Bóng đá châu Á trong cơn sốt nhập tịch cầu thủ

Nhập tịch cầu thủ hiện đang là xu thế được nhiều nền bóng đá trên thế giới áp dụng, việc sở hữu các cầu thủ nhập tịch trên tuyển quốc gia sẽ giúp họ nhanh chóng cải thiện được trình độ và đạt được những thành tích nhất định. Đặc biệt sau thất bại tại Vòng chung kết ASIAN Cup 2023, câu hỏi liệu đội tuyển Việt Nam sẽ áp dụng chính sách nhập tịch cầu thủ như cách mà nhiều quốc gia khác đang làm?

tuyen-malaysia-1708479945.jpeg
Dàn cầu thủ nhập tịch của đội tuyển Malaysia

Nhìn lại kỳ ASIAN Cup 2023, đã chứng kiến nhiều đội tuyển áp dụng chính sách nhập tịch cầu thủ như Indonesia, Malaysia, Qatar,… Tiêu biểu nhất là đội tuyển Qatar với chức vô địch ASIAN Cup lần thứ hai của mình. Thành công của họ đến từ chính sách nhập tịch những cầu thủ trẻ được đào tạo ở Qatar, tuy đã có nhiều hoài nghi về chính sách này nhưng Qatar vẫn đang chứng minh được nước đi của mình là đúng. Với tiềm lực kinh tế của mình, năm 2010, Qatar mở Học viện Bóng đá Aspire. Tại đây, họ đã tìm kiếm những "sao mai" bóng đá trên khắp thế giới, kể cả những vùng hẻo lánh nhất ở châu Phi, châu Á và Nam Mỹ. Sau các giai đoạn tuyển chọn và sàng lọc, những đứa trẻ sẽ được đưa đến Học viện Aspire. Tại đó, chúng được huấn luyện bởi những huấn luyện viên giỏi nhất thế giới, khi trưởng thành sẽ có những chính sách mời gọi về việc nhập tịch để cống hiến cho nền Bóng đá Qatar. Với chính sách của mình, năm 2018, với những mầm non đầu tiên họ đã vào bán kết giải U23 châu Á trước khi chịu thất bại trước thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo. Sau đó 1 năm, họ đã giành được chức vô địch ASIAN Cup lần đầu tiên mở ra một thời đại mới cho nền Bóng đá Qatar với nòng cốt là những cầu thủ nhập tịch của mình.

Khác với chính sách nhập tịch của Qatar, về phía Indonesia, họ chủ động tìm các cầu thủ có gốc gác là người Indonesia đang chơi bóng tại các môi trường có trình độ cao như: Pháp, Anh, Hà Lan,… để nhập tịch vào đội tuyển quốc gia của mình nhằm nâng cao trình độ để cạnh tranh với các đội bóng khác trong khu vực. Trong trận đấu với đội tuyển Việt Nam tại ASIAN Cup 2023, với sự chênh lệch về thể hình, kỹ thuật và thể lực đến từ dàn cầu thủ nhập tịch bên phía của Indonesia, họ đã dễ dàng chiếm được ưu thế trong các tình huống tranh chấp tay đôi, cũng như những pha đua tốc độ, đã góp phần không nhỏ trong chiến thắng 1-0 của thầy trò huấn luyện viên Shin Tae-yong trước đội tuyển Việt Nam.

img-7568-768x529-1-1708480032.jpeg
Ưu thế sức vóc và thể hình giúp các cầu thủ nhập tịch Indonesia có lợi thế trong những pha bóng tranh chấp 1-1

Đối với Việt Nam, việc nhập tịch cầu thủ là điều không hề đơn giản như các nước khác. Theo luật pháp Việt Nam, để nhập tịch, các cầu thủ nước ngoài phải có thời gian làm việc 5 năm liên tục tại Việt Nam. Ngoài ra, rào cản về văn hóa, ngôn ngữ và bản sắc dân tộc cũng khiến các cầu thủ nước ngoài gặp khó khăn trong việc hòa nhập như trường hợp của thủ môn Phan Văn Santos trong trận giao hữu với đội tuyển Brazil. Anh chàng thủ môn gốc Brazil đã không thể hát Quốc ca Việt Nam. Kể từ sau vụ việc trên các quy định nhập tịch cầu thủ nước ngoài yêu cầu khắt khe hơn, khiến cho nhiều cái tên nhập tịch như: Hoàng Vũ Samson, Đỗ Merlo, Huỳnh Kesley Alves... không còn cơ hội được gọi lên khoác áo đội tuyển quốc gia Việt Nam.

Tuy nhập tịch cầu thủ đang là xu thế chung của bóng đá thế giới, thế nhưng, cần phải tránh đi việc lạm dụng nhập tịch cầu thủ một cách ồ ạt và thiếu chọn lọc. Sử dụng các cầu thủ nhập tịch quá nhiều sẽ làm mất đi cơ hội cho những cầu thủ nội và đến lúc các cầu thủ nhập tịch thui chột vì tuổi tác sẽ khiến nền bóng đá càng rơi vào khủng hoảng như Singapore và Philippines đang phải đối diện. Ông Trần Quốc Tuấn - Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) - cho biết: “Mục tiêu của Bóng đá Việt Nam là phải xây dựng một đội tuyển quốc gia có bản sắc, các cầu thủ phải đáp ứng được những nhu cầu về chuyên môn. Câu chuyện bản sắc bao gồm rất nhiều vấn đề như văn hóa, ngôn ngữ và nhiều yếu tố khác”.

Chính vì vậy, việc sử dụng cầu thủ nhập tịch cần phải có sự chọn lọc và cân nhắc!

  Hoàng Long