Chính sách, nguồn lực xây dựng và phát triển Hội An - Thành phố sáng tạo toàn cầu

Đó là chủ đề của Hội thảo do UBND thành phố Hội An (Quảng Nam) vừa tổ chức. Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn và Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam Nguyễn Thị Thu Phương đồng chủ trì Hội thảo.  

hoi-thao-hoi-an-1718603609.jpg
Hội thảo được tổ chức nhằm tiếp thu ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học về nguồn lực, chính sách mà thành phố có thể huy động để thực hiện các cam kết trong quá trình gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN)

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết, ngày 31/10/2023, Hội An đã chính thức gia nhập thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trên lĩnh vực "Thủ công và nghệ thuật dân gian". Từ khi gia nhập vào mạng lưới thành phố sáng tạo, Hội An luôn nỗ lực không ngừng để thực hiện tốt vai trò của một thành viên; thành phố xác định việc hoàn thiện về chính sách và nguồn lực để xây dựng và phát triển thành phố sáng tạo Hội An là một trong những nhiệm vụ then chốt, trọng tâm trong thời gian tới.

Hội thảo được tổ chức nhằm tiếp thu ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học về nguồn lực, chính sách mà thành phố có thể huy động để thực hiện các cam kết trong quá trình gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN). Đặc biệt là các giải pháp nhằm thu hút sự tham gia của giới trẻ, phát triển tài năng trên các lĩnh vực văn hóa sáng tạo, ứng dụng công nghệ số trong việc quảng bá nhằm tăng thêm giá trị và chỗ đứng trong bối cảnh đương đại. 

Đồng thời có cơ chế, chính sách thúc đẩy người dân và cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục tiên phong trong sản xuất sản phẩm theo xu hướng xanh, bền vững, có chất lượng, hướng đến bảo vệ thiên nhiên, dựa trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa bản địa.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Trần Hải Vân cho rằng, việc được ghi danh là thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gia tiếp tục tạo ra cho Hội An những lợi thế và cơ hội trong quá trình hội nhập quốc tế.  

Với tư cách là một trong những thành phố của Việt Nam sớm gia nhập UCCN, Hội An cần đưa vào chính sách phát triển của thành phố những giải pháp và hành động mang tính toàn diện và kịp thời nhằm phát triển giao lưu văn hoá, hợp tác quốc tế từ chính sách, con người đến cơ sở hạ tầng, góp phần đạt được những mục tiêu chung về hội nhập quốc tế và phát triển bền vững. 

Theo bà Trần Hải Vân cũng đưa ra khuyến nghị, Hội An cần tăng cường phổ biến, nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của hội nhập, hợp tác quốc tế trong Mạng lưới; Lồng ghép nhiệm vụ về hợp tác quốc tế trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; Đẩy mạnh nghiên cứu về thủ công và nghệ thuật dân gian theo hướng bền vững. 

trao-chung-nhan-hoi-an-gia-nhap-mang-luoi-cac-thanh-pho-sang-tao-1718603260.jpg
 Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam trao chứng nhận "Hội An gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO" cho lãnh đạo thành phố Hội An

Hội An cũng cần đặt ưu tiên chính sách vào chuyển đổi số, hình thành cơ sở dữ liệu và thiết lập hệ thống bảo vệ quyền tác giả; Lập bản đồ các lĩnh vực công nghiệp văn hóa, sáng tạo, kết nối với hệ thống dữ liệu quốc gia và quốc tế. Thành phố cần huy động nguồn lực xã hội đầu tư nâng cao năng lực cho nguồn nhân lực nòng cốt của địa phương là các nhà quản lý, các nghệ nhân, nghệ sỹ, người thực hành sáng tạo… đảm bảo trình độ, bản lĩnh hội nhập quốc tế. 

Bên cạnh đó, việc tích cực tham gia vào các sự kiện, hoạt động với các nước trong khu vực và thế giới trong khuôn khổ UCCN và các khuôn khổ hợp tác quốc tế đa dạng khác, sẽ góp phần khẳng định vai trò chủ động dẫn dắt của Hội An trong khu vực, tạo nên dấu ấn của thành phố trên bản đồ sáng tạo thế giới.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ nhiều tham luận về các giải pháp để bảo tồn, phát triển văn hóa cũng như thúc đẩy phát triển lĩnh vực nghề thủ công và nghệ thuật dân gian để hiến kế tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các đề án, chương trình, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong việc hiện thực hóa các quan điểm, cam kết của mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu trong thời gian sắp tới. Trong đó, có các nội dung chính: “Định hướng chiến lược bảo tồn phát huy đô thị sáng tạo Hội An”, “Hợp tác quốc tế: Lợi thế và những bước tiếp theo của Hội An trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO”, “Vai trò các bên liên quan trong xây dựng, phát triển Hội An - thành phố sáng tạo”, “Để Hội An thực sự cất cánh như một thành phố sáng tạo”...  

Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO được thành lập năm 2004 với mục tiêu tăng cường hợp tác giữa các thành phố đã được công nhận sáng tạo, coi đây là một yếu tố chiến lược phục vụ phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường. Tính đến tháng 10/2022, Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO có 295 thành phố thành viên đến từ 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 59 thành phố trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian.
T.H