Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Bình Thuận cho biết, dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5 năm nay (từ 29/4 - 3/5), tỉnh Bình Thuận đón 160.000 lượt khách tham quan, lưu trú, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022, công suất phòng bình quân khoảng 70 - 90%, doanh thu ước khoảng 230 tỷ đồng.
Trong đó, lượng khách du lịch đến tỉnh tập trung đông nhất trong 3 ngày đầu của kỳ nghỉ lễ (29/4 - 1/5), công suất phòng đạt bình quân từ 90 - 100% (khách sạn từ 1 - 2 sao và tương đương đạt công suất xấp xỉ 90%, các resort, khách sạn từ 3 - 5 sao và tương đương công suất phòng đã đạt gần 100%. Đa số là khách du lịch nội địa đến từ TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa, các tỉnh Tây Nam bộ, Hà Nội…
Theo đánh giá của ngành du lịch, dịp lễ năm nay cùng lúc với cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được thông xe nên khách chủ yếu du lịch theo gia đình, nhóm bạn bè và khách lẻ bằng phương tiện xe cá nhân. Bên cạnh đó, số lượng du khách ít hơn đi theo tour đến Phan Thiết - Bình Thuận qua các công ty lữ hành và qua các trang mạng chuyên bán tour. Ngoài chuẩn bị chu đáo về nhân lực, chất lượng dịch vụ để đón khách, các đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch thuộc các khu du lịch trọng điểm của tỉnh còn tổ chức các sự kiện, hoạt động vui chơi, giải trí phục vụ nhu cầu của mọi đối tượng khách.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận đã đề nghị các địa phương, Ban Quản lý các khu, điểm du lịch, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh triển khai công tác phục vụ du lịch đảm bảo an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, môi trường, giá cả cũng như các biện pha1p phòng, chống dịch COVID-19. Ngoài ra, phải thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa với du khách, tuyên truyền, quảng bá hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh” đảm bảo cho du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng được an toàn, thoải mái, có ấn tượng đẹp về một điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn.
Còn bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: “Trong 5 ngày nghỉ lễ (từ ngày 29/4/2023 đến ngày 3/5/2023), Hà Nội đón 719 nghìn lượt khách, trong đó có 69,5 nghìn lượt khách du lịch quốc tế và 650 nghìn lượt khách du lịch nội địa. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 2,4 nghìn tỷ đồng”.
Đặc biệt trong dịp nghỉ lễ năm nay, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tổ chức triển khai vận chuyển miễn phí cho du khách tham quan Thủ đô bằng xe buýt hai tầng. Ước tính trong 5 ngày nghỉ lễ, đã thực hiện 127 chuyến xe, với hơn 6.681 lượt khách tham quan trải nghiệm.
Trong khi đó, theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, trong 5 ngày nghỉ lễ, tổng lượt khách tham quan, vui chơi giải trí trên địa bàn tỉnh đạt 87.682 lượt khách, tăng hơn gấp đôi so với dịp nghỉ lễ cùng kỳ năm 2022. Riêng ngày 1/5 năm nay, lượng khách tăng 315% so với cùng kỳ. Các điểm thu hút du khách tham quan: Khu du lịch Mũi Cà Mau (huyện Ngọc Hiển) với gần 10.500 lượt khách, Khu du lịch Khai Long trên 4.500 lượt khách, Điểm du lịch sinh thái Hương Tràm (huyện U Minh) 8.800 lượt khách; Hội chợ thương mại, Ngày hội Bánh dân gian TP Cà Mau thu hút hơn 43.700 lượt khách và các điểm khác hàng ngàn lượt khách. Đây là kết quả đáng phấn khởi trong lĩnh vực du lịch của tỉnh Cà Mau.
Còn tại tỉnh Thừa Thiên Huế, tổng lượng khách đến thành phố Huế đạt 99.000 lượt, tăng 80% so với cùng kỳ 2022, trong đó có khoảng 36.300 khách quốc tế, tăng gấp 26 lần so với năm 2022, doanh thu du lịch ước đạt 153 tỷ tăng 80% so với 2022. Trong đó, khách lưu trú ước đạt 54.400 lượt tăng 70% so với năm 2022, công suất buồng đạt 85% (riêng 3 ngày 29 và 30/4 và 1/5, các khách sạn trên địa bàn thành phố Huế công suất đạt 100%). Ước tính có khoảng 250.000 lượt du khách và người địa phương đến tham quan và trải nghiệm các hoạt động lễ hội Festtival nghề truyền thống thành phố Huế trong dịp lễ này.
Cũng trong dịp nghỉ lễ này, du lịch tỉnh Ninh Bình đón 342.708 lượt khách, tăng 63,2% so với dịp nghỉ lễ năm 2022, trong đó khách quốc tế đón 24.338 lượt khách, tăng 190,8% so với dịp nghỉ lễ năm 2022; Doanh thu ước đạt 320 tỷ đồng, tăng 60% so với dịp nghỉ lễ năm 2022; công suất sử dụng phòng đạt từ 85 - 90%. Một số khu, điểm du lịch đón đông khách như Tràng An 70.700 lượt khách, phố cổ Hoa Lư đón 69.500 lượt khách, chùa Bái Đính 65.600 lượt khách, vườn chim Thung Nham 44.900 lượt khách, Tam Cốc 31.000 lượt khách, vườn quốc gia Cúc Phương 14.810 lượt khách cố đô Hoa Lư 5.725 lượt khách. Công tác đón tiếp khách chu đáo, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, văn minh du lịch, phòng chống dịch bệnh, giao thông đi lại được đảm bảo, an toàn.
Còn theo thông tin từ Phòng Văn hóa, Thông tin thị xã Sapa, tổng lượng khách đến Sapa (Lào Cai) từ ngày 29/4 - 3/5, lượng khách đạt 103.000 lượt, bằng 105% so với cùng kỳ năm 2022; tổng doanh thu ước đạt 335,194 tỷ đồng, bằng 120% so với cùng kỳ năm 2022. Du khách có xu hướng đi tham quan trải nghiệm tại các điểm du lịch và du lịch cộng đồng. Đây là một tín hiệu vui về việc phân phối lượng khách trên địa bàn.
Trong dịp nghỉ lễ, hầu hết các cơ sở lưu trú thị xã Sapa đã chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, không tăng giá dịch vụ so với ngày thường. Tỷ lệ buồng phòng ngày ngày 29/4 - 1/5 đạt 95%, tập trung chủ yếu ở phân khu trung - cao cấp tại khu vực trung tâm. Riêng các điểm du lịch cộng đồng, công suất bình quân đạt 65%, trong đó tập trung đông nhất tại xã Tả Van và Mường Hoa.
Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, lượng khách ghi nhận tại các điểm đến du lịch các địa phương và các đơn vị lữ hành, các cơ sở lưu trú cho thấy xu hướng lựa chọn của khách nội địa trong năm nay khi tự chủ động đi du lịch tự túc; lượng khách đi tour chủ yếu theo phân khúc cao cấp hoặc theo gói combo. Trong khi đó, khách du lịch xu hướng lựa chọn đi du lịch nước ngoài với mức giá tầm trung (từ 8 triệu đến 15 triệu đồng) với các tuyến ngắn trong khu vực.