Các vận động viên Việt Nam tập luyện trước giờ khai cuộc Thế vận hội

Tính đến hết ngày 23/7 (theo giờ Việt Nam), đã có 23 thành viên của đoàn Thể thao Việt Nam có mặt tại Làng Vận động viên Olympic 2024, trong đó có 11 vận động viên.

Cua-rơ Nguyễn Thị Thật và huấn luyện viên Huỳnh Văn Chánh của đội tuyển Xe đạp là những người mới nhất nhập Làng Vận động viên Olympic 2024 trong sáng 22/7 (theo giờ địa phương). Trước đó, các đội tuyển: Bắn cung, Judo, Rowing, Boxing, Bắn súng và Cầu lông đã có mặt tại Paris và ổn định nơi ăn ở.

lang-1-1721739731.jpg
Làng Vận động viên Olympic 2024 chào đón các đoàn Thể thao 

Theo thông tin từ cán bộ đoàn Thể thao Việt Nam đang có mặt tại Paris (Pháp), ngay sau khi hoàn tất thủ tục nhập Làng Vận động viên Olympic 2024, toàn bộ các vận động viên đã lập tức triển khai kế hoạch chuẩn bị chuyên môn do Ban huấn luyện xây dựng từ trước. Việc đăng ký lịch tập diễn ra thuận lợi với sự hỗ trợ tích cực của Ban Tổ chức.

lang-2-1721739732.jpg

Được biết, đoàn Thể thao Việt Nam được bố trí ở 7 căn hộ tại tầng 6, 7, 8 khu A23, cùng khu vực với đoàn Nhật Bản. Các căn hộ khép kín với số lượng 2 người/phòng, mỗi tầng có 4 căn hộ loại 2 phòng ngủ, 3 phòng ngủ và 4 phòng ngủ. Riêng các thành viên của đội tuyển bắn súng ở tại Làng Vận động viên Chateauroux - cách thủ đô Paris khoảng 200km.

a-5-1721739709.jpg
Các cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt và Lê Quốc Phong sẽ là các vận động viên tiên phong của đoàn Thể thao Việt Nam ra quân tại Olympic 2024

Tại Làng Vận động viên Olympic 2024, nhà ăn hoạt động 24/7 kể từ thời điểm mở cửa vào ngày 28/7. Đồ ăn tại đây rất đa dạng với 3 khu vực phục vụ món ăn của phổ biến toàn cầu, của châu Á và món ăn cho người Hồi giáo. Nhà ăn của Làng Vận động viên cũng sẽ phục vụ thêm món ăn đặc trưng của nước chủ nhà Pháp khi thành viên của các đoàn Thể thao có mặt đông hơn.

a-1-1721739906.jpg
Cung thủ Lê Quốc Phong đã có buổi tập luyện và làm quen với địa điểm thi đấu

Theo cảm nhận của các thành viên đoàn Thể thao Việt Nam, đồ ăn và thực phẩm trong Làng Vận động viên rất phong phú, được chia thành các khu vực với chuyên đề ẩm thực riêng. Tất cả thành viên đoàn đều được phát thẻ lấy đồ ăn, đồ uống miễn phí.

Trong những ngày vừa qua, các cán bộ của đoàn Thể thao Việt Nam đã thường xuyên liên hệ, làm việc và phối hợp với Ban Tổ chức để hoàn tất công tác đón tiếp thành viên, đăng ký lịch tập luyện và thi đấu, đồng thời chốt lại chương trình hoạt động của đoàn Thể thao Việt Nam trong những ngày tới tại Olympic 2024. Về cơ bản, kế hoạch di chuyển và chuẩn bị thi đấu của từng đội tuyển và thành viên đoàn Thể thao Việt Nam dự Olympic 2024 đều diễn ra suôn sẻ, thuận lợi. Tinh thần và sức khỏe các tuyển thủ đều đảm bảo, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ với quyết tâm cao.

a-3-1721739710.jpg
Trong ngày 23/7, võ sĩ Nguyễn Thị Tình (môn Judo) đã có buổi tập luyện đầu tiên tại Nhà thi đấu Saint Denis dành cho các vận động viên dự Olympic. Tại đây có 2 sân tập, sân chính có thảm tập khoảng 800m2, chia thành 2 khu vực trong đó có 1 khu báo chí được phép tác nghiệp. Ngoài các tình nguyện viên, có 3 bác sĩ và 1 chuyên gia vật lý trị liệu để hỗ trợ các đội. Khung giờ mà đội Việt Nam đăng ký thì không có đội nào đăng ký nên sau khi tập xong, các tuyển thủ của chúng ta được chuyên gia vật lý trị liệu hỗ trợ phục hồi. Nói chung là điều kiện hoàn hảo.

Lễ khai mạc Olympic Paris 2024 sẽ diễn ra trên sông Seine vào lúc 19 giờ 30 ngày 26/7 (giờ địa phương, tức 0 giờ 30 ngày 27/7 theo giờ Việt Nam). Đoàn Thể thao Việt Nam sẽ tham dự Lễ khai mạc với 10 người, gồm 4 thành viên thuộc nhóm Trưởng đoàn, cán bộ, huấn luyện viên và 6 vận động viên. Hai vận động viên được chọn cầm cờ tại Lễ khai mạc Thế vận hội 2024 là tay vợt Lê Đức Phát (Cầu lông) và cua-rơ Nguyễn Thị Thật (Xe đạp). 

Theo Lịch thi đấu, cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt và Lê Quốc Phong sẽ là các vận động viên tiên phong của đoàn Thể thao Việt Nam ra quân tại Olympic 2024.

a-4-1721739712.jpg
Nhà thi đấu môn Cầu lông tại Olympic Paris 2024

Trong ngày 25/7, đại diện đoàn Thể thao Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh quốc tế về Thể thao và Phát triển bền vững tại Paris. Hội nghị sẽ đưa các nội dung thảo luận, trong đó khởi động sáng kiến "Thể thao và Phát triển bền vững" toàn cầu hướng vào 5 lĩnh vực gồm: giáo dục - việc làm, y tế - dinh dưỡng, bình đẳng - hòa nhập, tính bền vững - di sản, tài chính - đo lường tác động.