
Giấc mơ World Cup từng được nhắc đến rất nhiều khi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) ký hợp đồng với huấn luyện viên Philippe Troussier, nhưng sau thất bại tại Vòng loại World Cup 2026 đã trở nên xa vời hơn. Dưới thời huấn luyện viên Kim Sang-sik, đội tuyển Việt Nam có dấu hiệu khởi sắc sau giai đoạn khủng hoảng và giành ngôi vô địch ASEAN Cup 2024, thắp sáng lại niềm tin của người hâm mộ. Tuy vừa phải nhận thất bại 0-4 trước đội tuyển Malaysia tại Vòng loại ASIAN Cup 2027, nhưng lãnh đạo VFF vẫn kiên định với tầm nhìn và những bước đi cụ thể để hiện thực hóa tham vọng góp mặt tại World Cup 2034.
Đề án Phát triển Bóng đá Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt đặt ra những mục tiêu rất rõ ràng. Cụ thể, đội tuyển bóng đá nam có mặt trong tốp 10 châu Á vào năm 2030, lọt vào tứ kết ASIAN Cup 2031, góp mặt tại Vòng loại thứ ba World Cup 2030 và giành vé tham dự World Cup vào năm 2034. Đội tuyển U23 Việt Nam giành huy chương vàng SEA Games 33, 34 và 35, vào tứ kết ASIAD 2030 và tham dự ít nhất 1 kỳ Thế vận hội trong giai đoạn 2028 đến 2032.

Với đội tuyển nữ Việt Nam, tham vọng còn nhiều hơn cả ở đấu trường khu vực, châu Á và thế giới như bảo vệ ngôi hậu cùng tấm huy chương vàng tại 3 kỳ SEA Games từ năm 2025 đến 2029, vào tới bán kết ASIAD 2026-2030, tứ kết Women’s ASIAN Cup 2030, giành quyền tham dự FIFA Women’s World Cup 2027-2031 và cải thiện thành tích tại các kỳ World Cup kế tiếp. Tham dự ít nhất 1 kỳ Thế vận hội trong giai đoạn 2028-2032 và lọt vào tốp 5 đội bóng hàng đầu châu Á vào năm 2045.
Có quá nhiều mục tiêu tham vọng đặt ra cho bóng đá Việt Nam trong 10 năm tới và hướng tới tầm nhìn 20 năm. Được quan tâm nhiều nhất vẫn là đội tuyển Việt Nam với tầm nhìn World Cup. Khác với các đội tuyển trong khu vực như Indonesia và Malaysia, tập trung vào việc nhập tịch cầu thủ để nhanh chóng nâng cấp đội hình và theo đuổi những mục tiêu ngắn hạn, bóng đá Việt Nam lựa chọn hướng đi của riêng mình, khai thác tiềm năng và dựa vào nguồn lực từ việc phát triển các mô hình chuyên nghiệp và hệ thống bóng đá bền vững từ các câu lạc bộ.

Thực tế đã có những bước đi đột phá như việc mới đây, câu lạc bộ thành phố Hồ Chí Minh sắp tới sẽ được đổi tên thành Công an thành phố Hồ Chí Minh đưa 18 cầu thủ trẻ sang Brazil đào tạo bóng đá tại Trung tâm Đào tạo Bóng đá Trẻ của câu lạc bộ nổi tiếng Gremio. Trong thời gian dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã ghé thăm câu lạc bộ bóng đá có bề dày truyền thống hơn 100 năm - Vasco da Gama ở thành phố Rio de Janeiro - qua đó thúc đẩy các hoạt động giao lưu, hợp tác, hỗ trợ bóng đá Việt Nam; Huấn luyện, đào tạo, nâng cao thể lực và kỹ năng cầu thủ, tăng cường năng lực quản trị… và đặc biệt, đưa nhiều cầu thủ Brazil sang Việt Nam thi đấu cũng như tạo điều kiện, cơ hội cho cầu thủ Việt Nam sang tập luyện, thi đấu tại các câu lạc bộ của Brazil…
Ở V.League hiện tại, có nhiều cầu thủ Brazil đã khẳng định được giá trị, tài năng và giữ vị trí trụ cột ở các câu lạc bộ. Tại ASEAN Cup 2024, lần đầu tiên đội tuyển Việt Nam có sự góp mặt của một cầu thủ Brazil nhập tịch là tiền đạo Nguyễn Xuân Son và lập tức gây ấn tượng mạnh khi ghi được 7 bàn thắng, giành danh hiệu “Vua phá lưới” và Cầu thủ xuất sắc nhất giải. Ngoài ra, việc tìm kiếm và tạo điều kiện cho những cầu thủ Việt kiều trở về khoác áo các câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia cũng được quan tâm với sự xuất hiện ngày càng nhiều những gương mặt triển vọng.
Lộ trình mới của bóng đá Việt Nam đã được mở ra với những bước đi cụ thể, hướng tới sự phát triển bền vững và tầm nhìn trong tương lai để vươn mình chinh phục những đỉnh cao mới. Đấy chính là sự lựa chọn mang tới nhiều hy vọng cho bóng đá Việt Nam.