Minh".

Theo ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh - không có quy định bắt buộc tác giả phải được "Giải thưởng Nhà nước" rồi mới được xét "Giải thưởng Hồ Chí Minh". Các tác giả có thể tự đề xuất tác phẩm của mình thẳng lên xét "Giải thưởng Hồ Chí Minh" nếu thấy đáp ứng đủ tiêu chí, chất lượng.

Ông Vi Kiến Thành cũng cho biết, trong giới mỹ thuật đã có tác giả Nguyễn Gia Trí, họa sĩ sơn mài nổi tiếng của Việt Nam, đề xuất thẳng lên "Giải thưởng Hồ Chí Minh", bỏ qua "Giải thưởng Nhà nước" và ông đã được trao tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh". "Quan trọng là tác giả tự thấy tác phẩm xứng đáng với giải thưởng nào để đề nghị xét tặng", ông Vi Kiến Thành nhấn mạnh.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho rằng, qua tổng kết, việc triển khai hai Nghị định 133 và Nghị định 90 đã cụ thể hóa được Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, đáp ứng được yêu cầu về quan điểm và chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết 33-NQ/TW Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; từng bước cụ thể hóa được những yêu cầu thực tiễn đối với công tác xét tặng Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh, đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của tác giả, người yêu mến Văn học Nghệ thuật và nhân dân. Thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với cống hiến của các tác giả; tạo làn gió mới trong thúc đẩy, định hướng, động viên khuyến khích các tác giả trong sáng tạo các tác phẩm Văn học Nghệ thuật.

Thứ trưởng khẳng định, qua thực tiễn các dịp trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, đã phát hiện và tôn vinh những cống hiến xuất sắc của các tác phẩm, tác giả trong cuộc sống.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, trong quá trình thực hiện vẫn còn những bất cập. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức Hội nghị về nội dung này tại TP. Hồ Chí Minh để lấy ý kiến đóng góp của các nghệ sĩ, nhà quản lý khu vực phía Nam. Từ đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổng hợp, ghi nhận những ý kiến đóng góp trong quá trình nghiên cứu, tham mưu xây dựng nghị định thay thế Nghị định 90 và Nghị định 133.

"Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn lắng nghe và mong có sự phối hợp các Bộ, ngành, địa phương, các Hội chuyên ngành để triển khai xây dựng, tham mưu Chính phủ ban hành các Nghị định thay thế đạt hiệu quả, hoàn thiện nhất, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra", Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.

Hà An