Công bố Festival Huế 2024 “Di sản Văn hóa với hội nhập và phát triển”

Tỉnh Thừa Thiên Huế công bố Festival Huế 2024 và tái hiện Lễ Ban sóc triều Nguyễn tại Quảng trường Ngọ Môn, Đại Nội Huế vào ngày 1/1/2024. 

cong-bo-chuoi-cac-hoat-dong-hue-2024-1704116862.jpg
Ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế - công bố chuỗi các hoạt động Festival Huế 2024. Ảnh: VGP

Festival Huế 2024 với chủ đề “Di sản Văn hóa với hội nhập và phát triển” mang một ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh Thừa Thiên Huế phấn đấu sớm hoàn thiện mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Festival Huế 2024 có chủ đề “Di sản Văn hóa với hội nhập và phát triển” sẽ tổ chức các hoạt động liên tục, kéo dài trong suốt năm, 2024, mở đầu bằng Lễ hội sân khấu hóa tái hiện Lễ Ban sóc triều Nguyễn ngày 1/1 và kết thúc bằng Chương trình Countdown ngày 31/12 với điểm nhấn là Tuần lễ Festival Huế 2024 diễn ra từ ngày 7 đến 12/6.

Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu trong việc tổ chức một hình thái lễ hội đương đại mang tầm quốc gia, quốc tế. Trải qua hơn 24 năm tồn tại và phát triển, Festival Huế đã trở thành một sự kiện được chú ý trong hệ thống các Festival trên thế giới. Từ những thành quả, kinh nghiệm thu được, Tuần lễ trọng điểm Festival Huế 2024 (7/6-12/6) sẽ tiếp tục triển khai chuỗi hoạt động Festival nghệ thuật chất lượng cao, quy tụ các nghệ sĩ của Huế, các vùng văn hóa Việt Nam và các đoàn nghệ thuật đặc sắc Quốc tế.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung, cho biết, Festival Huế 2024 sẽ được tổ chức với các hoạt động liên tục, kéo dài trong suốt năm với định hướng 4 mùa.

Lễ hội Mùa Xuân trải dài 3 tháng đầu năm (từ tháng 1-3) bao gồm các lễ hội mang tính chất tái hiện nghi lễ cung đình, lễ hội dân gian truyền thống đặc thù, với điểm nhấn là chương trình công bố Festival Huế 2024 và lễ Ban Sóc cùng nhiều chương trình Tết Huế xưa phong phú, độc đáo qua những phong tục đón Tết, những không gian văn hóa Tết truyền thống, các hoạt động vui chơi giải trí ngày xuân của Kinh đô xưa kết hợp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thừa Thiên Huế.

Lễ hội mùa Hạ (từ tháng 4-6) lấy Tuần lễ Festival Huế 2024 với chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển" làm điểm nhấn, diễn ra từ ngày 7 đến 12/6. Đây là tuần lễ cao điểm hội tụ nhiều đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế. Đặc biệt, với các không gian di sản được phục hồi, điển hình như điện Kiến Trung sẽ được tương tác với các chương trình nghệ thuật, kỳ vọng sẽ đưa đến cho công chúng những trải nghiệm mới lạ về Festival Huế.

Lễ hội mùa Thu (từ tháng 7-9) với điểm nhấn là các hoạt động vui Tết Trung thu, Hội đèn lồng quốc tế Huế 2024 kết hợp với các hoạt động trưng bày, sắp đặt, rước đèn lồng, quảng diễn múa lân, cùng các chương trình nghệ thuật đặc sắc.

Lễ hội mùa Đông (từ tháng 10-12) sẽ tổ chức các chương trình mới tạo cho không khí mùa đông xứ Huế sôi động, âm áp hơn, đồng thời tạo ra các loại hình vui chơi, giải trí cho du khách thưởng ngoạn trong thời gian lưu lại Cố đô Huế với điểm nhấn là Tuần lễ Âm nhạc Huế và Chương trình Countdown chào đón năm 2025.

Ngoài ra, Festival Huế 2024 còn nhiều chương trình hưởng ứng khác như lễ hội, liên hoan, trưng bày, triển lãm...

tai-hien-le-ban-soc-trieu-nguyen-1704116939.jpg
Tái hiện Lễ Ban sóc triều Nguyễn. Ảnh: VGP

Ngay sau hoạt động công bố Festival Huế 2024 đã diễn ra Lễ Ban sóc triều Nguyễn được tái hiện theo hình thức sân khấu hóa, giới thiệu đến với người dân và du khách những giá trị văn hóa lễ hội gắn liền với di sản, đồng thời là hoạt động tạo nên không khí vui tươi, có ý nghĩa trong dịp năm mới, góp phần quảng bá hình ảnh khu di sản cố đô Huế. Đây là hoạt động khởi động Festival Huế 2024 định hướng tổ chức lễ hội bốn mùa, là sự mở đầu cho một năm mới với nhiều hy vọng mới về sự phát triển của vùng đất Cố đô Huế.

Ban Sóc là lễ phát lịch ngày xưa của triều Nguyễn, được tổ chức định kỳ vào cuối năm âm lịch. Người Việt xưa lấy kinh tế nông nghiệp làm trọng, nên quyển lịch đối với đời sống con người lại có ý nghĩa đặc biệt. Xem lịch để theo dõi thời gian, thời tiết mà làm nông vụ. Xem lịch để biết được sự thay đổi tiết trời mà ứng phó, phòng tránh thiên tai.

Hằng năm, sau khi nha Khâm Thiên Giám soạn lịch xong, triều đình tổ chức Lễ Ban Sóc dưới sự điều hành của hai viên ở bộ Lễ và Khâm Thiên Giám. Lịch được tiến vào Hoàng Cung để cho Hoàng gia dùng; lịch được phát cho các quan ở Kinh Thành, ở các địa phương và phân phát lại trong dân chúng sử dụng. Lễ Ban Sóc vốn được tổ chức ở sân điện Thái Hòa. Vào năm Tân Sửu 1841, lần đầu tiên, Lễ Ban Sóc được hoàng đế Minh Mạng chỉ dụ thực hiện ở Ngọ Môn.

L.H