Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa phải có trọng tâm, trọng điểm, làm rõ các nội dung cần ưu tiên thực hiện, tạo đột phá trong phát triển văn hóa

Trong đợt 1 của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã có thảo luận tổ để cho ý kiến về Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Nhiều vấn đề đã được các đại biểu đề cập như cần phân định rõ trách nhiệm của cơ quan theo hướng tinh gọn về đầu mối, tăng cường phân cấp, phân quyền, bảo đảm hiệu quả trong công tác quản lý; xây dựng có trọng tâm, trọng điểm, làm rõ các nội dung cần ưu tiên thực hiện của Chương trình; các nhiệm vụ cụ thể, cơ chế, giải pháp; triển khai các nội dung thành phần; phạm vi quy mô, thời gian để thực hiện Chương trình đúng tiến độ và hiệu quả nhất...

pho-chu-tich-quoc-hoi-nguyen-duc-hai-phat-bieu-tai-phien-thao-luan-to-5-1718074774.jpg
 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đặt vấn đề: thay vì gọi là Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa thì chuyển thành Chương trình quốc gia về phát triển văn hóa không? Ảnh: quochoi.vn

Cần nâng lên thành Chương trình quốc gia về phát triển văn hóa

Cho ý kiến tại tổ thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tán thành với chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa ở thời điểm hiện nay và cho rằng, việc đầu tư Chương trình này có đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn; tiếp tục khẳng định các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đặt vấn đề: thay vì gọi là Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa thì chuyển thành Chương trình quốc gia về phát triển văn hóa không? Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, phát triển con người, phát triển văn hóa là một chiến lược dài hạn của mỗi quốc gia, không chỉ thực hiện trong 10 hay 20 năm như đề xuất được Chính phủ đưa ra tại Tờ trình về chương trình này.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Chương trình quốc gia về phát triển văn hóa sẽ đưa ra những mục tiêu cơ bản, tổng quát, cũng như các giải pháp cơ bản, đặc biệt là đưa ra quan điểm chi phối trong dài hạn để tương xứng với vị trí của một chương trình quốc gia. Và trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, chương trình quốc gia này sẽ thực hiện cụ thể bằng các kế hoạch đầu tư công trung hạn, yêu cầu dự toán ngân sách chi thường xuyên hằng năm phải bố trí cho thực hiện . 

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh “Xác định theo hướng này sẽ giải quyết được bài toán vừa bảo đảm có chi thường xuyên, vừa có chi đầu tư công. Hơn nữa, nếu bây giờ đưa ra ngay danh mục các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia này thì có chắc chắn về tính khả thi hay không khi mà điều kiện thực tế có thể thay đổi trong thời gian tới”.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nếu vẫn xây dựng chương trình này theo mô hình của một chương trình mục tiêu quốc gia thông thường thì sẽ “mắc” rất nhiều trong quá trình triển khai. Do vậy, cần xây dựng một chương trình tổng thể, Quốc hội quyết định các mục tiêu cơ bản để trên cơ sở đó giao Chính phủ cụ thể hóa trong từng giai đoạn. Ở mỗi giai đoạn, Chính phủ sẽ xác định nhiệm vụ cụ thể, lượng vốn đầu tư thực hiện, thậm chí xác định cả những yếu tố về vật chất, phi vật chất, chính sách hỗ trợ thực hiện…

Tránh trùng lập về nội dung, phạm vi, đối tượng thụ hưởng

Đóng góp ý kiến vào chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 -2035, các đại biểu Quốc hội Tổ 12 cho rằng, Chương trình cần có tính kế thừa nhưng không trùng lặp, chồng chéo với chương trình, đề án đã được phê duyệt và đang triển khai. Ngoài ra, cần phân công rõ trách nhiệm của cơ quan theo hướng tinh gọn về đầu mối, tăng cường phân cấp, phân quyền, bảo đảm hiệu quả trong công tác quản lý... Đa số các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, việc đầu tư xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025-2035 là rất cần thiết.

Chương trình nhằm cụ thể hoá định hướng “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Chương trình cũng góp phần tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa”, phấn đấu hoàn thành một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII đã đặt ra: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình) nêu quan điểm: Chương trình có đối tượng, phạm vi rộng với nhiều nội dung khó, có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Để tránh chồng chéo, trùng lặp về mục tiêu, đối tượng thụ hưởng, nội dung, nguồn vốn thực hiện, bảo đảm tính khả thi, đại biểu cho rằng, cần làm rõ và thống nhất quan điểm, nguyên tắc xây dựng Chương trình.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình cần phải được xây dựng có trọng tâm, trọng điểm, làm rõ các nội dung cần ưu tiên thực hiện trước, nhằm tạo ra các đột phá trong phát triển văn hóa, trong đó chú ý các nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết trong bảo tồn, phát triển văn hóa, phát triển con người toàn diện, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; các nhiệm vụ mà Nhà nước cần đầu tư để dẫn dắt, định hướng, chi phối, tạo ra nền tảng để thu hút toàn xã hội tham gia phát triển văn hóa; nhiệm vụ về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số… trong lĩnh vực văn hóa; hỗ trợ các khu vực có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga cũng cho rằng, cần đánh giá đầy đủ, toàn diện, chính xác thực trạng, nhu cầu để có cơ sở xác định chính xác mục tiêu, nhiệm vụ đầu tư; tính toán khả năng, mức độ đáp ứng của các nguồn vốn; tính khả thi, hiệu quả của các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, sản phẩm của Chương trình. Chương trình cần có tính kế thừa nhưng không trùng lặp, chồng chéo với chương trình, đề án đã được phê duyệt và đang triển khai. Ngoài ra, cần phân công rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì, các cơ quan phối hợp theo hướng tinh gọn về đầu mối, tăng cường phân cấp, phân quyền, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý và thuận lợi trong triển khai thực hiện.

dai-bieu-nguyen-thi-thu-ha-doan-quang-binh-1718074884.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình) phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: quochoi.vn

Nêu quan điểm về Chương trình, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình) cho rằng, chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 là cần thiết nhưng các điều khoản trong Chương trình cần có sự đồng bộ với các dự án luật khác, tránh trùng lặp về nội dung, phạm vi, đối tượng thụ hưởng.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, sự đầu tư về các thiết chế văn hóa cũng là rất cần thiết, nhưng trong tổng thể Chương trình còn đang rất mờ nhạt, thậm chí là chưa có bóng dáng của cộng đồng, Nhân dân và của các phong trào, thiết chế văn hóa cơ sở. Ngoài ra, nguồn vốn để thực hiện Chương trình nên được huy động từ doanh nghiệp hay người dân thì Ban soạn thảo chủ trương đầu tư Chương trình cần làm rõ hơn về những nội dung này.

Phân công, phân quyền cụ thể 

Thảo luận tại Tổ 10 về Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, nhiều đại biểu thống nhất về sự cần thiết đầu tư Chương trình như Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần phân công, phân quyền cụ thể, rõ ràng, hợp lý và gọn các đầu mối, tránh chồng chéo, tạo điều kiện thuận lợi cho các Bộ, ngành ở Trung ương cũng như các địa phương trong thực hiện Chương trình.

dai-bieu-tran-thi-hoa-ry-doan-bac-lieu-1718075647.jpg
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu) . Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu) nhấn mạnh, nếu tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 (Chương trình) sẽ giải quyết được những bất cập, hạn chế trong thực hiện chính sách phát triển văn hóa hiện nay, tạo nên bước chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa của Nhân dân, khắc phục sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần rà soát, giảm thiểu sự trùng lặp về nội dung trong các chương trình đang triển khai thực hiện. Mặt khác, tập trung nguồn lực đầu tư trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tính độc lập tương đối của chương trình nhưng tranh thủ phù hợp nguồn lực các chương trình khác.

Qua rà soát việc bảo đảm chính sách dân tộc của Chương trình, đại biểu Trần Thị Hoa Ry nhận thấy, tại Nội dung 4 về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc chưa thể hiện rõ các mục tiêu, nhiệm vụ của Dự án 6 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Về đối tượng thụ hưởng của chương trình, Chương trình xác định 07 nhóm đối tượng thụ hưởng, trong đó có một số đối tượng, gồm: Người dân, cộng đồng dân cư tại các vùng miền của Tổ quốc; Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; Công chúng, khán giả, đặc biệt là công chúng trẻ; Các thiết chế văn hóa, không gian văn hóa, sáng tạo; Đội tuyên truyền lưu động; Các cơ sở, địa điểm vui chơi cho trẻ em; Các bảo tàng trong hệ thống bảo tàng công lập; Di vật, bảo vật, cổ vật quốc gia. 

Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát các đối tượng thụ hưởng của Chương trình theo hướng khái quát, tránh bỏ sót và trùng lặp về đối tượng thụ hưởng của Chương trình. Rà soát cơ sở pháp lý của các đối tượng thụ hưởng để quản lý chặt chẽ nguồn lực đầu tư.

Cho ý kiến về thời gian thực hiện Chương trình, Tờ trình của Chính phủ đề xuất thời gian thực hiện Chương trình là 11 năm (từ năm 2025 đến năm 2035), chia thành 03 giai đoạn, trong đó: giai đoạn 1, năm 2025; giai đoạn 2, từ 2026-2030; giai đoạn 3, từ 2031-2035, đại biểu Nguyễn Văn Huy đề xuất việc xây dựng Chương trình trong khoảng 10 năm là phù hợp để bảo đảm thực hiện các mục tiêu dài hạn và nên chia thời gian thực hiện Chương trình theo hai giai đoạn là 2026-2030 và 2031-2035 để bảo đảm phù hợp với quy định tại Luật Đầu tư công.

Bên cạnh đó, việc chia thành 2 giai đoạn 2026-2030 và 2031-2035 sẽ đảm bảo tính khả thi trong việc phân bổ nguồn vốn, phù hợp với giai đoạn kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia và Kế hoạch đầu tư công trung hạn; đồng thời thuận tiện trong công tác theo dõi, đánh giá.

Đối với năm 2025, các hoạt động chuẩn bị cho triển khai Chương trình, như: xây dựng cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn,… nên phân công cho các cơ quan thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ và được bố trí kinh phí trong phương án dự toán chi thường xuyên của cơ quan theo phân cấp ngân sách Nhà nước năm 2025.

Đại biểu Lê Thị Ngọc Linh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu) nêu quan điểm, việc triển khai Chương trình ở thời điểm hiện nay là phù hợp, góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về phát triển văn hóa đề ra trong các nghị quyết của Đảng, ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và Kết luận của Hội thảo Văn hóa năm 2022 về “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”; đồng thời, đáp ứng với yêu cầu của sự phát triển của đất nước hiện nay.

Đại biểu nêu ý kiến đề nghị Chính phủ cần có sự phân công, phân quyền cụ thể, rõ ràng, hợp lý và gọn đầu mối, tránh chồng chéo và cũng phù hợp với nhiệm vụ chức năng để nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các Bộ, ngành ở Trung ương cũng như các địa phương trong thực hiện chương trình, góp phần thực hiện đạt hiệu quả và chất lượng của chương trình.

Một số ý kiến đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc một số nội dung thực hiện tại nước ngoài. dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần tham khảo các ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học và cần đánh giá tác động kỹ lưỡng, toàn diện về sự cần thiết đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài trong điều kiện hiện nay. Trong khi ở Việt Nam việc đầu tư cho các trung tâm văn hoá còn rất hạn chế, nhất là ở các địa phương còn thiếu trầm trọng các khu vui chơi, giải trí cho các em thanh thiếu nhi và người dân; các thiết chế văn hoá ở một số địa phương xuống cấp trầm trọng và chưa có nguồn kinh phí để sửa chữa.

to-5-tham-gia-phien-thao-luan-1718074998.jpg
Các đại biểu thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Ảnh: quochoi.vn

Tạo sự chuyển biến căn bản trong sự nghiệp phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết đầu tư Chương trình như Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư của Chính phủ và cho rằng, việc đầu tư Chương trình ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn; tiếp tục khẳng định các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hoá đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước; góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về phát triển văn hóa đề ra trong các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã  hội 10 năm 2021-2030; ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và Kết luận của Hội thảo Văn hóa năm 2022 về “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng, việc thực hiện Chương trình sẽ góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hoá thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Phát biểu tại Phiên họp thảo luận tại tổ, đại biểu Lê Thu Hà (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai) bày tỏ nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục về sự cần thiết đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Đồng thời cho rằng, Chương trình nếu được thông qua và triển khai thành công sẽ giúp đất nước có được một nguồn lực đầy đủ, với những đầu tư mang tính trọng tâm, trọng điểm, khơi nguồn các đầu tư xã hội cho văn hoá, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của quốc gia.

Quan tâm đến việc phân chia các dự án thành phần và phạm vi hoạt động của Chương trình, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, hiện nay Chương trình đang xây dựng theo nhóm nội dung thành phần mà chưa có danh mục dự án. Theo đại biểu, Chính phủ cần thiết kế phân chia thành các dự án thành phần theo Luật Đầu tư công với phạm vi thực hiện trong cả nước.

Hiện nay, trong dự thảo Chương trình, có nội dung quy định ngoài việc thực hiện Chương trình trong cả nước, còn thực hiện ở cả một số nước trên thế giới có quan hệ ngoại giao với Việt Nam hoặc có quan hệ văn hóa lâu đời với Việt Nam, các quốc gia có công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập, lao động và đặc biệt là việc xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Theo đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, đây là bước đi mạnh dạn trong quá trình hội nhập văn hóa của nước ta, sẽ góp phần tạo điều kiện quảng bá văn hóa đất nước ra thế giới và cũng là cầu nối, tiếp thu những tinh hoa văn hóa thế giới về Việt Nam.

Đối với các dự án trong Chương trình, các đại biểu đề nghị cần rà soát kỹ để tránh sự trùng lặp với các dự án trong 03 Chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình xây dựng nông thôn mới, đảm bảo không trùng về đối tượng, không trùng về mục tiêu và không trùng về nguồn vốn… Bởi trong 03 Chương trình mục tiêu quốc gia đều có các chương trình, dự án liên quan đến văn hóa. Ví dụ như xây dựng cơ sở vật chất về văn hóa, thể thao ở cấp xã, thôn, các trung tâm văn hóa cấp huyện, các dự án về tu bổ, tôn tạo các di tích văn hóa, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống…

Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 đang được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận tại hội trường vấn đề này trong đợt 2 của Kỳ họp (dự kiến diễn ra từ ngày 17-28/6).

TH