Chia sẻ ký ức là cách bảo tồn và phát huy di sản bền vững nhất

Ngày 24/2, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đã tổ chức cuộc toạ đàm "Chia sẻ ký ức - Phát huy di sản" với mục đích đánh giá thực trạng, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động phát huy giá trị di sản, đồng thời, nâng cao nhận thức của cộng đồng, phát động các phong trào hiến tặng, chia sẻ tài liệu nói chung trong xã hội.

Tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả: Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng; Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Phạm Định Phong; Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Nhà Sử học Dương Trung Quốc… cùng với nhiều nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm, các cá nhân đam mê di sản.

Hiện nay, bên cạnh khối tài liệu lưu trữ được bảo quản tại các Lưu trữ quốc gia còn rất nhiều tài liệu, tư liệu đang nằm rải rác trong các bộ sưu tập của các cá nhân, tổ chức cũng như trong các câu chuyện kể của các nhân chứng lịch sử. Các tài liệu, tư liệu này có mối quan hệ chặt chẽ và bổ sung cho nhau giúp phác họa được bức tranh về đời sống xã hội một cách toàn diện nhất trong lịch sử.

3251-1677381447.jpg
Các diễn giả tại tọa đàm.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước cho rằng: "Thông tin chỉ có giá trị khi được chia sẻ với cộng đồng, trên phạm vi rộng nhất có thể. Mong rằng trong tương lai gần, cộng đồng xã hội sẽ được chứng kiến, được hưởng lợi ích chung từ việc chia sẻ rộng rãi giá trị tài liệu lưu trữ".

Theo Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhà Sử học Dương Trung Quốc, người làm sử luôn quan niệm lịch sử thực chất là sự nối dài ký ức của cộng đồng từ đời này qua đời khác. Con người suy nghĩ gì về quá khứ và muốn để lại gì cho tương lai? Đây là vấn đề của thời đại, khi con người được coi là trung tâm, trí tuệ là động lực của sự phát triển. Ký ức của mỗi người là một phần ký ức chung của xã hội. Và chia sẻ ký ức là cách bảo tồn di sản bền vững nhất"

Bên cạnh đó, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I Trần Thị Mai Hương cho biết: "Phát huy giá trị tài liệu là nhiệm vụ đặc biệt của trung tâm. Với đặc thù tài liệu cổ bằng tiếng Pháp, Hán Nôm, người quan tâm tài liệu lưu trữ gặp không ít khó khăn về rào cản ngôn ngữ, nhưng bằng nhiều cách khác nhau, trung tâm đã đưa tài liệu đến gần hơn với công chúng, được công chúng đón nhận. Người yêu lưu trữ khắp nơi cũng đến với trung tâm, chia sẻ tài liệu tư liệu quý và tin tưởng gửi gắm "những đứa con tinh thần" vào trung tâm, điển hình như triển lãm "Cầu Long Biên – chứng nhân lịch sử" vừa qua, trung tâm đã dành một không gian triển lãm cho ký ức của các cá nhân với cây cầu và đó cũng chính là một phần quan trọng làm nên thành công của triển lãm".

3252-1677381447.jpg
Không gian tọa đàm.

Để có tạo ra được khối tài liệu, tư liệu quý giá cần sự đóng góp của cả cộng đồng, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế Hoàng Việt Trung chia sẻ: "Trong suốt quá trình làm việc, tôi nhận thấy lưu trữ các các tài liệu, tư liệu rất quan trọng đối với nhà nước, nhà nghiên cứu và cộng đồng. Nhưng quá trình sưu tầm hiện nay còn rất khó khăn, khi sưu tầm được một tài liệu cần phải qua nhiều lần sửa chữa mới có thể đưa thông tin đến với công chúng, đối với sưu tầm ảnh càng khó khăn hơn, phải đi tìm và xin từng bức ảnh. Chính vì thế, tôi hy vọng tất cả mọi người với tinh thần quý trọng lịch sử sẽ kết nối với nhau để chia sẻ nhiều hơn các di sản dữ liệu".

Ngoài ra, Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám TS. Lê Xuân Kiêu chia sẻ: "Trong thời gian vừa qua, tôi cảm thấy rất vui khi đến với Văn Miếu - Quốc Tử Giám, du khách không chỉ đến tham quan di tích mà còn mong muốn được tiếp nhận các thông tin về lịch sử. Nhưng để truyền tải thông tin một cách mới mẻ đến với công chúng, tôi nghĩ vai trò của công nghệ rất quan trọng. Bởi công nghệ giúp chúng ta truyền tải thông tin rộng rãi hơn, giúp du khách có những trải nghiệm mới, thú vị hơn về các di sản. Từ đó, góp phần quảng bá hình ảnh của Việt Nam ra thế giới và công chúng, đặc biệt các bạn trẻ sẽ có ý thức bảo vệ và phát huy di sản".

3253-1677381447.jpg
Các diễn giả tại tọa đàm.

Đồng thời, Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Phạm Định Phong nhấn mạnh: "Tư liệu, tài liệu đang được lưu trữ là tài sản của quốc gia, chúng ta không hạn chế khi chia sẻ với nhau. Ngày 16/01/2023 Thủ tướng Chính phủ đã kí Nghị định số 01/2023/NĐ-CP về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong đó, có chức năng quản lý di sản dữ liệu, đây là cơ sở hết sức quan trọng đối với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trong việc triển khai các hoạt động liên quan đến bảo vệ khối di sản dữ liệu quốc gia. Cùng với Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, là hai cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp liên quan đến tài liệu lưu trữ, di sản dữ liệu, chúng tôi sẽ có định hướng chỉ đạo các cơ quan trên cả nước, có hoạt động phối hợp khai thác sử dụng hiệu quả nhất đối với tài liệu đang lưu trữ thông qua các hoạt động như: trưng bày chuyên đề, giới thiệu các danh mục tài liệu lưu trữ… để thu hút sự tham gia của cộng đồng và tổ chức cá nhân trên cả nước".

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, việc chia sẻ kí ức dưới nhiều hình thức đã trở thành một xu hướng cũng như nhu cầu tất yếu của xã hội. Các cá nhân và tổ chức chủ động chia sẻ thông tin phục vụ cho đông đảo công chúng sẽ tạo cơ hội cho di sản hội tụ và phát huy giá trị tốt nhất. Đặc biệt, đối với thế hệ trẻ, chia sẻ và phát huy di sản góp phần giáo dục tình yêu di sản, là tiền đề cho việc giáo dục tình yêu quê hương, đất nước.

T.H