Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026: Ưu tiên tổ chức các môn Olympic, ASIAD

Với tính chất của một Đại hội Thể thao lớn nhất cả nước, được tổ chức 4 năm 1 lần, có sự tham gia của 65 tỉnh, thành, ngành, các kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc có thể xem như một kỳ SEA Games thu nhỏ.

dh-1-1701101475.jpg

Vì thế, công tác tổ chức đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, khoa học và bài bản. Với việc đăng cai Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026, thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực hết mình để tổ chức tốt Đại hội, góp phần vào thành công chung của Thể thao Việt Nam.

Đại hội không chỉ là dịp để tổng kiểm tra, rà soát lại công tác phát triển thể dục thể thao trên cả nước mà còn là dịp để Thể thao Việt Nam rà soát lực lượng hướng tới các đấu trường lớn như SEA Games, ASIAN Games, Olympic.

Theo ông Nguyễn Nam Nhân - Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh - thực hiện quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc thống nhất chủ trương để Sở Văn hoá và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh xây dựng dự thảo Đề án đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026 và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về việc đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026 tại thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua, Sở Văn hoá và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh đang tích cực xây dựng Đề án để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của việc xây dựng Đề án là nghiên cứu đề xuất dự kiến số lượng môn thể thao và nội dung thi đấu tổ chức tại Đại hội. Đây là công việc đòi hỏi phải có cái nhìn tổng quan, căn cứ vào định hướng phát triển của Thể thao Việt Nam; căn cứ trên quy định lựa chọn các môn thể thao của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á đưa ra khi Việt Nam đăng cai SEA Games 31.

dh-2-1701101476.jpg

Và một căn cứ quan trọng nữa là dựa vào thực trạng phát triển thể dục thể thao ở nước ta với mục tiêu nâng cao thành tích các môn thể thao trọng điểm; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc, chuẩn bị lực lượng vận động viên sẵn sàng tham dự thi đấu tại các Đại hội Thể thao quốc tế.

Ông Nguyễn Nam Nhân chia sẻ: “Vì thế, việc đề xuất lựa chọn các môn thi đấu tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026 của Sở Văn hoá và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh dựa trên quan điểm ưu tiên các môn thể thao có trong chương trình thi đấu của các kỳ Olympic, ASIAN Games, các môn thể thao có trong chương trình thi đấu của SEA Games mà Việt Nam có thế mạnh và một số môn thể thao dân tộc cũng như hiện đại có phong trào phát triển mạnh ở nhiều địa phương đã được quảng bá ra quốc tế. Đây là những tiêu chí lựa chọn nhằm hướng tới mục tiêu chung, coi Đại hội Thể thao toàn quốc như bước tập dượt của Thể thao Việt Nam cho các đấu trường quốc tế lớn”. 

Với các căn cứ nêu trên, Sở Văn hoá và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh đề xuất tổ chức 60 môn và phân môn thể thao trong đó được phân thành các nhóm môn thể thao gồm:

Nhóm 1 - là các môn thể thao trong chương trình thi đấu Olympic gồm: Điền kinh, Bơi, Thể dục (Thể dục dụng cụ, Thể dục nghệ thuật), Đua thuyền (Rowing, Canoeing, Kayak, Sailing), Bóng đá, Bắn súng, Bắn cung, Cử tạ, Judo, Taekwondo, Vật, Boxing, Đấu kiếm, Cầu lông, Quần vợt, Bóng chuyền, Bóng ném, Bóng rổ, Xe đạp, Bóng bàn, Golf, Karate, 3 môn phối hợp (Triathlon).

Nhóm 2 - là các môn thể thao có trong chương trình thi đấu của ASIAN Games gồm: Wushu, Pencak Silat, Cầu mây, Kurash, Ju-jitsu, Billards & Snooker.

Nhóm 3 - là các môn thể thao thường xuyên có trong chương trình thi đấu của SEA Games gồm: Sport Aerobic, Thể hình, Muay, Bi sắt, Kickboxing, Bowling, Cờ (gồm các phân môn là cờ Vua, cờ Tướng và cờ Vây), Khiêu vũ thể thao, Vovinam.

Nhóm 4 - là các môn thể thao dân tộc và các môn thể thao hiện đại với xu hướng phát triển mạnh ở nhiều địa phương gồm: Võ cổ truyền, Đá cầu, Đua thuyền truyền thống, Lân - Sư - Rồng, Đẩy gậy, Kéo co, Thể thao điện tử (E-Sport), Roller.

dh-3-1701101672.jpg

Nhiều chuyên gia cho rằng, với môn Nhảy cầu, do mới chỉ có 3 đơn vị phát triển và Bơi nghệ thuật, chỉ có 1 đơn vị phát triển nên dù có nằm trong hệ thống thi đấu Olympic nhưng cũng không nên tổ chức. Trên thực tế, phong trào phát triển 2 môn này trên cả nước không mạnh, ít địa phương có điều kiện phát triển và thành tích của 2 môn này tại các đấu trường quốc tế cũng còn khiêm tốn.

Hơn nữa, để tổ chức được 2 môn thể thao này đòi hỏi phải có hệ thống cơ sở vật chất đáp ứng được tính chuyên môn kỹ thuật rất cao. Hiện môn này mới chỉ tập trung phát triển ở nhóm vận động viên tập huấn tại Hà Nội (Nhảy cầu) và thành phố Hồ Chí Minh (Bơi nghệ thuật). Vì vậy, Sở Văn hoá và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh cũng đề xuất không đưa vào chương trình thi đấu Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X.

Hiện, Sở Văn hoá và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh đã gửi văn bản lấy ý kiến góp ý của Cục Thể dục thể thao về số môn, nội dung thi đấu trong dự thảo Đề án đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026. Việc sớm cho ý kiến và thông qua quyết định tổ chức các môn trong chương trình thi đấu của Đại hội sẽ giúp cho công tác tổ chức chủ động, chu đáo, bớt cập rập trong việc chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, ban hành Điều lệ, chuẩn bị trang thiết bị để tổ chức thi đấu.

Hy vọng, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, khoa học, bài bản cùng đội ngũ những người làm chuyên môn giàu tâm huyết và sự quyết tâm của một thành phố trẻ, năng động, sáng tạo, thành phố Hồ Chí Minh sẽ đăng cai thành công Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X - Đại hội lớn nhất của thể thao cả nước với sự tham gia tranh tài của gần 10.000 vận động viên, huấn luyện viên.