Đánh giá công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sau khi được ghi danh

Kế hoạch tổ chức Hội thảo - Hội nghị - Tập huấn “Đánh giá công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sau khi được ghi danh” vừa được Bộ VHTTDL ban hành. Sự kiện dự kiến được tổ chức ngày 26 - 27/8/2023, tại Hà Nội dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Mục đích của Hội thảo nhằm đánh giá tổng thể công tác quản lý nhà nước trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục quốc gia sau khi được ghi danh tới nay; Nâng cao hiệu quả quản lý và nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý đối với các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh cũng như các di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục quốc gia; Triển khai hiệu quả tinh thần Công văn số 2973/BVHTTDL-DSVH ngày 21/7/2023 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố về việc tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. 

di-san-van-hoa-quan-ho-bac-ninh-1692932920.jpg
Dân ca quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể dại diện của nhân loại 

Xác định phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch triển khai trong thời gian tới để tiếp tục bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể theo cam kết tại hồ sơ đề cử với UNESCO và tinh thần của Công văn số 2189/BVHTTDLDSVH ngày 2/6/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành về việc xây dựng và phê duyệt dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục quốc gia trên địa bàn tỉnh/thành phố. Đồng thời trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể giữa các địa phương nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý, đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các địa phương cùng có chung di sản được ghi danh đối với những vấn đề liên quan đến chuyên môn. 

Hội thảo - Hội nghị - Tập huấn đặt ra yêu cầu phải đánh giá được thực trạng quản lý, đặc biệt là công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục quốc gia sau khi được ghi danh. 

Đánh giá hiệu quả công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục quốc gia sau khi được ghi danh (xây dựng Đề án/Dự án bảo vệ và phát huy, quá trình triển khai và kết quả thực hiện theo từng giai đoạn…). 

Các địa phương cùng có chung di sản được ghi danh chia sẻ về công tác triển khai và thực hiện công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục quốc gia tại địa phương sau khi được ghi danh (những kết quả đạt được, khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện và đề xuất giải pháp thực hiện trong giai đoạn tiếp theo; Đánh giá thực trạng và đề xuất về cơ cấu tổ chức quản lý nhà nước về di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương…). 

Việc thực hiện rà soát, đánh giá, tổng hợp nhằm cung cấp thông tin để xây dựng Báo cáo quốc gia theo định kỳ: Cách làm, khó khăn, vướng mắc…

Hội thảo - Hội nghị - Tập huấn “Đánh giá công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sau khi được ghi danh” do Bộ VHTTDL chủ trì, cùng với sự tham dự của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia; Đại diện lãnh đạo các đơn vị: Cục An ninh chính trị nội bộ (A03), Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hoá và Thể thao/ Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch của 63 tỉnh/thành phố; Đại diện lãnh đạo các đơn vị/phòng chuyên môn thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với di sản văn hóa phi vật thể của 63 tỉnh/thành phố; Chuyên viên trực tiếp phụ trách quản lý di sản văn hóa phi vật thể của các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hoá và Thể thao/Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch của 63 tỉnh/thành phố và các Ban quản lý di tích, các Bảo tàng trực thuộc các Sở; Đại diện các cơ quan nghiên cứu: Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Âm Nhạc, Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Thừa Thiên Huế, Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh, Khoa Các khoa học liên ngành - Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại diện lãnh đạo các Hội: Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, Hội Bảo vệ và phát huy di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tỉnh Nam Định; Các nghệ nhân đại diện cho cộng đồng chủ thể thực hành các di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO ghi danh và các di sản văn hoá phi vật thể được đưa vào Danh mục quốc gia của 63 tỉnh/thành phố; Đại diện các cơ quan báo chí, các phóng viên báo chí, truyền hình phụ trách lĩnh vực văn hóa.

TH