Cùng dự có Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy và lãnh đạo Văn phòng Bộ, Cục Văn hóa cơ sở, Cục Điện ảnh, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, các cơ quan báo chí của Bộ VHTTDL và các đơn vị liên quan.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và ý kiến kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021; Căn cứ Công văn số 5793- CV/VPTW ngày 29 tháng 12 năm 2022 của Văn phòng Trung ương Đảng về việc chuẩn bị đề án theo Chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2023, Bộ VHTTDL phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng và các cơ quan có liên quan tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Cội nguồn và động lực phát triển". Hội thảo dự kiến diễn ra ngày 27/2 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế số 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội và được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Hội thảo nhằm cung cấp cho các nhà quản lý, các nhà khoa học, giới thực hành văn hóa nghệ thuật và các tầng lớp nhân dân những hiểu biết về ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị to lớn và tầm ảnh hưởng của Đề cương về Văn hóa Việt Nam trong 80 năm qua.
Hội thảo huy động sự tham gia của các cơ quan tham mưu, chỉ đạo, quản lý văn hóa và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia văn hóa trong cả nước nhằm làm rõ các giá trị cốt lõi của Đề cương Văn hóa Việt Nam; quá trình vận dụng, phát huy giá trị của Đề cương về Văn hóa Việt Nam trong tiến trình lịch sử; những thành tựu mà văn hóa Việt Nam đã đạt được dưới ánh sáng của bản Đề cương và đường lối văn hóa của Đảng. Đồng thời làm rõ các vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện trong quá trình vận dụng giá trị của Đề cương Văn hóa Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả giá trị của văn kiện này vì mục tiêu phát triển văn hóa theo hướng bền vững theo yêu cầu của bối cảnh đương đại.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, cùng với Hội thảo, Bộ VHTTDL tổ chức thực hiện Chương trình Lễ kỷ niệm 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam dự kiến diễn ra ngày 28/2 tại Nhà hát Lớn Hà Nội và hoàn thành 01 bộ phim tài liệu chiếu trên Đài truyền hình Việt Nam ngày 26/2 và các đài truyền hình các địa phương trong dịp này.
Theo Bộ trưởng, thông qua các hoạt động kỷ niệm, giúp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, nhất là những người làm công tác văn hoá, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ cả nước tiếp tục quán triệt sâu sắc, toàn diện và đồng bộ hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng về văn hoá, văn nghệ, đặc biệt là quan điểm của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII về xây dựng và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam và Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ngày 24/11/2021.
Báo cáo tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết, Hội thảo sẽ có sự tham gia của khoảng 100 đại biểu tham dự trực tiếp gồm Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban Tuyên giáo, Bộ VHTTDL, các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa, các văn nghệ sĩ… Bên cạnh đó, hội thảo có sự tham gia của các đại biểu tại 63 điểm cầu trên 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Với 60 tham luận, hội thảo sẽ đề cập đến hai nội dung gồm: (1) Nhìn lại và khẳng định giá trị của Đề cương về Văn hóa Việt Nam (Nhận diện và làm rõ các giá trị cốt lõi của Đề cương về Văn hóa Việt Nam; Phân tích quá trình vận dụng, phát huy giá trị của Đề cương về Văn hóa Việt Nam trong tiến trình lịch sử) và (2): Dân tộc, đại chúng, khoa học- động lực phát triển văn hóa theo hướng bền vững (Phân tích và làm rõ các yêu cầu phát triển văn hóa theo hướng bền vững trong bối cảnh hiện nay; Phân tích và đánh giá khả năng vận dụng các nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa của Đề cương vào thực tiễn phát triển văn hóa Việt Nam theo hướng bền vững; Đề xuất các giải pháp xây dựng, kiện toàn thể chế nhằm tạo động lực, phát huy giá trị của Đề cương vì mục tiêu phát triển văn hóa theo hướng bền vững).
Tại buổi làm việc, các đơn vị cũng đã báo cáo tiến độ thực hiện, xây dựng kịch bản bộ phim tài liệu 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam; chương trình lễ kỷ niệm 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam đồng thời nghe những ý kiến đóng góp từ các đơn vị liên quan.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Hội thảo nhằm tiếp tục nghiên cứu, khẳng định và tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, lâu bền của Đề cương về Văn hóa Việt Nam đồng thời đánh giá quá trình kế thừa, vận dụng và phát triển những nội dung cốt lõi của văn kiện quan trọng này. Vì vậy, công tác chuẩn bị cho Hội thảo phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, thu hút các nhà khoa học, nhà nghiên cứu có uy tín tham dự Hội thảo, đặt chất lượng các tham luận lên hàng đầu.
Bộ trưởng giao Văn phòng Bộ kết nối, phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia chủ động hoàn thành Kế hoạch tổ chức Hội thảo để lãnh đạo Bộ báo cáo với Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp triển khai tổ chức.
Đối với chương trình lễ kỷ niệm, về chương trình nghệ thuật, Bộ trưởng cho rằng, đây không chỉ là chương trình nghệ thuật mà là chương trình chính trị văn hóa. Vì vậy, cần đổi mới cách làm, thể hiện được những vấn đề có ý nghĩa lịch sử, nhưng vẫn phải mới lạ, hấp dẫn.
Về phim tài liệu, Bộ trưởng yêu cầu các thành phần tham gia chủ động triển khai thực hiện, đảm bảo chất lượng và tiến độ.
"Với tinh thần chủ động, không được phép sai sót, làm việc bằng tất cả sức mạnh tổng hợp của các đơn vị của Bộ, ba việc trên phải hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng cao nhất"- Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu.
Bộ trưởng cũng yêu cầu đẩy mạnh truyền thông trước, trong và sau Hội thảo, chương trình lễ kỷ niệm trên các cơ quan báo chí, Đài truyền hình. Bên cạnh đó, các đơn vị báo chí của Bộ đẩy mạnh truyền thông 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam; xây dựng tuyến bài tuyên truyền về các hoạt động kỷ niệm của Bộ VHTTDL cũng như các hoạt động kỷ niệm của các Bộ, ngành, các địa phương theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương.