Chung tay Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam

Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” được chính thức phê duyệt theo Quyết định số 1462/QĐ-BTNMT ngày 02 tháng 07 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam thông qua việc hỗ trợ xây dựng các văn bản hướng dẫn để thực hiện các chính sách ưu tiên liên quan đến chất thải nhựa, các hoạt động truyền thông, tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với chất thải nhựa, nhằm hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 tại Việt Nam.

Trước thách thức ô nhiễm nhựa ngày càng lớn, các nước ASEAN cũng đã có cam kết về bảo vệ môi trường biển, giảm thiểu ô nhiễm nhựa và lĩnh vực thể thao tại Đông Nam Á cũng không nằm ngoài cam kết này. Năm 2022, Việt Nam vinh dự trở thành chủ nhà đăng cai tổ chức Đại hội thể thao Đông Nam Á - SEA Games lần thứ 31. Với tinh thần “Vì một Đông Nam Á khỏe mạnh hơn”, Đại hội không chỉ hướng tới mục tiêu công bằng, đúng tinh thần fair-play, mà còn hướng đến tổ chức một kỳ Đại hội xanh - sạch - đẹp, thân thiện với môi trường. Trên cơ sở đồng ý chủ trương của Tổng cục Thể dục Thể thao và Ban Tổ chức SEA Games 31, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) thông qua Dự án Giảm thiểu Rác thải nhựa Đại dương phối hợp triển khai các hoạt động ý nghĩa, góp phần thực hiện Kế hoạch Quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 và hướng tới xây dựng kinh tế tuần hoàn gắn với các mục tiêu về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

thu-gom-rac-1654128341.jpg
Người dân chung tay thu gom rác ven biển

Các hoạt động giảm nhựa này cũng là một trong những nỗ lực của WWF về bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam trong đó có Sao la - một trong những loài đặc hữu quý hiếm được chọn là linh vật của SEA Games lần này. SEA Games 31 cũng đánh dấu lần đầu tiên một loài động vật quý hiếm, một biểu tượng đặc trưng của đa dạng sinh học Việt Nam được lựa chọn làm linh vật. Sự lựa chọn này mang dấu ấn của WWF tại Việt Nam, tổ chức cung cấp toàn bộ thông tin sinh thái học về loài thú móng guốc được mệnh danh là Kỳ lân châu Á, cho bản đề xuất cuối cùng trình Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch khi lựa chọn linh vật mang tính biểu tượng cho SEA Games 31.

Nguyên tắc 4T (Từ chối - Tiết giảm - Tái sử dụng - Thu gom/Tái chế) được thúc đẩy như một phần của các hoạt động truyền thông trong chiến dịch, bên cạnh thông điệp giảm thiểu và tái chế chất thải nhựa không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn là giải pháp giúp giải quyết bài toán về nguồn nguyên liệu nhựa trong nước. Hiện nay khoảng 80% sản phẩm nhựa sản xuất tại Việt Nam được nhập khẩu nhựa nguyên liệu từ nước ngoài. Một phần các sản phẩm dành cho xuất khẩu, số còn lại sau quá trình sử dụng tại Việt Nam được thải bỏ và tồn tại dưới dạng rác thải nhựa công nghiệp và nhựa dân dụng. Chỉ số ít trong này là được tái chế và xử lý hợp lý, còn lại là được đem thải bỏ vào các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, thậm chí là thải bỏ trực tiếp ra môi trường. Thực trạng này ước tính gây thiệt hại từ 2,2 - 2,9 tỷ USD giá trị vật liệu tiềm tàng từ tái chế nhựa mỗi năm tại Việt Nam.

dung-lan-1654128424.jpg
Dùng làn đi chợ thay túi nilong

Mỗi người dân nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động chống rác thải nhựa bằng các sáng kiến và hành động cụ thể, thiết thực. Thay đổi thói quen, nói không với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi ni-lông thông qua việc mua sắm, trong sinh hoạt, làm việc, lao động thường ngày; sử dụng thay thế bằng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường. Tham gia tích cực các hoạt động bảo vệ môi trường tại nơi sinh sống bằng những hành động nhỏ nhất như phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải, sử dụng tiết kiệm nguyên, nhiên liệu; lên án kịp thời những hành vi gây ô nhiễm môi trường, thói quen sử dụng lãng phí tài nguyên, năng lượng…

Minh Anh