Đặc sắc Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo ở Sóc Trăng

Vào tháng 10 âm lịch hằng năm, người dân thành phố Sóc Trăng ngập tràn trong không khí náo nức, vui tươi của mùa Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo. Qua nhiều năm tổ chức thành công, Lễ hội không chỉ là món ăn tinh thần đặc trưng của đồng bào Khmer mà còn là điểm đến hấp dẫn thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến thăm và trải nghiệm.

Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo tỉnh Sóc Trăng  năm nay diễn ra từ ngày 20 đến 27/11. Trong không khí sôi động, nô nức của Lễ hội, hàng ngàn người dân đã đổ về trung tâm thành phố Sóc Trăng để được tham gia các hoạt động tham quan, trải nghiệm độc đáo, thú vị. Trong đó, hoạt động mở đầu trong chuỗi sự kiện là Liên hoan tiếng hát truyền hình tiếng Khmer khu vực Nam Bộ, lần thứ I năm 2023. Hoạt động nhằm bảo tồn, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Khmer Nam Bộ, vừa là dịp để các nghệ nhân, diễn viên không chuyên trong cộng đồng dân tộc Khmer gặp gỡ, giao lưu, biểu diễn tài năng thỏa niềm đam mê dân ca. Qua đó góp phần bảo tồn, gìn giữ dân ca dân tộc trong cộng đồng. Hòa cùng không khí vui tươi của lễ hội còn có chương trình trình diễn thả đèn nước và phục dựng ghe cà hâu rực rỡ sắc màu trên dòng sông Maspéro của các huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh. 

ghe-1701136457.jpg

Hoạt động nổi bật nhất trong chuỗi các sự kiện Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo phải kể đến giải Đua ghe ngo với sự tham gia của 46 đội ghe ngo trong và ngoài tỉnh. Giải đua đã mang đến cho du khách những cảm xúc thú vị về môn thể thao được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và Tổ chức Guinness Việt Nam công nhận Kỷ lục là môn thể thao “có số lượng ghe ngo và vận động viên nhiều nhất Việt Nam từ năm 2005 đến nay”.

Ngay từ ngày khai mạc giải Đua ghe ngo (26/11), hàng chục ngàn người dân trong và ngoài tỉnh đã tập trung dọc bờ kè sông Maspéro để theo dõi những trận tranh tài của các đội ghe ở cự ly 1.200m dành cho nam và 1.000m dành cho nữ. Trong đó có rất nhiều du khách lần đầu trải nghiệm tại lễ hội này. Sự yêu mến của người dân trong tỉnh cũng như của du khách gần xa đã giúp cho giải đấu ngày càng hấp dẫn.

Sau 2 ngày tranh tài quyết liệt (26 và 27/11), ở giải nam, đội ghe ngo chùa Tum Núp (huyện Châu Thành - tỉnh Sóc Trăng) xuất sắc đoạt giải nhất; đội chùa Ông Kho (tỉnh Sóc Trăng) đoạt giải nhì: đội chùa Sà Lôn (huyện Mỹ Xuyên - tỉnh Sóc Trăng) đoạt giải ba; đội Pong Tứk Chắc (huyện Thạnh Trị) đoạt giải tư.

Về ghe Ngo nữ, giải nhất thuộc về đội chùa Tum Núp (huyện Châu Thành); giải nhì là đội chùa Prêk Chêk (thị xã Ngã Năm - tỉnh Sóc Trăng); giải ba thuộc về đội chùa Kos Thum và giải tư là đội chùa On Đôn Chêk (cùng tỉnh Bạc Liêu).

dua-ghe-1701136502.jpg

Khi tham gia Lễ hội, du khách còn được chứng kiến nghi thức Lễ cúng trăng của đồng bào Khmer Nam Bộ với sự tham gia của các vị sư, achar, phật tử và được xem trình diễn màn đâm cốm dẹp. Cùng với các hoạt động này, nhiều du khách gần xa còn được tham quan, mua sắm nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP của các vùng, miền tại Hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền - Sóc Trăng. Hội chợ quy tụ trên 400 gian hàng của hơn 300 doanh nghiệp đến từ các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tại Hội chợ còn có các khu trưng bày, buôn bán các sản phẩm may mặc, hóa mỹ phẩm, đồ gỗ, đồ gia dụng, giống cây trồng và khu ẩm thực với những món ngon của Việt Nam, Thái Lan. Trong khuôn khổ Lễ hội, các du khách còn được chiêm ngưỡng bức tranh lớn nhất Việt Nam được làm từ gạo ST25 và thưởng thức các món ăn ngon tại Liên hoan ẩm thực đường phố, với chủ đề “Hương vị Sóc Trăng”. Đồng thời được xem triển lãm ảnh về những thành tựu nổi bật của tỉnh Sóc Trăng.

Những hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đặc sắc của đồng bào Khmer trong những ngày qua đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng du khách, góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng.

T.H