Cửu Đỉnh Huế được công nhận là Di sản Tư liệu thế giới

14 giờ 09 giờ địa phương (13 giờ 09 giờ Việt Nam) ngày 8/5/2024, tại Kỳ họp thứ 10 diễn ra ở thành phố Ulan Bator (Mông Cổ), "Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế" của Việt Nam chính thức được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO.

trao-bang-chung-nhan-1715300884.jpg
Chủ tịch MOWCAP trao bằng chứng nhận cho đại diện đoàn Việt Nam

Từ ngày 6 đến 10/5, Hội nghị toàn thể lần thứ 10 Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO diễn ra tại Mông Cổ. Trong phiên họp ngày 8/5, Hội nghị tập trung xem xét 20 hồ sơ có giá trị về nhiều mặt và đạt các tiêu chí về ý nghĩa trong khu vực, tính độc bản và tính quý hiếm. Việt Nam có một hồ sơ Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế (hay còn có tên gọi khác là Cửu đỉnh - Hoàng cung Huế) được xem xét trong đợt này.

Kỳ họp lần này được tổ chức dưới 02 hình thức trực tuyến và trực tiếp, gồm 131 đại biểu đến từ 23/46 quốc gia thành viên đại diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đoàn Việt Nam tham dự có đại diện của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Ủy ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới của Việt Nam và tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nội dung của Hội nghị toàn thể tập trung vào các nội dung: Đánh giá các hoạt động của MOWCAP đã triển khai từ năm 2022 đến 2024 thông qua báo cáo của Ban Thư ký và các quốc gia thành viên; Góp ý và thông qua một số nội dung sửa đổi trong Quy tắc đạo MOWCAP và Hướng dẫn bảo vệ di sản tư liệu của Chương trình; Xem xét 20 hồ sơ đề cử ghi vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của 11 quốc gia: Australia và Tuvalu, Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Philippine, Malaysia, Bangladesh, Uzbekistan, Mông Cổ và Việt Nam; Bầu Ban chấp hành MOWCAP nhiệm kỳ 2024 - 2028.

Sau 3 ngày làm việc liên tục, Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO thống nhất cao các nội dung sửa đổi trong Quy tắc đạo đức của MOWCAP và Hướng dẫn bảo vệ di sản tư liệu của Chương trình.

cuu-dinh-hoang-cung-hue-1715300926.jpg
Cửu đỉnh

Tại Hội nghị lần này, TS. Vũ Thị Minh Hương - nguyên Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Uỷ viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia đã tái cử chức danh Phó Chủ tịch Uỷ ban Ký ức thế giới UNESCO Khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhiệm kỳ 2024-2028. Đồng thời, toàn thể đại biểu của 23 quốc gia Thành viên bỏ phiếu thông qua 20/20 hồ sơ ghi vào Danh mục Di sản tư liệu châu Á - Thái Bình Dương thuộc các quốc gia: Australia và Tuvalu (1), Bangladesh (1), Indonesia (3), Ấn Độ (3), Malaysia (2), Mông Cổ (2), Philippin (2), Trung Quốc (3), Uzbekistan (2) và Việt Nam (1).

Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế là dương bản duy nhất, hiện đặt trước sân Thế Tổ Miếu trong Hoàng cung Huế, gồm 162 hình ảnh và chữ Hán được vua Minh Mạng cho đúc tại Huế vào năm 1835 và hoàn thành năm 1837. Đây là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài rất quan tâm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa - giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp. Đặc biệt là đề cao thân phận của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến, vua Minh Mạng đã dùng hình thức đặt tên người phụ nữ lên dòng kênh để ghi dấu công lao, điều mà rất hiếm thấy dưới chế độ phong kiến. Đáng lưu ý nhất là nghệ thuật đúc đồng và kỹ thuật của người thợ để tạo nên tác phẩm đặc sắc, độc đáo. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng sâu đậm nền văn hóa phương Đông về quan niệm con số "9" và đúc chín đỉnh là bao hàm ý nghĩa tính thống nhất và trường tồn của triều đại.

Các bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng đảm bảo tính nguyên vẹn, là "nhân chứng" lịch sử chứng kiến sự thăng trầm của triều đại và điều quan trọng nhất là di sản tư liệu này được thể hiện dưới dạng hình ảnh và chữ Hán vẫn còn nguyên vẹn và ngay cả vị trí đặt chín chiếc đỉnh cũng chưa từng bị dịch chuyển.

ban-duc-noi-tren-chin-dinh-dong-o-haonfg-cung-hue-1715300951.jpeg
Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế

Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế còn lưu trữ các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của đất nước Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á. Di sản tư liệu đã được nhất trí ghi danh với sự đồng thuận đánh giá cao của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới và 23/23 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương tham dự Hội nghị này.

Việc Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế được ghi danh Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đã nâng tổng số di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO ghi danh lên 10 di sản (gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 7 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương). Đây là những minh chứng cụ thể vững chắc cho đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành được Chính phủ thông qua trình Quốc hội cho phép mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Di sản văn hóa để bổ sung loại hình mới là di sản tư liệu, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động quản lý, bao vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của Việt Nam, dự kiến được Quốc hội khóa 15 thảo luận cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8, năm 2024.

Đây cũng chính là một trong những hoạt động thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của Việt Nam - thành viên tích cực của UNESCO trong việc nỗ lực nội luật hóa các điều ước quốc tế, chương trình về di sản văn hóa mà Việt Nam là thành viên.

Như vậy, tính đến hiện tại, Cửu đỉnh - Hoàng cung Huế là Di sản Tư liệu thứ 4 của Huế được UNESCO ghi danh, sau các di sản Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014) và Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế (2016). Năm 2012, Cửu đỉnh Huế được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Cửu Đỉnh (9 đỉnh) đặt tại sân Thế Miếu trong Hoàng Thành. Chín đỉnh này được đúc từ cuối năm 1835 đến đầu năm 1837 thì hoàn thành. Ngày 4/3/1837, triều đình tổ chức lễ khánh thành rất lớn dưới sự chủ trì trực tiếp của Vua Minh Mạng.

Cửu Đỉnh biểu thị ước mơ về sự trường tồn mãi mãi của triều đình nhà Nguyễn và sự giàu đẹp của đất nước. Điều đó được thể hiện rất rõ trong việc đặt tên gọi cũng như tầm vóc và các họa tiết chạm nổi trên mỗi đỉnh.

Tên Đỉnh cũng chính là tên thụy của Vua sau khi mất được đưa vào thờ tại Thế Miếu: Cao Đỉnh (“Cao” miếu hiệu của vua Gia Long) được đặt ở chính giữa rồi tiếp đến hai bên trái, phải là Nhân Đỉnh (“Nhân” là miếu hiệu của Vua Minh Mạng), Chương Đỉnh (“Chương” là miếu hiệu của Vua Thiệu Trị), Anh Đỉnh (“Anh” là miếu hiệu của Vua Tự Đức), Nghị Đỉnh (“Nghị” là miếu hiệu của Vua Kiến Phúc), Thuần Đỉnh (“Thuần” là miếu hiệu của Vua Đồng khánh), Tuyên Đỉnh (“Tuyên” là miếu hiệu của Vua Khải Định); còn Dũ Đỉnh và Huyền Đỉnh chưa kịp tượng trưng cho Đua nào thì cách mạng tháng Tám đã xóa bỏ vĩnh viễn vương triều nhà Nguyễn.

Chín đỉnh được sắp thành một hàng ngang dưới thềm Hiển Lâm Các, mỗi đỉnh đều được đặt trên một phiến đá lớn rất vững vàng, nằm theo thứ tự đối diện với các án thờ trong Thế Miếu. Riêng Cao Đỉnh được đặt nhích về phía trước 3m với hàm ý để tôn vinh công lao to lớn của vị vua đầu tiên của triều đại.

Giá trị của Cửu Đỉnh trước hết nằm ở tầm vóc to lớn và trình độ đúc đồng tinh xảo của những người thợ thủ công Phường Đúc, Huế. Chiếc cao nhất tới 2,5m, chiếc thấp nhất 2,3m. <st1:place w:st="on">Chu vi vòng lưng từ 4,64m tới 4,72m. Trọng lượng chiếc nặng nhất 2061kg, chiếc nhẹ nhất 1935kg. Các cặp quai trên miệng đỉnh không hoàn toàn giống nhau, cặp đúc vuông, cặp đúc tròn, cặp xoắn theo kiểu dây thừng. Chân đỉnh cũng khác nhau, có bộ uốn theo kiểu chân quỳ, có bộ đúc thẳng...

Về mỹ thuật, mỗi đỉnh có 17 bức hình chạm nổi chủ đề về trời biển, núi sông, chim, cá, hoa, quả và binh khí (những danh thắng, sản vật nổi tiếng của Việt Nam). Tất cả 153 mảng hình trên Cửu Đỉnh là 153 bức chạm độc lập, hoàn chỉnh, là sự kết hợp điêu luyện giữa nghệ thuật đúc và chạm nổi đồ đồng nước ta hồi đầu thế kỷ XIX.

Nguồn:thuathienhue.gov.vn

T.H