“Cần tư duy sáng tạo và giải pháp đột phá trong phát triển thể thao thành tích cao”

Đây là một trong những ý kiến của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tại Hội nghị Định hướng phát triển Thể thao thành tích cao đến năm 2030 với chủ đề “Nâng tầm ASIAD - Khát vọng Olympic”. 

Hội nghị được tổ chức nhằm bàn về các giải pháp nâng cao thành tích của Thể thao Việt Nam lần đầu tiên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 21/12 tại Hà Nội được đông đảo giới chuyên môn, người hâm mộ cả nước quan tâm.

z4996805722448-f35f10b04d447728ceced2985d347159-1703166913.jpg
Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: “Hội nghị được tổ chức nhằm tìm kiếm giải pháp có tính chất căn cơ để phát triển thể thao thành tích cao Việt Nam. Chúng ta cần định vị Thể thao Việt Nam đang ở đâu trong đấu trường quốc tế, dự báo xu hướng phát triển thể thao thành tích cao. Từ những đề xuất, giải pháp, ngành Thể thao cần sớm hoàn thiện ‘Chiến lược phát triển Thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2030’ để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.

Bộ trưởng cũng cho biết, những ý kiến phát biểu tại Hội nghị sẽ được tiếp thu một cách đầy đủ nhất và chắt lọc để ngành Thể dục thể thao hoàn thiện việc xây dựng dự thảo Chiến lược trình Chính phủ và các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bộ trưởng đánh giá Hội nghị diễn ra thực chất, không phô trương, thiết thực và hiệu quả nhằm thực sự tìm ra các giải pháp thiết thực giúp Thể thao Việt Nam vươn tầm châu lục và thế giới. “Chúng ta hãy cùng nhau góp sức để kiến tạo đưa thể thao Việt Nam đạt thành tích như kỳ vọng”.

z4996805736280-f625ee3f69748f50c1b675e374d5eb46-1703167337.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội Nghị 

Đổi mới sáng tạo để nâng cao thể thao thành tích cao

Việc luôn là 1 trong 3 quốc gia có thành tích cao nhất tại khu vực Đông Nam Á nhưng không đạt được thành tích cao tại đấu trường châu lục và thế giới của Thể thao Việt Nam xuất phát từ những nguyên nhân chủ yếu đến từ sự cạnh tranh về thành tích thể thao ngày càng quyết liệt giữa các quốc gia ở châu lục và thế giới; Đầu tư cho thể thao thành tích cao còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu để có thể đạt được thành tích, trình độ của châu lục và thế giới

Báo cáo chung về thực trạng thành tích thể thao, nguồn lực vận động viên; Định hướng phát triển thể thao thành tích cao từ năm 2024-2030 và định hướng lựa chọn các môn thể thao trọng điểm, PGS.TS Đặng Hà Việt - Cục trưởng Cục Thể dục thể thao - cho biết: Sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu, thể thao thành tích cao của Việt Nam đã có sự tiến bộ rõ nét, khẳng định vị thế trong khu vực Đông Nam Á và bước đầu tiếp cận trình độ của châu lục và thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển thể thao thành tích cao của nước ta so với các nước trong châu lục và thế giới đang gặp những thách thức lớn cần đổi mới tư duy và cách làm thể thao thành tích cao. 

z4996805722015-b8284dc88f8becef9925f0d214877348-1703166888.jpg
Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt báo cáo chung về thực trạng thành tích thể thao

Ông Đặng Hà Việt cho biết: Để khắc phục các vấn đề còn hiện hữu, cần xác định rõ mục tiêu và giải pháp. Về mục tiêu, ngành Thể thao xác định rõ 3 mục tiêu tổng quát gồm: Tạo bước đột phá về thành tích thể thao tại các kỳ Thế vận hội (Olympic) và Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD); Xây dựng hệ thống đào tạo vận động viên một cách khoa học, bền vững; Tập trung đầu tư trọng điểm cho những vận động viên ưu tú tham gia thi đấu Thế vận hội (Olympic) 2024, 2028 và Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) 2026 và 2030; Định hướng, xây dựng kế hoạch, lộ trình để tập trung nguồn lực đầu tư, từ chuẩn bị lực lượng, công tác huấn luyện đến cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất và ổn định nguồn kinh phí hoạt động thể thao thành tích cao đến năm 2030.

GS.TS Lâm Quang Thành - Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao - nhận định: Hiện nay, thể thao thành tích cao Việt Nam đã có sự phát triển khởi sắc, đạt được nhiều thành tựu quan trọng và tiến bộ hơn so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, nhìn chung thành tích thể thao ở các môn thể thao Olympic còn thấp so với châu lục và thế giới, đặc biệt là công tác nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ thể thao trong đào tạo, huấn luyện vận động viên, nhất là vận động viên có trình độ cao, còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu.

z4996805723092-99bf941e1d1f17b911e5904b1e775740-1703166958.jpg
GS.TS Lâm Quang Thành nhấn mạnh: Muốn phát triển thể thao thành tích cao, chúng ta phải đổi mới sáng tạo

GS.TS Lâm Quang Thành đề xuất 6 cơ hội áp dụng đổi mới sáng tạo trong phát triển thể thao thành tích cao Việt Nam gồm: Đổi mới sáng tạo thông qua hoạt động nghiên cứu và phát triển lực lượng vận động viên thể thao đỉnh cao; Đổi mới sáng tạo thông qua ứng dụng tổng hợp các giải pháp khoa học trong xây dựng lực lượng vận động viên thể thao thành tích cao; Đổi mới sáng tạo thông qua ứng dụng công nghệ mới và chuyển đổi số trong lĩnh vực thể thao thành tích cao; Đổi mới sáng tạo thông qua nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống tổ chức Khoa học và Công nghệ; Đổi mới sáng tạo thông qua hoàn thiện thể chế, chính sách nghiên cứu, ứng dụng Khoa học và Công nghệ thể thao; Đổi mới sáng tạo thông qua đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế về Khoa học và Công nghệ thể thao.

Tìm kim chỉ nam để nâng cao thành tích

Tại Hội nghị, GS.TS Lê Quý Phượng đưa ra các nghiên cứu chuyên sâu về các giải pháp phòng tránh chấn thương, chăm sóc sức khoẻ, dinh dưỡng và hồi phục cho vận động viên thể thao thành tích cao. Ông cũng có những ví dụ đầy thuyết phục về những khó khăn dẫn đến việc thành tích của Thể thao Việt Nam chưa được như mong muốn và các giải pháp cụ thể để cải thiện thực trạng.

Còn theo chuyên gia Nguyễn Hồng Minh - Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I - Ủy ban Thể dục thể thao (nay là Cục Thể dục thể thao) cũng nêu lên ví dụ về trường hợp đô cử Trần Lê Quốc Toàn trong thời gian bị chấn thương, ăn cơm do vợ nấu, không có chế độ chăm sóc đặc biệt nên việc Toàn đứng thứ tư rồi được đôn lên nhận huy chương đồng tại Olympic London 2012 đã là nỗ lực rất lớn. 

z4996805735671-62afa212900f7db32ace0965d5bf567a-1703167025.jpg
Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh - Nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao I (Uỷ ban Thể dục thể thao) phát biểu tại Hội nghị

Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh cũng cho rằng, hiện nhiều người đang đánh đồng khái niệm giữa thể thao thành tích cao với thể thao quần chúng. Bởi vậy, nguồn lực đầu tư cho thể thao thành tích cao trong những năm qua vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng. “Phát triển thể thao thành tích cao là một quá trình lâu dài, thậm chí phải mất tới 20 năm, nên tư duy nhiệm kỳ trong quản lý thể thao là không phù hợp. Chiến lược phát triển Thể thao Việt Nam những năm qua luôn có 2 mục tiêu xuyên suốt: Khẳng định vị thế tốp đầu SEA Games; Lựa chọn một số môn phù hợp để tiến tới ASIAD và Olympic. Mục tiêu tại SEA Games chúng ta đã hoàn thành xuất sắc, nhưng lại đang buông lỏng đấu trường ASIAD và Olympic. Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta thua một số nước Đông Nam Á ở sân chơi ASIAD và Olympic. Đây là một điều rất đau. Chúng ta thua vì không quan tâm hay quan tâm không đúng mức?”.

Với rất nhiều những ý kiến được đưa ra tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá, những ý kiến phát biểu tại Hội nghị rất tâm huyết, trách nhiệm trong đó có những phê bình thẳng thắn mà ngành Thể thao phải biết trân quý, biết dũng cảm lắng nghe, tiếp thu và điều chỉnh. Bộ trưởng cũng cho rằng Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã luôn quan tâm, đầu tư cho lĩnh vực Thể dục thể thao và ngân sách chi ra hàng năm cho tập huấn, thi đấu, sửa chữa cơ sở vật chất tại các Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia là không nhỏ. Vấn đề là cách làm của ngành thể thao như nào cho có hiệu quả.

z4996805723253-5a22b97bdc3697bf7a143701edb4f5ff-1703166494.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao những ý kiến phát biểu tại Hội nghị rất tâm huyết, trách nhiệm trong đó có những phê bình thẳng thắn mà ngành Thể dục thể thao phải biết trân quý, biết dũng cảm lắng nghe, tiếp thu và điều chỉnh 

Bộ trưởng nhấn mạnh, Hội nghị đã bàn sâu hơn để từ đó toàn ngành có nhận thức đúng hơn. Nếu nhận thức còn chưa thấu đáo thì hành động sẽ không hiệu quả. Ngành Thể dục thể thao có ước mơ, có khát vọng thì hãy thức dậy, hãy tỉnh giấc để hành động, biến giấc mơ thành hiện thực.

Bộ trưởng cho rằng, ngành Thể thao cần tiếp tục khơi dậy niềm tin, khát vọng chiến thắng không chỉ trong đội ngũ các huấn luyện viên, vận động viên mà còn trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành để hành động quyết liệt và hiệu quả hơn nữa. 

Bộ trưởng cũng thẳng thắn cho rằng, cần thay đổi nhận thức, nếu không thay đổi thì không bao giờ tiến bộ được. Vì vậy, các ý kiến tại Hội nghị lần này là rất quý đối với ngành Thể dục thể thao, từ đó, quy hoạch lộ  trình cụ thể, tổ chức triển khai bám sát, trên cơ sở đó, hoàn chỉnh chiến lược trong thời gian tới. Đặc biệt, Bộ trưởng đề nghị tập trung công tác đào tạo, tính toán từ cấp tỉnh đến ngành, chú ý quy trình tuyển chọn đào tạo mang tính hệ thống. “Đây là yếu tố nền tảng. Nếu không có nền tảng thì ước mơ Olympic chỉ là khát vọng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

a-1703167237.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tặng Bằng khen cho các huấn luyện viên, vận động viên đạt thành tích tại ASIAD 19
z4996805736281-d7df410f2000873b105762245d513d18-1703167296.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã trao tặng hỗ trợ của Ủy ban Olympic Việt Nam cho gia đình vận động viên Nguyễn Minh Triết (môn Thể dục dụng cụ) không may gặp tai nạn nghiêm trọng 
Bùi Lượng