Bóng đá nữ Việt Nam: Một thế kỷ và giấc mơ World Cup (Kỳ 1)

Cuối thế kỷ 19, bóng đá theo cách gọi thủa ban đầu - túc cầu - du nhập vào Việt Nam. Từ những đội bóng Tây Dương do người Pháp lập ra, tới đầu thế kỷ 20, những đội bóng của người Việt lần lượt ra đời, tập trung nhiều nhất ở Sài Gòn Gia Định và Lục tỉnh. Phụ nữ Nam Kỳ nhờ vậy cũng sớm được tiếp xúc và biết tới những trận đấu bóng đá.

doi-bong-da-nu-cai-von-nam-1933-anh-tu-lieu-1688533727.jfif
Đội bóng đá nữ Cái Vồn năm 1933. Ảnh tư liệu

Kỳ 1: Cái Vồn - đội bóng đá nữ đầu tiên tại Việt Nam

Trong cuốn sách “100 năm bóng đá Việt Nam” viết: Vào năm 1932, ở Cần Thơ xuất hiện đội đội bóng đá nữ đầu tiên do ông Phan Khắc Sửu, người làng Mỹ Thuận, tổng An Trường, quận Cái Vồn, tỉnh Cần Thơ (nay thuộc tỉnh Vĩnh Long) lập ra và được sự đồng ý của Chính quyền Nam Kỳ, Tổng cục Túc cầu công nhận mang tên đội bóng đá nữ Cái Vồn. Tờ An Hà Báo, phát hành hằng tuần tại Cần Thơ và Lục tỉnh từ năm 1917-1933, trong số báo 799, năm 1933 đưa tin: “Thuở nay chưa có! Đội túc cầu toàn là nữ ra mặt tại sân banh Tham - tướng”.

Thành phần ban đầu đội bóng bao gồm 30 cầu thủ nữ và 3 huấn luyện viên. Các cầu thủ được ông Phan Khắc Sửu (từng giữ chức Bộ trưởng trong chính quyền Bảo Đại) tuyển từ những nữ thanh niên cao ráo khỏe mạnh, còn độc thân, gồm cả người Việt lẫn người Tây. Thành viên nổi bật của đội là trung phong Marguerite. Cô là nữ sinh người Pháp theo học tại An Nam, kĩ thuật cá nhân tốt, xuất sắc trong những pha không chiến và sau được bầu làm đội trưởng Cái Vồn. Tuy nhiên sau khi thành lập Cái Vồn, đội bóng phải trải qua 8 tháng dài khổ luyện để hiểu cách đá, luật chơi.

Những trận đấu bóng của đội bóng nữ Cái Vồn với các đội bóng nam thời đó là hiện tượng của xã hội. Ký giả Kim Hồng Điểu viết trên An Hà Báo: “Mấy hôm rày từ thành thị đến thôn quê, đâu đâu củng nô nức mong cho mau tới ngày chúa nhựt 2 Juillet đặng xem một hội banh toàn là nữ của bên Trà - kiết (Caivon) qua tranh tài cùng đội banh trường Võ - Văn ở Sài Gòn, báo nào cũng có đăng tin cho hay trước…”.

tin-the-thao-cua-to-an-ha-bao-so-799-nam-1933-1688533951.jpg
Tin thể thao của tờ An Hà Báo số 799, năm 1933

Trong bài viết về đội bóng nữ đầu tiên của Việt Nam, nhà báo Nguyễn Nguyên thuật lại trận đấu vào ngày 2/7/1933 tại Cần Thơ giữa 2 đội bóng nữ, Cái Vồn đấu với đội nữ Xóm Chài. Sự kiện thể thao được báo chí thời đó đưa tin, bình luận sôi nổi.

Cuối tháng 7/1933, đội nữ Cái Vồn được mời lên Sài Gòn thi đấu với đội vô địch giải hạng Nhì Sài Gòn, Paul Bert trên sân Mayer. Đội nữ Cái Vồn xuất sắc cầm hòa với đội nam Paul Bert, được Tổng cục Túc cầu Nam kỳ khen tặng và thưởng 5.000 đồng. Báo Phụ nữ Tân văn số ra ngày 31/7/1933 tường thuật:

“Ngày Chúa Nhật 30 Juillet, ai ai cũng trông cho tới 3 giờ chiều đặng đi coi hội phụ nữ đấu cầu với hội Paul Bert. Song từ 11 giờ trưa, trời xân một đám mưa lớn riết tới 3 giờ mấy. Đến 4 giờ mới dứt hột. Tiếng mưa vừa bặt thì ngoài đường tiếng kèn xe máy, xe hơi xe ngựa inh ỏi. Người ta, kẻ dù, người áo mưa đi đông như hôm Hội chợ Pháp - Việt.

Trên mấy con đường tấp nập tiếng người xôn xao bàn luận: “Lần thứ nhất có phụ nữ đá banh tại Sài gòn mình không đi coi thì dại lắm… đàn bà mấy làm hơi mà đá banh ta!… cha… dạn dữ! Quá bộ dưới Cái Vồn lên đây”, để coi ăn mấy cái Goll cho biết. Tới cửa sân banh không biết bao nhiêu người ta. Có người vô được nói rằng: Thiệt là vô cửa ‘sanh tử’ lắm phải chơi sao!”.

bai-ve-doi-bong-nu-cai-von-thi-dau-voi-doi-nam-paul-bert-tren-phu-nu-tan-van-1688533809.png
Bài về đội bóng nữ Cái Vồn thi đấu với đội nam Paul Bert trên Phụ nữ Tân văn

Ký giả Nguyễn Thị Kiêm của báo Phụ nữ Tân văn viết tiếp: “Tôi vô được leo lên Tribune thấy đàn bà vô coi đông lắm, có nhiều ông lão, bà lão cũng đi coi, người Pháp cũng bộn”.

Đặc biệt, Cái Vồn còn là đội bóng đá nữ đầu tiên tại châu Á. Nữ ký giả nổi tiếng của tuần báo Phụ nữ Tân văn Nguyễn Thị Kiêm nhận định đây là một bước tiến dài trong cuộc tranh đấu nữ quyền tại Việt Nam. Không phải tới thế kỷ 20, Việt Nam mới tiếp xúc với văn hóa phương Tây nhưng đây là lần tiếp xúc mạnh mẽ nhất.

Đội nữ Cái Vồn nổi tiếng khắp xứ Nam kỳ, lục tỉnh và được nhiều người mến mộ, nhưng do hoàn cảnh xã hội có nhiều biến động, đến năm 1938 thì tự giải tán.

Kỳ 2: Một thời đam mê, một thời sóng gió

Việt Hưng