Để Luật Di sản văn hóa bắt kịp với thực tiễn, bảo vệ và phát huy hiệu quả giá trị di sản

Sau 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và 10 năm được sửa đổi, bổ sung, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã và đang được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm, ngày càng được sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân ở khắp mọi miền đất nước, nhờ đó, đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Tuy nhiên, thực tế phản ánh, sau 20 năm, Luật Di sản văn hóa đã bộc lộ những hạn chế, bất cập trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn cuộc sống.

Một góc Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An, Ninh Bình.   

Luật Di sản văn hóa được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X thông qua tại kỳ họp thứ 9, ngày 29 tháng 6 năm 2001, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2002, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa của Việt Nam. Được sửa đổi, bổ sung một số điều tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII (ngày 18 tháng 6 năm 2009), một số hạn chế, bất cập trong việc thực thi Luật Di sản văn hóa đã cơ bản được giải quyết, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để đẩy mạnh sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, bảo đảm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

Việc ban hành và sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa thể hiện sự quan tâm to lớn của Đảng, Nhà nước và của toàn dân đối với hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, cũng như nhận thức ngày càng toàn diện của cộng đồng về di sản văn hóa, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể; đồng thời nhằm đảm bảo các mục tiêu, yêu cầu: Xác định rõ quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân và chủ sở hữu đối với di sản văn hóa, những việc được làm, những hành vi bị nghiêm cấm. - Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia rộng rãi vào hoạt động bảo tồn di sản văn hóa, mở rộng giao lưu, tuyên truyền, giới thiệu di sản văn hóa Việt Nam ra nước ngoài; Tăng cường phân cấp cho các địa phương trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đáp ứng yêu cầu hội nhập của Việt Nam trong những năm tới. 

Sau 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và 10 năm được sửa đổi, bổ sung, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã và đang được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm, ngày càng được sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân ở khắp mọi miền đất nước, nhờ đó, đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. 

Có thể khẳng định, Di sản văn hóa cũng là lĩnh vực chuyên ngành có hệ thống văn bản pháp lý hoàn chỉnh sớm nhất trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong đó, có những văn bản như Nghị định số 109/2017/NĐ/CP ngày 21/9/2017 quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam được Chính phủ ban hành là ví dụ điển hình về bảo vệ, quản lý các di sản thế giới của Việt Nam được UNESCO ghi danh theo hướng ngày càng tiệm cận với Công ước về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới (UNESCO, 1972) và mục tiêu phát triển bền vững của UNESCO, trở thành bài học kinh nghiệm cho nhiều quốc gia trên thế giới tham khảo, áp dụng; góp phần tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi hơn nữa để hoạt động của các tổ chức, cá nhân được điều chỉnh bởi một hệ thống pháp luật ngày càng hoàn chỉnh, hiện đại, phù hợp thực tiễn; tăng cường năng lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý di sản thế giới. Đây cũng là cơ sở để chúng ta tiếp tục nghiên cứu đưa vào các quy định của pháp luật về di sản văn hóa việc bảo vệ và quản lý hệ thống di tích ở Việt Nam thời gian tới. Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tế đang diễn ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa cũng dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập cả về nội dung và hình thức trong từng lĩnh vực cụ thể. Do đó, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành là hết sức cần thiết để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. 

Tồn tại và hạn chế trong tổ chức thực hiện Luật Di sản văn hóa 

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về Di sản văn hóa ngày càng được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật vẫn còn thiếu đồng bộ, chưa xử lý được đầy đủ những phát sinh, vướng mắc trong thực tiễn quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Trong lĩnh vực tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, một số quy định pháp luật khác còn chồng chéo với pháp luật về di sản văn hóa, gây nên chậm trễ cho hoạt động thẩm định các dự án tu bổ di tích, dẫn tới các dự án tu bổ di tích thường bị kéo dài tiến độ so với kế hoạch, đặc biệt trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thẩm định, phê duyệt dự án.

Trong lĩnh vực bảo tàng, vẫn còn nhiều quy định còn chưa cụ thể thiên về định tính, chưa định lượng, nhiều quy định của Luật còn chưa đầy đủ hoặc chưa có cũng gây ra những khó khăn, vướng mắc khi triển khai nhiệm vụ. 

Pháp luật về di sản văn hóa phi vật thể ra đời sau pháp luật về di sản văn hóa vật thể, nên trong cách hiểu về các khái niệm, thuật ngữ cũng bị ảnh hưởng theo góc độ di sản văn hóa vật thể. Khác với di sản văn hóa vật thể, Luật di sản văn hóa của Việt Nam và Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể 2003 của UNESCO không chủ trương xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể mà chỉ phân loại theo mức độ về hiện trạng sức sống và sự cần thiết phải bảo vệ hay cần thiết phải bảo vệ khẩn cấp, từ đó, đưa vào các Danh sách của UNESCO (Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, Di sản thực hành tốt) và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Việt Nam). Tuy nhiên, các khái niệm này lại được hiểu như cách xếp hạng với di sản văn hóa vật thể (di sản văn hóa/thiên nhiên, di tích, danh lam thắng cảnh), và cho rằng di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục quốc gia là di sản văn hóa phi vật thể (xếp hạng) cấp quốc gia. 

Bên cạnh đó, chính sách đối với nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể con chậm, chưa đáp ứng được thực tế, thiếu đồng bộ, thiên về danh hiệu. Mặc dù đã có những văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa liên quan tới nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể, tuy nhiên, chính sách đối với nghệ nhân vẫn còn nhiều nội dung khác mà hệ thống văn bản này chưa đề cập đến hoặc có đề cập nhưng còn nhiều vướng mắc trong thực hiện. 

Một trong những hạn chế tồn tại quan trọng, đó là về phân cấp quản lý di sản văn hóa. Mặc dù phân cấp cho các địa phương trong quản lý di sản, tuy nhiên, công tác này trong quá trình thực hiện cũng bộc lộ những bất cập, là nguyên nhân gây nên một số tồn tại trong công tác bảo vệ phát huy giá trị di sản văn hóa như sau: - Việc bảo tồn chưa được ưu tiên và coi trọng tại các khu di sản, việc khai thác mạnh mẽ... đã làm cho di sản có nguy cơ bị ô nhiễm do quá tải, nhất là trong mùa lễ hội. 

Còn hiện tượng vi phạm trong hoạt động tu bổ di tích, xây dựng công trình mới… khi chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. Đáng nói là còn hiện tượng một số vi phạm chỉ được phát hiện khi cơ quan báo chí lên tiếng. 

Vấn đề quản lý các di sản còn bất cập. Do di sản nước ta đa dạng về loại hình, chủ sở hữu, vì vậy, mô hình quản lý di tích của các địa phương hiện nay rất đa dạng. Các ban quản lý, trung tâm bảo tồn di sản là đơn vị sự nghiệp nên di tích được quản lý tốt. Các di tích cấp tỉnh và di tích trong danh mục kiểm kê chưa được xếp hạng, nhìn chung, chưa được quan tâm đúng mức nên hiệu quả bảo vệ và phát huy giá trị di tích còn thấp. 

Một số địa phương còn chưa quan tâm, nhận thức chưa đồng đều về lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Tổ chức bộ máy với sự đáp ứng về nguồn nhân lực cho việc thi hành pháp luật về di sản văn hóa phi vật thể chưa thực sự thích ứng. Một số địa phương không bố trí những đơn vị/phòng ban chuyên trách quản lý nhà nước về di sản văn hóa phi vật thể, chỉ là kiêm nhiệm hoặc thường xuyên luân chuyển nên đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa không đủ thời gian và năng lực thực hiện nhiệm vụ quản lý di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn. 

Nhiều loại hình di sản của một số cộng đồng có nguy cơ bị mai một, biến đổi khi chưa được bảo vệ hoặc kiểm kê, ghi danh. Nhiều di sản chưa có Đề án bảo vệ phát huy giá trị (đặc biệt đối với các Di sản được UNESCO ghi danh) theo cam kết thực hiện với UNESCO. Còn có hiện tượng lợi dụng thực hành di sản để trục lợi, làm sai lệch, thậm chí biến dạng giá trị của di sản. Di sản tư liệu sau khi UNESCO ghi danh, được lưu trữ mà chưa được phát huy giá trị, đến với công chúng. 

Việc phân cấp triệt để cho Bộ, ngành địa phương trong việc xây dựng, trưng bày, chỉnh lý, nâng cấp bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng cấp tỉnh lại tạo nên tình trạng đầu tư cho trưng bày bảo tàng chưa được chú trọng, chỉ chú trọng đầu tư cho phần xây dựng ngôi nhà, chưa đầu tư thỏa đáng cho phần trưng bày và việc chuẩn bị cho trưng bày - công việc phải làm trước. 

Nguồn nhân lực quản lý di sản văn hóa còn chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn, còn thiếu các chuyên gia hàng đầu ở các lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực đòi hỏi kinh nghiệm chuyên sâu về bảo tồn, tu bổ di tích, khảo cổ, lịch sử, mỹ thuật, công nghệ thông tin, hóa chất...; về kỹ năng, bí quyết, đặc điểm của các loại hình di sản văn hóa phi vật thể. - Công tác đào tạo về bảo tồn, tu bổ di tích chỉ mới bắt đầu ở một số trường đại học. Nguồn nhân lực tham gia trực tiếp vào hoạt động tu bổ di tích (kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng, thợ lành nghề...) chưa được đào tạo chuyên sâu. 

Nguồn kinh phí đầu tư cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa nhìn chung còn thấp, vì thế không đủ nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ. 

Nhận thức về di sản văn hóa chưa thật sự sâu sắc và toàn diện, do đó ở các di tích, bên cạnh việc chấp hành tốt quy định pháp luật trong bảo vệ di sản văn hóa, vẫn còn diễn ra tình trạng nhiều nơi còn lúng túng trong việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữa kinh tế và văn hóa, giữa lợi ích trước mắt với sự phát triển bền vững. Một số địa phương ít tập trung ngân sách cho việc bảo tồn, tu bổ mà chỉ ưu tiên xây dựng các công trình khai thác di sản. Việc tăng trưởng du lịch quá nhanh, trong khi chưa đầu tư hợp lý cho cơ sở hạ tầng đã làm cho di sản có nguy cơ bị ô nhiễm do quá tải, nhất là trong mùa lễ hội. 

Trên thực tế cho thấy, mặc dù có 07 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh, nhưng hiện nay chúng ta hoàn toàn thiếu vắng quy định pháp lý, hệ thống văn bản quy phạm, các tiêu chí về nhận diện, quy trình, thủ tục lập hồ sơ đưa vào các Danh mục di sản tư liệu ở trong nước (ví dụ như như cấp quốc gia, hay cấp tỉnh...) còn chưa thống nhất, đồng bộ giữa các cơ quan liên quan, cho đến tất cả quy định cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu... 

Thiếu các quy định, cơ chế, chính sách để huy động các nguồn xã hội hóa (ví dụ, hiện nay doanh nghiệp có đóng góp cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nhưng không được hưởng chính sách miễn, giảm thuế cho chi phí sản xuất của doanh nghiệp đó), vì vậy, chưa thu hút được nguồn lực to lớn của toàn xã hội tham gia đầu tư tu bổ di tích. 

Phân cấp quản lý phù hợp với thực tiễn

Tại Hội nghị-Hội thảo tổng kết Luật Di sản văn hóa do Bộ VHTTDL tổ chức mới đây, đại diện các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý đã tham luận, đóng góp ý kiến từ góc độ thực tiễn và tiếp cận khoa học chuyên sâu để Bộ VHTTDL xây dựng hồ sơ để nghị sửa đổi Luật Di sản văn hóa nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, sửa đổi Luật Di sản Văn hóa cần lấp những khoảng trống đang có, đồng thời phải đánh thức trong mỗi con người một ý thức quan trọng về di sản, là niềm tự hào và tự nguyện tham gia bảo vệ, phát huy.

GS Nguyễn Anh Trí (ĐBQH Khóa XV, người sáng lập Trung tâm, công viên và bảo tàng di sản các nhà khoa học Việt Nam) lưu ý, cần chú trọng khía cạnh di sản phải tạo được những hiệu quả kinh tế. Điều quan trọng là làm cho các di sản phát huy và lan tỏa giá trị, mang hiệu quả kinh tế nhưng vẫn cần phải bảo tồn nguyên vẹn, không bị xâm phạm giá trị nguyên gốc.

TS Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam chia sẻ, mỗi Bảo tàng phải là cơ quan nghiên cứu khoa học trước khi là một thiết chế văn hóa, trước khi muốn đẩy mạnh số hóa, chuyển đổi số. Chức năng giáo dục phải được đặt lên hàng đầu. Từ đó, bà đề nghị sửa lại và bổ sung một số nội dung trong định nghĩa về Bảo tàng trong Luật Di sản Văn hóa sửa đổi tới đây. 

PGS, TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Di sản Văn hóa cho rằng: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa ngày càng được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật vẫn còn thiếu đồng bộ, chưa xử lý được đầy đủ những phát sinh, vướng mắc trong thực tiễn quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa...

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Bộ VHTTDL xác định việc rà soát Luật Di sản Văn hóa là yêu cầu có tính chất tất yếu. Với mục tiêu trình Quốc hội xem xét Luật về Di sản Văn hóa trong năm 2022 hoặc 2023, Bộ trưởng cho rằng, trước hết phải nhận thức đúng, đủ, sâu về các quan điểm của Đảng liên quan đến lĩnh vực này. Bộ trưởng cho rằng, thực tiễn bao giờ cũng vận hành và đi trước, pháp luật phải làm sao bắt kịp với thực tiễn của cuộc sống. Vì vậy, cần tiếp cận bộ luật này theo hai góc độ là làm sao để bảo vệ được di tích di sản và quan trọng hơn là phát huy giá trị của di tích và di sản. “Bảo vệ không có nghĩa là bó buộc lại, còn phát huy thì phải làm sao để các hệ di tích, di sản này được tỏa sáng, đóng vai trò dẫn dắt, quảng bá và là thương hiệu của chúng ta đối với bạn bè quốc tế, là nơi khẳng định hồn cốt của dân tộc”- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ VHTTDL đã đưa ra một số định hướng nhằm hoàn thiện các quy định chuyên ngành về lĩnh vực bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích nói chung, di sản thế giới nói riêng (như các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đã quy định về vấn đề này). Trong đó nhấn mạnh đến một số nội dung: Thực hiện phân cấp quản lý nhà nước về di sản văn hóa phù hợp với thực tiễn. Cụ thể hóa hơn nữa nội dung phân cấp và quy định kiểm tra, thanh tra, kiểm soát việc thực thi trong Luật và Nghị định hướng dẫn; Bổ sung những quy định cụ thể về các ban quản lý di tích. 

Quy định cụ thể, rõ hơn về nội dung trách nhiệm quản lý nhà nước, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền Ủy ban nhân dân các cấp tỉnh/thành phố, huyện xã về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong phạm vi địa phương; trách nhiệm ban hành quy định bảo vệ và phát huy giá trị di tích cũng như quy định phân cấp quản lý di sản theo loại hình, đảm bảo nguyên tắc nhất quán, dân chủ, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân được tiếp cận di sản văn hóa, được hưởng thụ các giá trị và tham gia hoạt động bảo tồn, phát huy, gìn giữ giá trị di sản văn hóa. 

Các địa phương tăng cường, chủ động xây dựng và ban hành Quy định bảo vệ và phát huy giá trị của từng di tích, quy định quản lý về hoạt động xây dựng, cũng như quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan để hoàn thiện công tác quản lý, đồng thời, quy định về quyền/quyền lợi của cộng đồng, người dân địa phương sinh sống trong di tích, để đảm bảo hài hòa giữa trách nhiệm, nghĩa vụ với quyền lợi mà người dân được hưởng (như trường hợp Hội An đã ban hành Quy chế quản lý xây dựng các nhà dân khi sửa chữa, tu bổ, phục hồi cần đảm bảo giữ được các giá trị nguyên gốc, nhưng đổi lại người dân lại được hưởng lợi từ việc hỗ trợ kinh phí cho tu bổ đối với từng ngôi nhà được xếp loại đặc biệt, cấp I, II, III trong khu phố cổ); xây dựng các Đề án bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, nêu rõ các biện pháp bảo vệ, thực hành, trao truyền, để di sản thể hiện sức sống trong cộng đồng... 

Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, cảnh báo sớm về tình trạng bảo vệ di sản; đồng thời, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật đã được phân cấp cho cơ sở để kịp thời phát hiện và giải quyết những vướng mắc, bất cập trên thực tế, biểu dương gương tốt và kịp thời uốn nắn sai sót, ngăn chặn những sai phạm, xử lý vi phạm. 

Bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao ý thức chấp hành, thực thi pháp luật về di sản văn hóa; về tư duy quản lý, năng lực đội ngũ của ngành di sản văn hóa ở các cấp có chuyên môn vững vàng và đủ khả năng tổ chức thực hiện nhiệm vụ, thấm nhuần phương châm quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến. 

Ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng bộ công cụ giám sát thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, số hóa di sản để phục vụ quản lý và bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa. 

Phối hợp, kết nối có hiệu quả hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hóa ở các cấp nhằm kịp thời hỗ trợ và kiểm tra từ Trung ương đến địa phương đối với các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã được phân cấp. 

Định hướng rõ về nguyên tắc, chính sách, biện pháp phát triển di sản văn hóa nhằm bảo đảm phát huy giá trị di sản trong xã hội hiện đại; bổ sung các quy định nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc phát huy giá trị di sản trong từng lĩnh vực; bổ sung quy định về quản lý nhà nước về di sản tư liệu; quy định ngành văn hóa thống nhất quản lý một số danh hiệu được UNESCO ghi danh (di sản tư liệu thế giới và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, di sản thiên nhiên thế giới...). 

Quy định cụ thể hơn chính sách ưu đãi trong hoạt động tu bổ, phát huy giá trị di sản văn hóa, các hình thức xã hội hóa hoạt động tu bổ, phát huy giá trị của di tích; chuyển đổi sở hữu đối với các di sản thuộc sở hữu tư nhân (mua, bán, trao tặng); chính sách bảo vệ và phát triển di sản văn hóa phi vật thể, tiếng nói, chữ viết của các dân tộc ở Việt Nam; bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số; chính sách, biện pháp nhằm duy trì và phát huy giá trị văn hóa của các lễ hội truyền thống; bài trừ các hủ tục và chống các biểu hiện tiêu cực, thương mại hóa trong tổ chức và hoạt động lễ hội. 5.4. Hoàn thiện các quy định về di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thông qua việc quy định cụ thể chế độ bảo vệ, bảo quản đối với bảo vật quốc gia; thủ tục cho mượn hiện vật để trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản ở trong nước; thủ tục mua hiện vật (trong nước và hồi hương cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài); thủ tục mượn/nhập khẩu di vật, cổ vật để trưng bày, triển lãm; cơ chế, chính sách khuyến khích việc giao nộp di vật, cổ vật được phát hiện và đăng ký di vật, cổ vật thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân với cơ quan nhà nước có thẩm quyền... 

Bổ sung chức năng giáo dục của bảo tàng; xác định rõ tính đặc thù để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hệ thống bảo tàng ngoài công lập; quy định cụ thể về tiêu chí, tiêu chuẩn, nội dung, quy trình cung cấp dịch vụ và định mức kinh tế kỹ thuật, quy định giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm quyền thẩm định đối với các dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình, dự án trưng bày nội thất, ngoài trời của bảo tàng công lập... Quy định cụ thể hơn điều kiện thành lập bảo tàng; đơn giản hóa thủ tục thành lập/cấp giấp phép hoạt động bảo tàng cấp tỉnh, cấp huyện, bảo tàng ngoài công lập cũng như quy trình tổ chức trưng bày di vật, cổ vật ở nước ngoài. 

Bổ sung quy định về hoạt động liên quan đến “Quỹ bảo tồn di sản văn hóa” để huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. 

PT